"Khát nước" bên công trình nước sạch

08:07, 20/07/2018

Không ít công trình nước sạch được đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, trong khi nhiều nơi người dân vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt.

Không ít công trình nước sạch được đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, trong khi nhiều nơi người dân vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt.
 
Gia đình anh Ka Như (43 tuổi, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) phải dùng nước giếng sinh hoạt bên công trình nước sạch bị hư hỏng nặng. Ảnh: C.P
Gia đình anh Ka Như (43 tuổi, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) phải dùng nước giếng sinh hoạt
bên công trình nước sạch bị hư hỏng nặng. Ảnh: C.P

Giữa tháng 7 này, chúng tôi tới gia đình anh Ka Như (43 tuổi, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) nằm sát ngay công trình giếng khoan được đầu tư xây dựng hơn 200 triệu đồng để phục vụ bà con trong khu vực. Tuy nhiên, theo anh Ka Như, các hộ gia đình vẫn phải dùng nước giếng tự đào để phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Riêng hệ thống cung cấp nước sạch nằm kế bên thì đường ống, đồng hồ của hệ thống giếng khoan nhà nước xây dựng đã trọi trơ, hư hỏng nặng. Theo quan sát, rác và phân thải gia súc có mặt cả trên bể chứa nước trên. 
 
“Giếng khoan chỉ hoạt động được vài tháng rồi bỏ không từ năm 2010 tới nay. Hiện giờ giếng nước đào sâu 25 m nhưng vẫn không đủ nước vào mùa khô còn mùa mưa thì hơi đục nhưng phải dùng vì không còn cách nào khác” - anh Ka Như chia sẻ. 
 
Theo UBND xã Tân Thanh, trên địa bàn xã có 3 công trình nước sạch trong đó có 2 giếng khoan và 1 công trình nước tự chảy được đầu tư với tổng kinh phí lên đến gần 3 tỷ đồng từ những năm 2004 đến 2008. Theo người dân phản ánh, các công trình chỉ có thể hoạt động được vài tháng, cao nhất là 1 năm thì hư hỏng. Điển hình như công trình nước tự chảy này được đầu tư lên đến gần 2,3 tỷ đồng với thiết kế cung cấp nước sạch cho 180 hộ dân thuộc Thôn 8, xã Tân Thanh, nhưng chỉ hơn 1 năm hoạt động công trình này đã không phát huy tác dụng.  
 
Ông Phan Văn Thân - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho hay, sau khi bàn giao cho thôn các công trình nước sạch trên thì thôn chưa thành lập được tổ quản lý vận hành nên chỉ được ít năm thì hư hỏng, không có tiền để tiếp tục bảo dưỡng, sửa chữa là một trong những nguyên nhân khiến công trình không thể sử dụng nhiều năm qua. Đặc biệt là việc nguồn nước đầu nguồn của công trình này đã bị cạn kiệt và ô nhiễm do chăn thả gia súc.
 
Đây không chỉ là tình trạng  của một vài nơi mà là thực trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn Lâm Đồng. 
 
Theo Sở NN&PTNN Lâm Ðồng, toàn tỉnh hiện có 253 công trình nước sạch nông thôn, trong đó chỉ có 10% hoạt động bền vững và có đến gần 50% hư hỏng cần nâng cấp sửa chữa cấp bách. 
 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các công trình không có cơ chế vận hành, quản lý phù hợp. Các công trình này được giao cho các địa phương quản lý nên thiếu cán bộ có chuyên môn, không đủ kinh phí để duy tư sửa chữa kịp thời cũng như chế độ cho con người làm công tác vận hành còn nhiều bất cập.
 
Tại thôn K’Long, xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh), theo ghi nhận một công trình cung cấp nước sạch ở thôn được Sở NN&PTNT xây dựng năm 2007 do Hiệp hội L’Appel - Pháp đầu tư nhưng đến năm 2015 thì công trình phải đóng cửa. Theo bà con tại đây, do dòng suối Đạ Cọ bị chặn trên thượng nguồn, không có nước chảy về chỗ đập ngăn của công trình buộc người dân phải đào giếng lấy nước nhưng khó khăn là giếng đào ở đây có tỷ lệ nhiễm phèn cao và khó đào do địa hình có nhiều đá bàn.
 
Còn tại thôn Tơ Krang (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng) có hơn 80 hộ dân, nhưng công trình nước sạch chỉ đủ cung cấp cho... một số hộ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ban đầu bồn chứa nước bị rò rỉ, các ống dẫn bị đứt nhưng không có ai bảo trì, duy tu. Đồng thời, do nguồn nước cung cấp ngày một yếu dần nên người dân đã không đóng tiền điện khiến công trình phải dừng hoạt động.
 
Ông Phan Văn Hợi - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch trên toàn tỉnh xuống cấp là do các địa phương chưa có người đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ vận hành và quản lý.
 
Tại các công trình do tổ tự quản của thôn, xóm quản lý hầu như không có kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình. Do vậy việc khai thác công trình cấp nước sinh hoạt do các tổ tự quản thực hiện đạt hiệu quả thấp, tỷ lệ công trình kém hiệu quả và ngưng hoạt động chiếm gần 50%.
 
Bên cạnh đó, việc thu tiền sử dụng nước chưa được thực hiện đồng bộ, thu chưa đủ chi nhưng một số chưa lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền bù giá nên nhiều công trình không đủ kinh phí để quản lý, vận hành, bảo dưỡng.
 
Sở NN&PTNT Lâm Đồng thông tin, hiện nay, toàn tỉnh có trên 80% dân cư nông thôn dùng nước sạch hợp vệ sinh, con số này sẽ được nâng lên 85% vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, ngành chức năng Lâm Đồng đang rà soát, kiểm tra để đầu tư nâng cấp lại các công trình nước sạch nông thôn. Trong đó chú trọng công tác xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này để chuyên môn hóa, hiện đại hóa vấn đề cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, qua thực tế rà soát các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả như đã đề cập ở trên, quan trọng hơn hết là việc các đơn vị cần siết chặt công tác vận hành, quản lý, đầu tư  một cách hợp lý để không còn tình trạng lãng phí những công trình tiền tỷ diễn ra nhiều năm qua.         
 
C.PHONG