Lập trật tự xây dựng bằng tước quyền sử dụng giấy phép

09:07, 25/07/2018

Từ ngày 12/6/2018, Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư XD và các lĩnh vực liên quan có hiệu lực thi hành. Trước đó một năm, ngày 8/6/2017, làm việc với Sở XD Lâm Ðồng, một trong những vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và nhiều vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý và chỉ đạo, đó là quản lý trật tự XD. 

Từ ngày 12/6/2018, Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng (XD) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư XD và các lĩnh vực liên quan có hiệu lực thi hành. Trước đó một năm, ngày 8/6/2017, làm việc với Sở XD Lâm Ðồng, một trong những vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và nhiều vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý và chỉ đạo, đó là quản lý trật tự XD. 
 
Công trình số 22 Hùng Vương, Đà Lạt thi công trái phép nhưng phát hiện muộn. Ảnh: M.Đạo
Công trình số 22 Hùng Vương, Đà Lạt thi công trái phép nhưng phát hiện muộn. Ảnh: M.Đạo

Ngày 24/4/2018, Thứ trưởng Bộ XD Lê Quang Hùng đã ký ban hành Thông tư 03/2018/TT-BXD về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư XD; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu XD, sản xuất, kinh doanh vật liệu XD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư XD; cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác. 
 
Theo đó, việc tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (GPXD) quy định tại khoản 10 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được áp dụng như sau: Tước quyền sử dụng GPXD từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 9 Điều 15; Tước quyền sử dụng GPXD từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 9 Điều 15; Tước quyền sử dụng GPXD từ 9 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 9 Điều 15. Trong thời hạn bị tước quyền sử dụng GPXD, cá nhân, tổ chức vi phạm không được tổ chức thi công XD. Thông tư 03/2018 cũng quy định về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được thực hiện như sau: Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự...
 
Ngoài ra, Thông tư 03/2018/TT-BXD còn quy định về các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình XD. Cụ thể, khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình XD vi phạm. Công trình, phần công trình XD vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình XD vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình XD sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình XD lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.
 
Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình XD vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về XD cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình XD vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. 
 
Đối với địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì sao? Thời gian qua, có không ít công trình XD vi phạm đã phát hiện và chưa phát hiện. Hành vi vi phạm bao gồm các trường hợp như: thi công XD trên đất lâm nghiệp, thi công không có GPXD, thi công sai theo GPXD cấp, thi công vi phạm Luật Di sản, thi công làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân xung quanh… Thực tế giám sát, kiểm tra và đặc biệt đã xử lý như thế nào? Một số công trình đã được phát hiện và UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cương quyết xử lý dứt điểm như công trình tại số 22 Hùng Vương, Đà Lạt chẳng hạn. Công trình này vi phạm Luật XD và quy hoạch đô thị về Trục Di sản kiến trúc Đông - Tây của thành phố (TP) nhưng phát hiện muộn, sau đó đã buộc tháo dỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có những công trình cơ quan chức năng thiếu cương quyết trong kiểm tra và đặc biệt là xử lý chưa nghiêm nên gây phản cảm và bức xúc trong xã hội, từ các chuyên gia, nhà chuyên môn đến người dân (điển hình là công trình tòa nhà hội nghị Palace, Phường 3 TP Đà Lạt). 
 
Tình trạng nhiều công trình XD của tổ chức, cá nhân lợi dụng quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tiến hành thi công XD trên đất lâm nghiệp, thậm chí có cả công trình cưa hạ cây thông nhiều tuổi để tiến hành XD (vi phạm nghiêm trọng chủ trương của Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 191/TB-VPCP). Còn mới đây, tại khu vực Quảng Thừa, Phường 4, TP Đà Lạt, có 27 trường hợp vi phạm về trật tự XD và san gạt đất trái phép; trong đó, 4 trường hợp XD sai nội dung giấy phép, bản vẽ thiết kế được cấp và 15 trường hợp XD không phép. Tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, tình trạng XD trái phép cũng diễn ra, sau đó có trường hợp hợp thức hóa thủ tục hồ sơ, có trường hợp cơ quan chức năng buộc dừng thi công .v.v… Những trường hợp vi phạm về trật tự XD vừa nêu và nhiều trường hợp khác cho thấy sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa chặt chẽ, nhất là khâu kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời và cương quyết theo quy định của pháp luật.
 
MINH ÐẠO