Không cấp thuốc cho bệnh nhân tâm thần, bệnh án vẫn ghi đầy đủ

08:07, 24/07/2018

Theo quy định, ngoài việc được hưởng trợ cấp thì bệnh nhân tâm thần và động kinh còn được cấp phát thuốc miễn phí hàng tháng. Thế nhưng, nhiều tháng qua, một số bệnh nhân tại phường B'Lao (TP Bảo Lộc) không được cấp thuốc theo quy định nhưng trong sổ theo dõi và bệnh án điều trị tại Trạm Y tế phường vẫn ghi nhận, sử dụng thuốc đầy đủ khiến người nhà bệnh nhân không khỏi bức xúc.

Theo quy định, ngoài việc được hưởng trợ cấp thì bệnh nhân tâm thần và động kinh còn được cấp phát thuốc miễn phí hàng tháng. Thế nhưng, nhiều tháng qua, một số bệnh nhân tại phường B’Lao (TP Bảo Lộc) không được cấp thuốc theo quy định nhưng trong sổ theo dõi và bệnh án điều trị tại Trạm Y tế phường vẫn ghi nhận, sử dụng thuốc đầy đủ khiến người nhà bệnh nhân không khỏi bức xúc.
 
Bà Bến (vợ ông Nghi) phản ánh sự việc lên đại biểu HĐND hai cấp. Ảnh: K.P
Bà Bến (vợ ông Nghi) phản ánh sự việc lên đại biểu HĐND hai cấp. Ảnh: K.P

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nghi (71 tuổi, ngụ tại Tổ dân phố 10, phường B’Lao, TP Bảo Lộc) là bệnh nhân tâm thần thuộc đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội 540 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng, ông Nghi còn được cấp miễn phí 60 viên thuốc Phenobarbital 100mg. Theo đó, từ năm 1997 đến nay, ông Nghi về sinh sống tại phường B’Lao và hàng tháng đều được nhận thuốc đầy đủ từ Trạm Y tế phường. Tuy nhiên, từ tháng 9/2017 đến nay, việc cấp phát thuốc cho ông Nghi tháng có, tháng không. Bà Lê Thị Bến (60 tuổi, vợ ông Nghi) phản ánh: “Định kỳ hàng tháng là con trai tôi cầm sổ lên Trạm Y tế phường để lấy thuốc cho cha. Tuy nhiên, tháng có thuốc, tháng lại không. Chồng tôi bị tâm thần nặng, nên những tháng không được cấp thuốc, tôi phải ra ngoài tiệm thuốc mua với giá từ 3,5 - 4 ngàn đồng/viên. Tuy nhiên, trong sổ nhận thuốc của chồng tôi, tất cả các tháng (từ tháng 9/2017 đến nay) đều ghi nhận thuốc đầy đủ và có chữ ký của cán bộ Trạm Y tế phường xác nhận hẳn hoi. Tôi thắc mắc là chồng tôi không được nhận thuốc từ Trạm Y tế, nhưng vẫn ghi nhận đầy đủ thì không biết số thuốc đó đi về đâu?”.
 
Theo bà Bến, gia đình bà thuộc diện khó khăn của địa phương, còn chồng bà - ông Nghi bị bệnh tâm thần hơn 20 năm nay nên không thể lao động. Càng về già, bệnh tình của ông Nghi ngày càng nặng thêm nên phải uống thuốc đều đặn hàng ngày. Những ngày không có thuốc, tính tình ông Nghi thay đổi, hay nóng giận, không làm chủ được bản thân và thậm chí nhiều lúc còn đòi tự tử. “Vì quá bức xúc về cấp phát thuốc bị thiếu, nên tôi đã nhiều lần đến Trạm Y tế phường B’Lao để phản ánh. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy họ đều cử nhân viên ra làm việc và giải thích không thỏa đáng khiến tôi càng bức xúc hơn. Để đòi quyền lợi cho chồng, vừa qua trong buổi tiếp xúc cử tri của Hội đồng Nhân dân hai cấp, tôi đành đem chuyện này ra phản ánh để đòi quyền lợi cho chồng” - bà Bến bức xúc.
 
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Phượng, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế phường B’Lao. Trước những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra, bà Phượng cho biết: “Trường hợp bệnh nhân Nghi không được cấp thuốc nhưng sổ vẫn ghi có nhận, tôi cũng vừa mới nghe. Hiện, toàn phường đang có 27 đối tượng tâm thần và động kinh được trợ cấp thuốc Phenobarbital 100 mg miễn phí hàng tháng. Nhưng theo Công văn số 342CV-BXH của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Lâm Đồng mà chúng tôi nhận được là do hết kinh phí để mua thuốc Phenobarbital 100mg nên tạm ngưng cấp cho bệnh nhân. Từ đó, đến nay, Trạm chúng tôi không nhận được thuốc nên không có cấp. Vì thế, khi tới nhận thuốc không có, nhiều người nhà bệnh nhân phản ứng rất dữ dội”.
 
Theo bà Phượng, đáng lẽ ra khi người nhà bệnh nhân đến nhận thuốc không có thì nhân viên của trạm phải ghi số thuốc vào sổ rồi đóng mở ngoặc đơn là (mua tự túc ở ngoài) mới đúng. Trường hợp của bệnh nhân Nghi nếu có là do một số nhân viên trạm chưa nắm rõ quy trình dẫn đến sai sót.
 
Tuy nhiên, theo Công văn số 342 nêu rõ: “Trong khi chờ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2017 cấp để mua thuốc… Vậy Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh thông báo đến các đơn vị để dự trù và nhận thuốc; đồng thời, chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện và tư vấn chuyển tuyến, kê đơn điều trị cho bệnh nhân theo quy định”. Khi chúng tôi yêu cầu bà Phượng cho xem để sao chụp sổ theo dõi, cấp thuốc và bệnh án của bệnh nhân tại trạm thì bà Phượng cương quyết: “Tôi chỉ cho các anh xem thôi, còn việc chụp lại hình thì không được. Các anh muốn chụp thì phải có ý kiến của cấp trên chúng tôi mới được”.
 
Sau khi xem sổ theo dõi cấp phát thuốc và bệnh án điều trị của ông Nghi tại trạm cho thấy: Bệnh án ghi rõ hàng tháng ông Nghi đều sử dụng đầy đủ 60 viên thuốc/tháng (mặc dù không được cấp). Bà Phượng giải thích: “Trong bệnh án ghi bệnh nhân sử dụng đầy đủ 60 viên thuốc là để chúng tôi theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân”. Chúng tôi tiếp tục hỏi: Vậy trạm có thường xuyên cử người xuống nhà ông Nghi thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân không mà biết rõ ông Nghi uống thuốc đầy đủ 60 viên/tháng. Trong khi đó, trạm không có thuốc cấp? Bà Phượng trả lời ấp úng: “Chúng tôi không xuống nhà ông Nghi thăm khám, nhưng có nắm tình hình và hỏi thăm sức khỏe ông Nghi qua người nhà”.
 
Chúng tôi tiếp tục thắc mắc về việc này, bà Phượng cho rằng đáng lẽ ra phải kê đơn để người nhà bệnh nhân ra ngoài mua thuốc Garnotal - Phenobarbital 100mg vì trong thuốc có chất gây nghiện. “Sai sót của nhân viên trạm là khi bệnh nhân đến nhận thuốc không có nhưng không ghi rõ phải (tự túc) khiến mọi người hiểu nhầm. Có những trường hợp người nhà bệnh nhân rất khó tính, cầm đơn thuốc mà chúng tôi kê để ra ngoài lấy thuốc họ lập tức vò nát khiến chúng tôi rất buồn. Riêng trường hợp của ông Nghi, tới đây, chúng tôi sẽ xuống tìm hiểu để xin lỗi và giải thích rõ cho người nhà biết lý do không được cấp thuốc” - bà Phượng cho biết.
 
HẢI ÐƯỜNG