Liên kết sản xuất nông sản an toàn xuất khẩu

08:07, 17/07/2018

Thành lập từ đầu năm 2017, Hợp tác xã Bình Lộc (Thôn 11, xã Ðam B'ri, TP Bảo Lộc) đang bao tiêu một số lượng lớn nông sản sản xuất theo hướng an toàn cho người nông dân tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Thành lập từ đầu năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Bình Lộc (Thôn 11, xã Ðam B’ri, TP Bảo Lộc) đang bao tiêu một số lượng lớn nông sản sản xuất theo hướng an toàn cho người nông dân tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt, với sản phẩm chanh dây, mỗi tháng HTX thu mua từ 150 - 200 tấn xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ và Úc. 
 
Người lao động tại HTX Bình Lộc tuyển chọn mặt hàng chanh dây tươi xuất khẩu. Ảnh: K.P
Người lao động tại HTX Bình Lộc tuyển chọn mặt hàng chanh dây tươi xuất khẩu. Ảnh: K.P

Mỗi tháng thu mua gần 200 tấn chanh dây
 
Dẫn chúng tôi tham quan vườn chanh dây rộng hơn 6 ha của HTX trồng tại xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm), ông Nguyễn Trường Xiêm, Giám đốc HTX Bình Lộc bộc bạch: “Hiện tại, HTX chúng tôi có gần 14 ha chanh dây trồng tại 2 xã Lộc Bảo và B’Lá (huyện Bảo Lâm). Toàn bộ diện tích này được chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế về nông sản sạch). Vì thế, trong quá trình chăm sóc vườn chanh dây, chúng tôi sử dụng các loại phân bón vi sinh để bón cho cây và hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Sản phẩm chanh dây sau khi được thu hái, chúng tôi sẽ tuyển chọn những trái có mẫu mã đẹp, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đối tác để xuất khẩu. Sản lượng còn lại, chúng tôi tiếp tục tuyển chọn xuất đi các thị trường trong nước như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội…; đồng thời, bóc tách, cấp đông để xuất khẩu mặt hàng nước cốt”.
 
Theo ông Xiêm, trung bình mỗi tháng, HTX xuất khẩu qua thị trường nước ngoài từ 50 - 60 tấn chanh dây tươi. Đối với mặt hàng này, các đối tác có những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Ngoài việc đảm bảo mẫu mã đẹp, thì sản phẩm chanh dây xuất khẩu không được tồn dư thuốc BVTV và các chất kích thích khác. Vì thế, các lô hàng chanh dây xuất khẩu trái tươi đều phải được test - kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói. “Suốt nhiều tháng qua, do nhu cầu nguồn hàng trái tươi xuất khẩu quá lớn, nên gần 14 ha chanh dây của HTX không thể đáp ứng cho các đối tác. Vì vậy, HTX phải liên kết với hàng chục hộ trồng chanh dây ở TP Bảo Lộc, Bảo Lâm và cả tỉnh Đắk Nông để thu mua sản phẩm. Mỗi tháng, ngoài nguồn hàng sẵn có, để tuyển chọn được từ 30 - 40 tấn chanh dây đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, HTX phải thu mua từ 150 - 170 tấn chanh dây thô. Hiện, chanh dây loại 1 đang được HTX thu mua với giá 26 ngàn đồng/kg (cao hơn giá thị trường 4 ngàn đồng/kg). Riêng hàng xô, được chúng tôi thu mua với giá từ 14 - 18 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm loại 1 chỉ có ở những hộ nông dân đã ký hợp đồng với HTX (sản xuất theo quy trình sản phẩm sạch) nên sản lượng rất hạn chế” - ông Xiêm cho biết thêm.
 
Để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu, thời gian qua, HTX đã đặt vấn đề với nhiều hộ dân trồng chanh dây ở TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm cùng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sạch. Tuy nhiên, do những yêu cầu “khắt khe” về chất lượng sản phẩm mà HTX đưa ra và do giá cả thị trường thường xuyên biến động nên bà con chưa mặn mà ký hợp đồng với HTX. Đây cũng chính là khó khăn mà HTX đang phải đối diện. Anh Nguyễn Đình Khương, một hộ dân trồng chanh dây (ngụ xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) cho hay: “Gia đình tôi trồng hơn 2 ha chanh dây đã 3 năm nay. Trước đây, sản phẩm chanh dây được tôi bán cho các thương lái. Nhưng từ cuối năm 2017 đến nay, tôi đã ký hợp đồng với HTX Bình Lộc bao tiêu sản phẩm. Mỗi tháng tôi xuất bán cho HTX từ 5 - 6 tấn chanh dây, với giá từ 20 - 26 ngàn đồng/kg (tùy từng thời điểm). Từ khi ký hợp đồng với HTX, buộc tôi phải ghi nhật ký sản xuất, hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV để đảm bảo sản phẩm sạch nên tốn nhiều thời gian chăm sóc hơn trước. Đổi lại, có bao nhiêu sản lượng đều được HTX bao tiêu nên tôi không lo lắng về sự biến động giá cả và thị trường tiêu thụ”.
 
Hướng tới xuất khẩu nhiều mặt hàng
 
Cùng với việc xuất khẩu chanh dây tươi, HTX Bình Lộc còn sơ chế và xuất khẩu cả sản phẩm nước cốt chanh dây. Nhằm đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu, buộc HTX phải thuê thêm lao động để sơ chế, bóc tách và cấp đông sản phẩm. 
 
Theo ông Xiêm, nhu cầu của các đối tác về sản phẩm nước cốt chanh dây là rất lớn từ 100 - 120 tấn/tháng. Tuy nhiên, hiện tại do nguồn hàng khan hiếm, nên mỗi tháng HTX cũng chỉ đáp ứng được từ 40 - 50 tấn.
 
Hiện tại, chỉ riêng mặt hàng chanh dây xuất khẩu, HTX Bình Lộc đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 70 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 10 lao động chuyên chăm sóc vườn chanh dây và gần 60 lao động chuyên tuyển chọn, bóc tách và cấp đông sản phẩm chanh dây xuất khẩu.
 
Với uy tín đã và đang mang lại, ngoài sản phẩm chủ lực là chanh dây, HTX Bình Lộc đang được các đối tác nước ngoài đặt vấn đề để cung cấp thêm các mặt hàng nông sản khác như chanh không hạt, cà phê, gừng và tiêu…
 
“Thời gian qua, chúng tôi đã được các đối tác ở Mỹ, Úc và một số nước châu Âu đặt vấn đề cung cấp cho họ thêm một số mặt hàng nông sản khác. Cũng giống như chanh dây, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu đòi hỏi phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện tại, HTX chưa tìm được nguồn hàng đảm bảo chất lượng, nên chúng tôi chưa thể ký hợp đồng với khách hàng. Để đảm bảo uy tín làm ăn lâu dài, tới đây, các thành viên trong HTX sẽ chủ động đầu tư sản xuất chanh không hạt và gừng theo hướng hữu cơ cung cấp cho khách hàng. Đối với các sản phẩm khác, HTX sẽ trực tiếp làm việc với các hộ dân để thu mua. Để quảng bá nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Lâm Đồng nói riêng với bạn bè quốc tế, chúng tôi mong muốn, người dân có sự hợp tác cùng sản xuất; đồng thời, nhận được sự quan tâm, tạo điệu kiện của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để HTX chủ động được những sản phẩm nông sản tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu” - các thành viên trong HTX Bình Lộc mong muốn.
 
KHÁNH PHÚC