Nghiện game online - hậu quả khó lường

08:07, 11/07/2018

Những ngày hè, vào các tiệm Internet trên địa bàn TP Ðà Lạt hay các huyện lân cận không khó để bắt gặp nhiều thanh, thiếu niên "ăn ngủ" cùng các loại game trực tuyến (game online). Ðiều đáng báo động là không ít bạn trẻ đã sa đà vào các trò chơi ảo trên mạng dẫn đến những hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. 

Những ngày hè, vào các tiệm Internet trên địa bàn TP Ðà Lạt hay các huyện lân cận không khó để bắt gặp nhiều thanh, thiếu niên “ăn ngủ” cùng các loại game trực tuyến (game online). Ðiều đáng báo động là không ít bạn trẻ đã sa đà vào các trò chơi ảo trên mạng dẫn đến những hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. 
 
Mới 9h sáng ngày 10/7, một tiệm Internet trên đường Phù Đổng Thiên Vương đã đông nghẹt thanh, thiếu niên tới “cày” game online. Ảnh: C.P
Mới 9h sáng ngày 10/7, một tiệm Internet trên đường Phù Đổng Thiên Vương
đã đông nghẹt thanh, thiếu niên tới “cày” game online. Ảnh: C.P

Khi học sinh, sinh viên “cày” game
 
Sáng ngày 10/7, chúng tôi ghé một tiệm Internet đông các bạn trẻ chơi game trực tuyến trên đường Bùi Thị Xuân (Phường 2, TP Đà Lạt). Tuy còn khá sớm nhưng do quán này nằm khá gần một số trường học nên thu hút nhiều học sinh vào “cày” game. Theo quản lý của quán game trên, tập trung đông người chơi nhất là vào buổi tối nhưng đối với các trò chơi chiến thuật trực tuyến thì buộc phải “cày” liên tục bởi nếu dừng chơi sẽ bị trừ điểm mỗi ngày và dễ rớt thứ hạng.
 
Nhìn quanh một vòng chúng tôi thấy phân nửa là những gương mặt “non choẹt”, hầu hết là học sinh bậc THCS, THPT và sinh viên trên địa bàn Phường 2 và Phường 8 đang say sưa dán mắt vào màn hình game, một số thì lên mạng xã hội hay xem phim với cặp tai nghe cồng kềnh vòng quanh đầu.
 
Theo chia sẻ của một “game thủ” nhí tầm 15 tuổi tại quán, các game online được nhiều học sinh ưa chuộng là Đột kích, các loại game nhập vai, bắn súng, Liên minh... 
 
Em T.N.H. (17 tuổi, là học sinh một trường THPT tại Phường 2, TP Đà Lạt) cho hay bắt đầu chơi game Đột kích cách đây gần một năm và trở nên “say” với loại game hành động này khi đã đạt đến cấp độ kim cương. Thường ngày học trên trường, khi về nhà bố mẹ quản thúc chặt nên mỗi ngày H. chỉ tranh thủ buổi tối chơi game ở nhà được khoảng 1h.
 
Tuy nhiên, nói là vậy nhưng vào kỳ nghỉ hè, cậu học trò này được thoải mái đi “cày” game từ sáng tới khuya mà không có sự kiểm soát từ bố mẹ. Đang ngồi chơi “nhập tâm”, một bạn học sinh khác ngồi kế H. cho chúng tôi biết, ngày hè bạn trẻ này bỏ thời gian học thêm ra các tiệm chơi từ 2-3 tiếng, trường hợp rủ được nhiều bạn bè sẽ lập hội chơi liên kết một game thì mất từ 4-6 tiếng/ngày là chuyện bình thường. 
 
Phía trong cùng tiệm game, mới tầm 9h sáng nhưng một số “game thủ” do quá mệt đã gục ngay xuống bàn ngủ nhưng trên màn hình vẫn “cắm chuột” để chế độ tự động nhân vật trong game luyện lên cấp.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tiệm game nằm trên đường Nhà Chung, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng… trên địa bàn TP Đà Lạt, dù buổi sáng hay tối vẫn có khá đông người chơi game online. Tập trung nhiều người chơi có lẽ là một số tiệm trên đường Phù Đổng Thiên Vương, Phan Đình Phùng… do ngoài các yêu cầu về cấu hình máy, quán còn có những dịch vụ khác như nước uống pha chế, thức ăn nhanh. Thậm chí một số tiệm có hẳn phòng chơi game riêng, phục vụ cho khách hút thuốc lá, bố trí tầng 2, dành riêng cho khách Vip “cày” game liên tục từ sáng tới tối khuya. Hiện các “game thủ” thường chơi các game thuộc thể loại MOBA (game nhập vai và chiến thuật đồng đội). Một số tiệm Internet khác còn thu hút khách bằng cách để các “thượng đế” chơi vào giờ cấm (từ 22h đến tận 7h sáng hôm sau) nên thu hút rất nhiều người chơi.
 
Hệ lụy từ nghiện game 
 
Hiện nay không ít bậc phụ huynh tại TP Đà Lạt và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh bất lực khi nhìn con mình mới tầm 15 - 20 tuổi sa đà vào game online, bỏ bê học hành. Nhiều thanh, thiếu niên còn bỏ nhà “đi bụi” để tự do chơi game và nhiều em gia nhập băng nhóm chuyên trộm cắp vặt để có tiền “cày” game. Những đối tượng bất hảo lôi kéo học sinh, sinh viên hút “cỏ” (cần sa), chơi ma túy đá đã không còn là chuyện hi hữu.
 
Trong số các vụ phạm pháp hình sự từ năm 2017 tới nay, theo thống kê từ Công an tỉnh Lâm Đồng, có trên 40 vụ án thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật liên quan tới các trò chơi trực tuyến. Riêng huyện Đức Trọng, trong năm 2017 đã có 6 vụ thanh, thiếu niên phạm tội “cướp tài sản” để lấy tiền chơi game online, hút “cỏ”. Cụ thể, tháng 8/2017, Trần Văn Hoài (16 tuổi) và Đinh Công Hoan (14 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng) khai nhận sau khi bị bắt về tội “trộm cắp tài sản”: do nghiện game và thường xuyên bỏ nhà lang thang nên liên tục thực hiện các vụ trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu sài, chơi game online. Từ đầu năm 2017, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 6 vụ trộm cắp tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn huyện Đức Trọng.
 
Tương tự, Công an huyện Lâm Hà cũng nhiều lần bắt được các đối tượng là thanh thiếu niên vì nghiện game dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Như vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện khởi tố 7 đối tượng có độ tuổi từ 15 đến 18, trú tại các xã Đan Phượng và Tân Hà với hành vi “cướp giật tài sản”. Đây là nhóm thanh, thiếu niên thường xuyên chơi game online, trung bình mỗi ngày mỗi người chơi 4 tiếng, trong đó 2 đối tượng còn đang theo học phổ thông tại địa bàn huyện. Nhóm thanh thiếu niên trên được xác định đã chặn đường, đánh rồi cướp của một người dân trên địa bàn huyện chiếc điện thoại di động giá trị chỉ hơn 1 triệu đồng để lấy tiền đem đi chơi game. 
 
Hay như vụ cướp tài sản mà 3 bị cáo tuổi vị thành niên gây ra trên địa bàn TP Đà Lạt cũng liên quan tới việc các đối tượng đều là thanh, thiếu niên vì thiếu tiền tiêu xài, chơi game mà gây ra hậu quả lớn, để lại nhiều bài học đau lòng cho các bậc làm cha làm mẹ. Các bị cáo đều tầm 16-17 tuổi, bỏ học từ rất sớm, nghiện game và nhiều lần vi phạm pháp luật. Theo hồ sơ vụ việc, Lê Văn Quý (21 tuổi), Đinh Y Quyền (17 tuổi) và Võ Tấn Tài (16 tuổi, cùng trú tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) vì không có tiền nên cả nhóm bàn nhau sẽ đi trộm hoặc cướp tài sản của người khác tại Công viên Ánh Sáng (TP Đà Lạt) vào cuối năm 2016. Sau khi thống nhất, Quý và Quyền đi bộ vào chợ Đà Lạt mua 2 con dao bấm, Tài có sẵn con dao Thái Lan trong người mà trước đó Tài lấy tại nhà Đông. Tại đây nhóm thanh niên trên đã cướp của một phụ nữ 1 điện thoại và 1 xe máy. 
 
Số tiền bán chiếc điện thoại 2,5 triệu đồng nhóm “nướng” hết vào chơi game, riêng xe máy thì mang về nhà dùng. Tại phiên tòa xét xử tháng 10/2017, Tòa án Nhân dân TP Đà Lạt xác định các bị cáo có thái độ ăn năn, hối cải, muốn được khoan hồng, nhưng căn cứ vào mức độ phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt Quý 8 năm tù giam, Quyền và Tài mỗi người 4 năm tù giam. 

Nghiện game là chứng bệnh rối loạn tâm thần
 
Giữa năm 2018, chứng nghiện game đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào dạng rối loạn tâm thần. Các chuyên gia y tế đều đồng thuận về những nguy cơ gây nghiện nghiêm trọng do việc thường xuyên chơi các trò chơi điện tử.
 
Theo tài liệu của WHO, rối loạn tâm thần do nghiện game là việc chơi game liên tục hoặc thường xuyên, gồm cả game kỹ thuật số hoặc video game, tới mức ưu tiên và coi trọng hơn tất cả các hoạt động khác. WHO đã bổ sung chứng rối loạn game vào bản thảo thứ 11 vào cuốn Phân loại thống kê quốc tế về các loại bệnh (ICD).
 
Có 3 đặc điểm để xác định chứng rối loại game hoặc nghiện game. Đầu tiên, người nghiện game không kiểm soát được bản thân khi chơi game ví dụ như địa điểm, tần suất và thời gian chơi. Thứ hai, người nghiện coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống và dành nhiều thời gian để chơi game bất chấp hậu quả tiêu cực xảy đến. Và cuối cùng, trò chơi làm căng thẳng cuộc sống, làm giảm khả năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ giữa trong gia đình hay ngoài xã hội. Từ đó, thu mình vào một góc, ăn uống thất thường, ở lì một chỗ và không chịu hoạt động thể dục thể thao.

CHÍNH PHONG