
Một trong 4 nhóm vấn đề được cử tri quan tâm và đại biểu đăng đàn chất vấn đó là việc nâng cao chất lượng dạy nghề tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua.
Một trong 4 nhóm vấn đề được cử tri quan tâm và đại biểu đăng đàn chất vấn đó là việc nâng cao chất lượng dạy nghề tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua.
 |
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo ra những người thợ có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và tạo việc làm, thu nhập cao cho người lao động. (Trong hình: Công nhân làm việc tại xưởng cắt kính trong Khu Công nghiệp Phú Hội - Ðức Trọng, Lâm Ðồng). Ảnh: N.Thu |
Theo số liệu báo cáo của Bộ LĐ - TB và XH, tính đến tháng 3/2018, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 394 trường cao đẳng; 515 trường trung cấp, 1.045 trung tâm. Các trường tư thục hiện chiếm khoảng 1/5 tổng số trường trung cấp và cao đẳng, cơ bản hoạt động tuyển sinh tốt nhưng cơ sở vật chất chưa tốt. Bước đầu có một số trường được đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân lớn có bước tiến về chất lượng như Cao đẳng (CĐ) Y Dược Phú Thọ, CĐ ASEAN, CĐ FLC, CĐ Việt Mỹ, CĐ FPT... Sắp tới, Bộ LĐ - TB và XH sẽ hỗ trợ các tập đoàn Vingroup, Sungroup, Mường Thanh,... thành lập một số trường cao đẳng chất lượng cao và thu hút một số trường quốc tế. Có 73.612 nhà giáo, trong đó: 40.246 người dạy trong trường CĐ, 19.454 trong các trường trung cấp và 13.912 nhà giáo dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Tuyển sinh năm 2017 là 2.204.400 người, đạt 100,2% so với kế hoạch. Tỷ lệ có việc làm trung bình đạt 80,5%; một số trường đạt trên 90%, có trường đạt 100%; lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm đạt 80,2%.
Về chương trình đào tạo: đã áp dụng phương pháp mới trong xây dựng chương trình với sự tham gia của doanh nghiệp. Các trường đã được chủ động trong việc thiết kế chương trình, giáo trình phù hợp với yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hiện. Đã thực hiện chuyển giao đồng bộ 34 bộ chương trình theo chuẩn quốc tế (8 bộ từ Malaysia, 12 bộ từ Australia, 14 bộ từ Đức). Hiện đang đào tạo thí điểm tại 25 trường.
Hoạt động quản lý chất lượng bao gồm công tác thanh tra, công tác kiểm định, công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề phát triển nhanh. Đã thí điểm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ở một số trường cao đẳng nghề được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, Hội đồng Anh. Đã lựa chọn 45 trường để hỗ trợ đầu tư tập trung đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.
Thực hiện thí điểm tự chủ tại 3 trường là CĐ Kỹ nghệ II TP HCM, CĐ Lilama 2 Đồng Nai, CĐ Bình Định. Ba trường đến nay có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều. Có thể nói tự chủ là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Phân tích về hạn chế, nguyên nhân, Theo Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH Đào Ngọc Dung trả lời tại phiên chất vấn: Do cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục; tuyển sinh GDNN khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Ngoài ra, do chương trình, giáo trình đào tạo còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung; sự kết hợp với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình chưa chặt chẽ. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm vẫn còn khá lớn (khoảng 30%) và có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo Bộ LĐ - TB và XH một phần do nhận thức của nhiều cấp ủy, chính quyền, cơ sở GDNN, doanh nghiệp và cộng đồng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN, đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Trong thực tế, tư tưởng coi trọng bằng cấp còn phổ biến trong xã hội.
Trong giai đoạn tới, Bộ LĐ - TB và XH cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; đồng bộ về cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước, hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường. Nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp với mọi người dân; gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Có 3 nhóm giải pháp đột phá để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, theo những nhà chức trách Bộ LĐ - TB và XH đó là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Phát triển, mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với các cơ sở GDNN đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động lớn. Cần định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội và đặt hàng của doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp khi tham gia GDNN. Đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Xây dựng mô hình “Trường trong doanh nghiệp” - mô hình được thực hiện từ lâu ở nhiều nước công nghiệp cần được học tập.
ÐỨC KHIÊM