Lạc Dương đẹp mà chưa sạch

09:07, 23/07/2018

Những năm gần đây, "bộ mặt" thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) ngày càng khang trang bởi cơ sở hạ tầng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh "vẻ đẹp" đó, tình trạng buôn bán thực phẩm tươi sống dọc hai bên đường đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, làm mất mỹ quan những con đường dẫn đến một số khu du lịch trên địa bàn huyện.   

Những năm gần đây, “bộ mặt” thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) ngày càng khang trang bởi cơ sở hạ tầng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh “vẻ đẹp” đó, tình trạng buôn bán thực phẩm tươi sống dọc hai bên đường đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, làm mất mỹ quan những con đường dẫn đến một số khu du lịch trên địa bàn huyện.   
 
Mặc dù có chợ, nhưng những hàng cá tươi thế này vẫn bày bán dọc hai bên đường tại thị trấn Lạc Dương làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đi lại. Ảnh: V.H
Mặc dù có chợ, nhưng những hàng cá tươi thế này vẫn bày bán dọc hai bên đường tại thị trấn Lạc Dương
làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đi lại. Ảnh: V.H

“Bức tranh nhem nhuốc”
 
Là một hướng dẫn viên thường xuyên dẫn các đoàn khách đến với Khu Du lịch LangBiang cũng như các điểm giao lưu cồng chiêng dưới chân núi, anh Tuấn Tú cho hay, nhiều khi xe du lịch phải né hay len lỏi giữa hàng ngang, hàng dọc xe máy dựng hai bên đường mỗi buổi tan tầm. Đó là chưa kể, những vũng nước hôi thối từ hàng cá, hàng thịt, hàng gà vịt “vô tư” hất ra đường khiến du khách phải bịt mũi. “Trên con đường dẫn đến khu du lịch với khung cảnh núi non xinh đẹp mà “nhem nhuốc” thế này thật mất mỹ quan”, anh Tuấn Tú tặc lưỡi.
 
Còn với gia đình chị Hà - đầu đường 19/5 lại phải chịu mùi tanh tưởi và nhiều lần đi làm về không cho xe vào sân được bởi 5, 6 chiếc xe máy dựng ngay trước cổng để vào mua hàng cá bên cạnh nhà. Chị Hà cho biết, cứ mỗi buổi chiều tối, những chậu nước đựng cá, rồi nước rửa dọn hàng quán đổ ra đường tràn sang trước cổng nhà chị tanh không chịu nổi. Chị phải ra lấy vòi nước nhà mình xịt cho bớt mùi.
 
Đó là tình trạng buôn bán thực phẩm tươi sống như cá, thịt, gà, vịt… dọc hai bên đường thị trấn Lạc Dương nhiều năm qua. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các quầy hàng này còn làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại bởi việc dựng đỗ xe tràn lan ngoài đường của người mua và người bán. Trong khi các tuyến đường chính của thị trấn Lạc Dương được mở rộng và nâng cấp, thì những quầy thực phẩm tươi sống lại là những “vết bẩn” của “bức tranh” đẹp đẽ này.
 
Ðìu hiu chợ chục tỷ
 
Cách đây 7 năm, khu chợ đầu tiên của huyện Lạc Dương hình thành đã mang một niềm hy vọng mới cho cả người dân và nhà đầu tư. Đây là khu chợ được một doanh nghiệp tư nhân đầu tư với số tiền hơn 20 tỷ đồng cho hệ thống chợ và khu phố chợ với niềm tin, sau hơn 30 năm thành lập, huyện Lạc Dương có chợ sẽ giúp thay đổi diện mạo của địa phương cũng như mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm chính thức đi vào hoạt động, chợ vẫn đìu hiu với ít kẻ bán người mua.
 
Lý giải điều này, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương Trần Xuân Đường cho rằng: vốn dĩ từ trước đến nay, hơn 30 năm thành lập huyện, Lạc Dương chưa có chợ. Chính điều này đã tạo thói quen mua bán của tiểu thương và người dân là ở những hàng quán dọc hai bên đường. Vì thế, khi có chợ, người dân vẫn giữ thói quen bấy lâu nay. Theo ông Đường, một số gia đình có nhà dọc đường tận dụng mặt bằng để buôn bán, và có đăng ký kinh doanh nên không thể ép họ vào chợ. Trước khi chợ Lạc Dương hoạt động, chính quyền địa phương cũng đã vận động tiểu thương vào chợ thuê quầy kinh doanh. Tuy nhiên, vì có sẵn mặt bằng, ngại đi lại cũng như đỡ mất tiền thuê quầy, nhiều hộ vẫn không chịu vào chợ.
 
Ông Ðường cho biết thêm, việc ép buộc tiểu thương có sẵn nhà mặt đường kinh doanh phải đóng cửa để vào chợ thuê quầy buôn bán là không thể. 
 
Và thói quen mua bán dọc hai bên đường của người dân cũng khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Trước đây, chính quyền địa phương đã cấm việc buôn bán thực phẩm tươi sống dọc hai bên đường rất quyết liệt. Hộ nào vi phạm sẽ bị tịch thu hàng hóa. Riêng đối với cán bộ công chức, các cơ quan, đơn vị cũng cấm không được mua bán ven đường, việc đậu đỗ xe dọc đường để vào mua hàng cũng bị công an giao thông xử phạt… 
 
Thế nhưng, cũng chỉ một thời gian, mọi việc đâu lại vào đấy, hàng quán vẫn bán, người dân vẫn mua, chợ đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn ế ẩm người thuê. Mới hơn 5 giờ chiều, chị Nga chủ một quầy bán thịt vội vàng thu dọn hàng quán. Chị cho hay, cả ngày chợ vắng người mua, chỉ khi tan giờ làm việc mới có dăm người ghé, có ngồi bán thêm cũng chẳng ai mua nên dọn hàng nghỉ sớm.
 
Ông Đào Duy Cát - Giám đốc DNTN Khanh Cát, chủ đầu tư chợ Lạc Dương thở dài, sau hơn 7 năm hoạt động, đến giờ doanh nghiệp vẫn phải đang bù lỗ vì số tiền thu được từ việc thuê quầy sạp rất hạn chế. Với 85 quầy nhưng hiện chỉ hơn 50% quầy có tiểu thương thuê. Dự định ban đầu mỗi quầy sẽ cho thuê với giá 500 ngàn đồng, sau đó sẽ tăng theo từng năm. Nếu theo kế hoạch thì đến thời điểm này, mỗi quầy phải cho thuê với giá hơn 1 triệu đồng. Nhưng thực tế, hiện nay mỗi quầy chỉ cho thuê với giá 400 ngàn đồng. “Do số lượng người mua không nhiều nên cũng khó tăng giá cho thuê quầy, tiểu thương thuê đã ít giờ mà tăng giá họ sẽ không thuê nữa. Thực sự việc đầu tư chưa đạt hiệu quả, nhưng vì xác định đầu tư lâu dài nên cũng đành chấp nhận”, ông Cát cho biết. 
 
Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương - Trần Xuân Đường khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường hai biện pháp: tuyên truyền đến từng tổ dân phố và từng hộ gia đình để tạo thói quen cho người dân vào chợ mua bán; đồng thời, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý những hộ kinh doanh làm ảnh hưởng đến môi trường. 
 
Dẫu biết, thói quen muốn thay đổi cần phải có thời gian. Nhưng có lẽ hơn 7 năm cũng đủ để người dân làm quen với chợ. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán thực phẩm tươi sống dọc hai bên đường tràn lan trong khi chợ huyện thưa thớt người bán kẻ mua không những làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đi lại, mà còn làm giảm sức thu hút đầu tư vào địa phương khi một công trình hàng chục tỷ đồng lại không mang lại hiệu quả!               
 
VIỆT HÙNG