
Những vấn đề về công tác tuyển sinh đầu cấp, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, lộ trình sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục… được nhiều người quan tâm nhân dịp năm học mới sắp bắt đầu được bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Bảo Lộc, giải đáp thông qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lâm Ðồng.
Những vấn đề về công tác tuyển sinh đầu cấp, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, lộ trình sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục… được nhiều người quan tâm nhân dịp năm học mới sắp bắt đầu được bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Bảo Lộc, giải đáp thông qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lâm Ðồng.
PV: Thưa bà, vấn đề tuyển sinh đầu cấp vào đầu mỗi năm học đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ngành Giáo dục TP Bảo Lộc đang triển khai những biện pháp như thế nào để quản lý có hiệu quả công tác tuyển sinh?
Bà Phạm Thị Thanh Hương: Không riêng gì Bảo Lộc mà hầu như đối với tất cả các thành phố lớn, các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư thì hàng năm vấn đề tuyển sinh đầu cấp luôn là đề tài nóng, đặc biệt là đối với công tác tuyển sinh lớp 1. Đa số phụ huynh học sinh đều muốn cho con em mình vào học các trường ở khu vực thuận lợi tại trung tâm thành phố, vì cho rằng các trường này có điều kiện cơ sở vật chất cũng như chất lượng tốt hơn các trường vùng ven. Điều này đã tạo áp lực rất lớn trong công tác tuyển sinh đầu cấp của các trường ở khu vực trung tâm. Để giải quyết tình trạng này, ngành đã chỉ đạo các trường làm chặt chẽ khâu tuyển sinh lớp 1. Các trường tiểu học trên toàn TP Bảo Lộc đã thực hiện tuyển sinh đồng loạt từ 15/6 đến 30/6 và tổng hợp, gửi danh sách tuyển sinh lên phòng để duyệt tuyển sinh. Công tác duyệt hồ sơ được phòng làm rất chặt chẽ, nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn tuyển sinh, đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch năm học đã được Sở Giáo dục và Đào tạo duyệt cho các trường vào tháng 3 hàng năm. Do đặc thù năm nay các em vào lớp 1 có tuổi Thìn nên số lượng rất đông. Hiện, theo thống kê thì số lượng trẻ vào lớp 1 năm nay tăng 370 trẻ so với năm học trước. Phòng đã chỉ đạo các trường rà soát lại danh sách tuyển sinh, chỉ nhận trẻ đúng tuyến theo điều tra phổ cập, kiểm tra kỹ các trường hợp có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú theo địa bàn tuyển sinh nhưng không thực sự sinh sống tại địa chỉ đăng ký. Bên cạnh đó, phòng cũng đã đề nghị ngành công an chặt chẽ hơn trong công tác chuyển khẩu để xin nhập học, nhằm giảm áp lực cho ngành giáo dục khi tuyển sinh. Với số lượng học sinh vào lớp 1 như năm nay thì bình quân sĩ số học sinh lớp 1 tại các trường trung tâm thành phố là 35,7 học sinh/lớp, so với bình quân toàn thành phố là 33,2 học sinh/lớp. Bên cạnh làm chặt chẽ công tác tuyển sinh thì trong những năm gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo Bảo Lộc cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường nhằm tăng cường uy tín của các trường, trên địa bàn, tạo niềm tin về chất lượng dạy học và chăm sóc trẻ cho phụ huynh.
PV: Bước vào năm học mới, TP Bảo Lộc đã có sự đầu tư như thế nào về cơ sở vật chất trường lớp, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thanh Hương: Có thể khẳng định một điều là những năm gần đây, cơ sở vật chất của một số trường vùng ven đã không ngừng được đầu tư, nhiều trường đã từng bước đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và nâng chuẩn mức độ 2. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp của các trường trung tâm. Về cơ sở vật chất cho năm học mới, bằng nguồn kinh phí đầu tư của UBND TP Bảo Lộc, đã có 22 đơn vị trường học được đầu tư để nâng cấp, sửa chữa nhỏ với số tiền gần 8,4 tỷ đồng, có 5 đơn vị trường học đã được đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất đã xuống cấp với số tiền gần 11 tỷ đồng.
Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa của năm học 2017 - 2018 với số tiền 7,5 tỷ đồng, các trường cũng đã đầu tư vào cơ sở vật chất để phục vụ việc dạy và học.
Hiện tại, tất cả các đơn vị đều đã được cấp vốn và đang tích cực triển khai sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt, từ năm học mới này, có 2 trường học sẽ được khởi công xây mới là Trường TH Lộc Sơn 1 với kinh phí đầu tư 25 tỷ đồng và Trường TH Võ Thị Sáu với kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng. Việc đầu tư cơ sở vật chất trong những năm qua đã nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của TP Bảo Lộc đạt trên 90%. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn còn một số trường đang có nhu cầu cấp thiết cần được đầu tư cơ sở vật chất như Trường Mẫu giáo Sao Sáng 2 (phường Lộc Tiến).
 |
Trường TH Nguyễn Trãi (Bảo Lộc) đã được nâng chuẩn Quốc gia mức độ 2. Ảnh: Đ.A |
PV: Thưa bà, trong những năm qua, công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn TP Bảo Lộc được thực hiện đạt kết quả như thế nào?
Bà Phạm Thị Thanh Hương: Hiện tại, TP Bảo Lộc đã có tổng cộng 38/ 51 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia và một trường ngoài công lập là Trường Mẫu giáo Họa Mi đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đặc biệt, năm 2018, thành phố Bảo Lộc cũng vinh dự có 2 trường được nâng chuẩn Quốc gia lên mức độ 2 là Trường Mẫu giáo Hoa Hồng và Trường TH Nguyễn Trãi. Từ nay cho đến hết năm 2018, theo kế hoạch, ngành sẽ nỗ lực để trình UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận thêm 4 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 (gồm 1 trường THCS, 2 trường TH và 1 trường mầm non).
Cùng với xây dựng trường chuẩn Quốc gia thì Nghị quyết của Thành ủy và HĐND TP Bảo Lộc cũng đặt ra yêu cầu thực hiện thí điểm mô hình bán trú tại các trường. Trong năm học này, ngành giáo dục chỉ đạo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc bán trú tại 6 trường tiểu học ở khu vực trung tâm. Sở dĩ chưa nhân rộng mô hình bán trú vì mới chỉ được thực hiện 1 năm nên cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả rồi mới nhân rộng.
PV: Hiện tại, việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập đã được ngành Giáo dục Bảo Lộc triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Thị Thanh Hương: Từ tháng 3/2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bảo Lộc đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương, Nghị quyết 08 của Chính phủ và các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy Lâm Đồng trình các cấp xem xét, thẩm định. Hiện, ngành Giáo dục Bảo Lộc có 51 đơn vị trường công lập, lộ trình đến năm 2020 sẽ giảm 10% đơn vị trường học trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong năm 2018, Trường TH Võ Thị Sáu sẽ được sáp nhập vào Trường THCS Đại Lào. Năm 2019, Trường TH Đạm Bri sẽ được sáp nhập vào Trường THCS Trần Quốc Toản, và đến năm 2020 - 2021, sáp nhập Trường TH Phạm Hồng Thái vào Trường THCS Đại Lào, Trường Bế Văn Đàn vào Trường Tô Vĩnh Diện, Trường TH Lý Tự Trọng sáp nhập vào Trường THCS Đạm Bri.
PV: Xin cảm ơn bà!
ÐÔNG ANH (thực hiện)