Nâng cao hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở

09:07, 05/07/2018

Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, cụm loa truyền thanh đầu ngõ dạo tiếng nhạc quen thuộc, bà Nguyễn Thị Diễn (Thôn 3, xã Mê Linh, Lâm Hà) lại thức dậy, vừa cho đàn gà ăn, nấu nồi cám heo, bà vừa lắng nghe tin tức trong nước, trong huyện, trong xã. "Hôm nào đài không nói là thấy vắng lắm" - bà Diễn bày tỏ.

Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, cụm loa truyền thanh đầu ngõ dạo tiếng nhạc quen thuộc, bà Nguyễn Thị Diễn (Thôn 3, xã Mê Linh, Lâm Hà) lại thức dậy, vừa cho đàn gà ăn, nấu nồi cám heo, bà vừa lắng nghe tin tức trong nước, trong huyện, trong xã. “Hôm nào đài không nói là thấy vắng lắm” - bà Diễn bày tỏ.
 
Trong thời đại công nghệ số, đa dạng hóa các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng chính thống, thiết thực cho cuộc sống của người dân. Hiện nay, toàn huyện Lâm Hà có 16/16 xã, thị trấn được trang bị trạm truyền thanh cơ sở, 15/16 xã, thị trấn được bố trí phòng làm việc riêng để làm chương trình và phát những thông tin cần thiết (trừ thị trấn Đinh Văn được bố trí phòng làm việc chung). Trong đó, 15 đài sử dụng thiết bị truyền thanh không dây (vô tuyến FM), 1 đài (xã Mê Linh) sử dụng thiết bị truyền thanh hữu tuyến. 186/188 thôn, buôn, tổ dân phố, khu dân cư có loa truyền thanh (99%), đảm bảo phát sóng truyền thanh đến 70% hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều trang thiết bị thu, phát sóng ở các trạm truyền thanh đã xuống cấp. Hiện có 9 đài còn đảm bảo chất lượng duy trì hoạt động thường xuyên, 7 đài tại các xã Nam Hà, Mê Linh, Liên Hà, Tân Thanh, Nam Ban, Phi Tô, Phúc Thọ đã trục trặc, hư hỏng; toàn huyện có 390 cụm loa, trong đó 252 cụm loa hoạt động tốt, 138 cụm loa hoạt động không tốt.  
 
Cùng đó, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống truyền thanh cơ sở trong huyện cũng gặp khó khăn. Hiện nay, 16 trạm truyền thanh xã, thị trấn đều có 16 cán bộ làm công tác kiêm nhiệm và không kiêm nhiệm. Hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã phân công 1 phó chủ tịch UBND xã hoặc cán bộ văn hóa làm trưởng trạm kiêm phụ trách nội dung và 1 cán bộ kỹ thuật. Trong đó, 3/16 người có trình độ đại học, 13 người có trình độ cao đẳng và trung cấp, 5 người chưa qua đào tạo chỉ có trình độ THPT (tập trung ở đội ngũ vận hành kỹ thuật). Có thể nhận thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở vừa thiếu vừa yếu, chưa qua đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu chỉ được tập huấn qua các lớp trang bị kiến thức ngắn hạn ở huyện, ở tỉnh. Đối với cán bộ kiêm nhiệm (phần lớn là công chức phụ trách văn hóa - xã hội của xã), ngoài mức lương được hưởng từ ngân sách nhà nước theo quy định, địa phương chưa chi trả phụ trách kiêm nhiệm hàng tháng. Đối với cán bộ không chuyên trách, được hưởng chế độ chi trả cho cán bộ không chuyên trách theo quy định của Chính phủ với 1 hệ số lương, hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng. Do phụ cấp thấp lại không có chế độ bảo hiểm xã hội nên phần lớn cán bộ truyền thanh cơ sở làm việc cầm chừng, thiếu tâm huyết, chưa đề cao vai trò trách nhiệm; cán bộ kiêm nhiệm phải làm nhiều việc ở cơ sở nên không dành nhiều thời gian tâm sức cho các hoạt động của trạm phát thanh, dẫn đến chất lượng hoạt động của trạm thấp.
 
Theo quy định của UBND huyện, mỗi ngày các trạm phát thanh cơ sở thực hiện tiếp phát sóng 3 giờ đồng hồ; buổi sáng phát từ 5g30 - 7g, chiều từ 17g30 - 19g. Nội dung phát gồm: tiếp âm chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH tỉnh, Đài TTTH huyện; phát các bản tin của xã, thôn liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; phát các văn bản, thông báo phục vụ công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể tại cơ sở. Ngoài việc tiếp âm, tiếp sóng; có 10/16 trạm truyền thanh cơ sở đã tự xây dựng được 1 - 3 chương trình/tháng để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn lại chủ yếu là đọc thông báo.
 
Để đảm bảo hoạt động cho 16 trạm truyền thanh xã, thị trấn, trong năm 2018, huyện Lâm Hà đã bố trí 396 triệu đồng từ ngân sách; bình quân mỗi trạm là 24,75 triệu đồng. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn lực, các xã - thị trấn đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống truyền thanh cơ sở; trong đó 12 trạm được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, 1 trạm được đầu tư từ ngân sách huyện và 3 trạm được đầu tư từ các nguồn lực khác. Điều đó cho thấy sự quan tâm đến công tác truyền thanh cơ sở của huyện trong thời gian qua. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị đã xuống cấp do lâu ngày, do qua nhiều lần sửa chữa nên ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, độ phủ sóng, giảm công suất, không đảm bảo việc tiếp âm, tiếp sóng. Đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo cơ bản, thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều việc, thù lao chưa cao nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các trạm. Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định: Truyền thanh cơ sở, tuyên truyền miệng luôn là hình thức thông tin gần gũi người dân nhất, đạt được hiệu quả tuyên truyền cao. Trong thời gian tới, Lâm Hà tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trạm truyền thanh cơ sở; kịp thời sửa chữa trang thiết bị hư hỏng, thường xuyên giám sát việc phát sóng, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật, biên tập nội dung, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của hệ thống truyền thanh cơ sở, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

93% các thôn,tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng
 
Huyện Lâm Hà cho biết, đến nay, tất cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn đều có quỹ đất từ 7.000- 20.000 m 2 để xây dựng nhà văn hóa và khu hoạt động thể dục thể thao cho người dân địa phương. Với cấp thôn, tổ dân phố, đã có 187/188 thôn, tổ dân phố có quỹ đất từ 300 - 2.000 m 2 để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và cho các hoạt động thể dục thể thao cơ sở.
 
Đến nay, Lâm Hà đã có 175/188 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt 93%, trong đó có nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn và tiệm cận chuẩn theo quy định. Ở cấp xã, tất cả 16 xã, thị trấn tại huyện đều có nhà văn hóa, trong đó có 14 nhà văn hóa đã đạt chuẩn và gần chuẩn, chỉ còn 2 nhà văn hóa của 2 xã Hoài Đức và Phi Tô cần được sửa chữa nâng cấp lại.
 
Theo Ban Chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của huyện; 16 xã, thị trấn và hầu hết các thôn, tổ dân phố trong huyện đến  nay đều có các đội văn nghệ, thể dục thể thao không chuyên duy trì hoạt động tại cấp cơ sở. Huyện trong năm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho cấp cơ sở từ cấp thôn, liên thôn, cụm xã…                                                                               
GIA KHÁNH 
 
THÁI AN