Người Ðà Lạt và câu chuyện du lịch

08:07, 30/07/2018

"Hiền hòa, thanh lịch, mến khách" từ lâu đã trở thành "đặc sản" riêng, được các thế hệ người Ðà Lạt tự hào, nâng niu gìn giữ. Cùng với quá trình phát triển, đổi mới đã làm cho phong cách ấy ít nhiều biến đổi. Sau 125 năm hình thành và phát triển, Lâm Ðồng đang tìm giải pháp bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Ðà Lạt trong xây dựng hình ảnh du lịch.

“Hiền hòa, thanh lịch, mến khách” từ lâu đã trở thành “đặc sản” riêng, được các thế hệ người Ðà Lạt tự hào, nâng niu gìn giữ. Cùng với quá trình phát triển, đổi mới đã làm cho phong cách ấy ít nhiều biến đổi. Sau 125 năm hình thành và phát triển, Lâm Ðồng đang tìm giải pháp bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Ðà Lạt trong xây dựng hình ảnh du lịch.
 
Xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng “Văn minh - Thân thiện - An toàn”. Ảnh: D.T
Xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng “Văn minh - Thân thiện - An toàn”. Ảnh: D.T

Trải qua 125 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt, từ sự tác động của môi trường tự nhiên đến đời sống  xã hội đã tạo ra phong cách người Đà Lạt với  những nét đặc trưng từ dáng vẻ bên ngoài cho đến chiều sâu tâm hồn. Có thể nói, nét tính cách của người Đà Lạt hòa quyện giữa tính thật thà của người dân tộc thiểu số bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền Bắc; trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng khoáng của người phương Nam; cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp. Tất cả hòa quyện tạo nên nét đặc trưng rất riêng của người Đà Lạt và cũng là “đặc sản” riêng có mà vùng đất này khiến du khách gần xa lưu luyến.
 
Ông Nguyễn Hữu Tranh - nguyên cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ, nhà nghiên cứu về Đà Lạt cho rằng: Trong thời gian qua, rất nhiều tác động đã dẫn đến tình trạng một số người Đà Lạt đã và đang làm xói mòn phong cách người Đà Lạt. Vấn nạn “cò mồi”, cách hành xử với du khách… đã có nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, Đà Lạt là thành phố du lịch đặc thù, hưởng các lợi ích từ du lịch, du khách đến Đà Lạt không chỉ để ngắm rừng thông trùng điệp, hồ nước trong xanh, hoa cỏ, công trình kiến trúc mà còn là dịp tiếp xúc với người Đà Lạt, cho nên người Đà Lạt và văn hóa du lịch người Đà Lạt cũng góp phần để phát triển du lịch. 
 
Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San cũng phân tích: Để góp phần xây dụng hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng “Văn minh - Thân thiện - An toàn” thì việc bảo tồn và phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp của Đà Lạt là vấn đề bức thiết, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân, trong đó, vai trò của cộng đồng dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt là hạt nhân quan trọng. Bởi cộng đồng dân cư là nơi sản sinh, gìn giữ và phát huy, tạo ra những nét đẹp văn hóa mới nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng. Có thể nói, cộng đồng dân cư có vai trò quyết định, và tự thân xây dựng hình ảnh du lịch. Tự thân ở đây chính là tự ý thức vai trò trách nhiệm của mình, nếu thực hiện tốt sẽ đem lại lợi ích cho chính người dân.
 
Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa, văn hóa ứng xử trong quá trình phát triển, TP Đà Lạt đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều nội dung như: Chủ trương xây dựng văn minh đô thị (2004 - 2011), chương trình phát triển du lịch chất lượng cao từ năm 2005 đến nay, quyết liệt triển khai công tác chấn chỉnh đô thị từ năm 2010, xây dựng và phát triển văn hóa con người, vận động quần chúng, doanh nghiệp phát huy truyền thống người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” (giai đoạn 2016 - 2020), triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch từ năm 2017… 
 
Hiện nay, du lịch được tỉnh Lâm Đồng xác định trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Năm 2017, lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 5,9 triệu lượt, hiện có 1.280 cơ sở lưu trú du lịch, 35 khu, điểm du lịch, 58 doanh nghiệp lữ hành và nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch… tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch và 25.000 lao động gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch. 
 
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và thể hiện tính nhân văn sâu sắc, văn minh du lịch chính là tiêu chí đánh giá hình ảnh, vị thế quốc gia và địa phương trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, vì vậy việc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng, cần thiết để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và Lâm Ðồng nói riêng.
 
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỉ trọng ngành du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, số lượt khách du lịch tăng 9 - 10% hàng năm, xây dựng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao và là điểm đến “An toàn - Văn minh - Thân thiện”… thì mỗi cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch cần quan tâm đến ý thức, thái độ tiếp đón và phục vụ du khách. Còn đối với cộng đồng dân cư cần thể hiện thái độ văn minh, lịch sự với khách du lịch, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của người Đà Lạt. Để việc ứng xử văn minh trong du lịch được triển khai hiệu quả, thiết thực, đi vào chiều sâu cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan doanh nghiệp toàn tỉnh. Việc triển khai văn hóa, văn minh du lịch cần được tiến hành lâu dài, thường xuyên, thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của ngành du lịch về nhận thức và hành động trong việc tích cực thay đổi hình ảnh du lịch Lâm Đồng.
 
Người Đà Lạt và câu chuyện du lịch đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu phân tích rất nhiều, bởi văn hóa và du lịch có mối liên hệ mật thiết, không thể tách rời. Người Đà Lạt và cách hành xử đậm chất Đà Lạt cũng là một nét văn hóa mà du khách yêu thích khi đến Đà Lạt. Mong rằng với những nỗ lực mà tỉnh, ngành Du lịch đang triển khai thực hiện, một Đà Lạt luôn đẹp trong hình ảnh và văn hóa, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi sẽ là nền tảng vững chắc phát triển ngành kinh tế động lực này.

ÔNG NGUYỄN VŨ HOÀNG - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Ðồng: “Ứng xử văn minh cho Ðà Lạt”
 
Cần phải tập trung xây dựng nếp sống văn hóa đô thị thật tốt, phục vụ cư dân địa phương, trở thành thành phố đáng sống… trước khi trở thành thành phố du lịch hấp dẫn. 
 
Muốn có du lịch chất lượng đòi hỏi phải tiến hành cải tổ đồng bộ, từ khâu quản lý của chính quyền thành phố (quy hoạch, cơ sở hạ tầng, quản lý dịch vụ…) đến chủ thể kinh doanh dịch vụ du lịch. 
 
ÔNG PHAN ÐỨC THÁI - Phó Bí thư Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng: “Vai trò của Ðoàn Thanh niên đối với việc giữ gìn và phát huy phong cách người Ðà Lạt”
 
 Hiện nay, với sức mạnh của công nghệ thông tin, không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội đối với tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh thiếu niên. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn luôn khuyến khích, vận động giới trẻ xây dựng, đăng tải các sản phẩm truyền thông về Đà Lạt, các hoạt động tiêu biểu của thanh niên, gương tốt… từ đó làm thay đổi nhận thức, giúp cho giới trẻ biết quý trọng, giữ gìn phong cách người Đà Lạt. Đồng thời tổ chức các hoạt động bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, chỉnh trang văn minh đô thị…
 
ÔNG NGUYỄN ƯỚC - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Ðà Lạt: “Chữ Tâm với phong cách người Ðà Lạt” 
 
Chúng ta mong muốn phong cách của người Đà Lạt là hiền hòa mà không trầm lặng, năng động mà không xô bồ, lấy cái tâm, lấy đạo lý của dân tộc, của thời đại để ứng xử. Chúng ta cần tập trung làm cho mỗi người ý thức và cố gắng thể hiện đúng vai trò của mình đối với xã hội, khơi dậy và tôn vinh lòng tự trọng của mỗi người, thuộc mọi thành phần xã hội.
 
ÔNG LÊ VĂN TÒA - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Phong cách người Ðà Lạt: hai câu chuyện, một góc nhìn”
 
Phong cách đẹp của người Đà Lạt hiện đang dần bị lu mờ, tiếng xấu về Đà Lạt sẽ còn tiếp tục, nếu ngay bây giờ chúng ta không cùng nhau chấn chỉnh. Đã đến lúc tỉnh, thành phố Đà Lạt cùng các cơ quan chức năng, đoàn thể phải làm điều đó để giữ cho được “hồn cốt” về phong cách người Đà Lạt. Có thể đó là quy tắc ứng xử ở một thành phố đặc thù, đó là quy tắc bắt buộc mà mọi công dân phải thực hiện ở thành phố du lịch, có thể đó là quy ước, cam kết từ các tổ dân phố… 
 
Để câu chuyện là Đà Lạt của ngày hôm qua và chuyện của ngày hôm nay cùng một góc nhìn cho ngày mai.
 
DIỄM THƯƠNG