
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ðà Lạt vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Ðồng (nay là Công ty cổ phần) làm chủ đầu tư đã được nghiệm thu, hoàn thành đưa vào sử dụng...
Dự án (DA) đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ðà Lạt vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Ðồng (nay là Công ty cổ phần) làm chủ đầu tư đã được nghiệm thu, hoàn thành đưa vào sử dụng. Ðể phát huy hiệu quả của DA, góp phần cải thiện đời sống cư dân, bảo vệ cảnh quan - môi trường và chỉnh trang đô thị, rất cần sự chung tay đồng lòng của các “hộ thoát nước” tham gia đấu nối vào hệ thống.
 |
Công nhân của Công ty CP Cấp thoát nước hoàn thiện thi công hệ thống thoát nước. Ảnh: M.Đ |
Chiều 27/6, làm việc với Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng (gọi tắt Công ty), ông Nguyễn Hùng Cường cho biết: Ngày 30/5, Công ty đã có Tờ trình số 238/TTr-CTN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị có sự chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Đà Lạt về việc vận động đấu nối hệ thống thoát nước thải thành phố Đà Lạt. Và ngày 8/6, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3445/UBND-XD2 gửi Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Lạt và Công ty tiến hành đẩy nhanh tiến độ đấu nối theo các quy định, đặc biệt là Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 6/4/2016. Theo đó, giao UBND thành phố Đà Lạt phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Hiện nay, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Cường, Công ty đã triển khai công tác thiết kế đấu nối cho các hộ (khoảng 3.000 hộ) và đang tích cực tiếp tục triển khai. Đồng thời, đã in gần 19.000 tờ rơi truyền thông của DA và sẽ chuyển đến địa phương, các hộ dân, cơ quan, đơn vị (gọi chung là “hộ thoát nước”) trong mạng lưới có hệ thống thoát nước của DA. Tuy nhiên, khó khăn nhất là, theo quy định của DA, nguồn vốn của WB đã chấm dứt, do đó để tiếp tục phát huy hiệu quả, phải xã hội hóa bằng việc cùng tham gia đầu tư từ phía các đối tượng thụ hưởng dịch vụ.
Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Đà Lạt gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có công suất 7.400 m3/ngày đêm, hoạt động từ năm 2017 và giai đoạn 2 có công suất 5.000 m3/ngày đêm, hoạt động từ năm 2018. Hệ thống đem lại nhiều ý nghĩa như: cải thiện điều kiện sống của người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ hiện chưa có hoặc có nhưng đã yếu kém hay xuống cấp; cải thiện sức khỏe, tăng năng suất lao động; góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch và thu hút đầu tư… Ước tính số người được hưởng lợi từ hệ thống là hơn 97.100 người (theo quy hoạch đến năm 2020).
Căn cứ Quyết định số 26/2016 của UBND tỉnh, điều kiện đấu nối bao gồm: các “hộ thoát nước” tham gia đấu nối phải nằm trong khu vực có hệ thống thoát nước; cao điểm đấu nối thấp hơn độ cao ống thoát trong nhà; có ký hợp đồng và nộp phí dịch vụ… Quyết định này cũng quy định những nội dung cụ thể về đấu nối như: các “hộ thoát nước” chỉ được phép thực hiện đấu nối vào hệ thống thoát nước sau khi có văn bản thỏa thuận của đơn vị thoát nước; các hộ tự chịu kinh phí đầu tư xây dựng và quản lý công trình thoát nước thải trong phạm vi công trình, nhà ở của mình đến hộp đấu nối… Về thủ tục đấu nối, các hộ cần có đơn (theo mẫu); đơn vị thoát nước tổ chức khảo sát, lập bản vẽ thiết kế, thi công đấu nối… Để đảm bảo kỹ thuật an toàn hệ thống, “hộ thoát nước” cũng cần nắm vững những yêu cầu về chất lượng nước thải trước khi xả vào điểm đấu nối. Về giá dịch vụ thoát nước, theo Công văn số 5637/UBND-XD ngày 17/10/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt lộ trình tăng phí thoát nước, phí bảo vệ môi trường (BVMT) được tính theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn sau tăng thêm 1.000 đồng/m3 so với giai đoạn trước đó: giai đoạn từ năm 2015-2019 có giá 2.970 đồng/m3; các giai đoạn tiếp là 2020-2024, 2025-2029, 2030-2034 và 2035-2039.
Theo thiết kế của hệ thống, trên địa bàn thành phố Đà Lạt sẽ có 18.600 “hộ thoát nước” được đấu nối. Đến nay, Công ty đã triển khai thi công để đấu nối được 8.889 hộ; số còn lại 9.711 hộ sẽ tiếp tục triển khai đấu nối. Các hộ này nằm trên 9 phường gồm: 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9 và 10. Vì vậy, phía Công ty đã và đang tích cực triển khai, rất cần sự phối hợp của chính quyền thành phố và các phường nêu trên. Đồng thời, rất cần sự đồng lòng tích cực hợp tác của các “hộ thoát nước”. Ngoài những ý nghĩa đem lại như đã nêu, thiết nghĩ cũng cần đặt vấn đề việc tham gia đấu nối nước thải vào hệ thống để xử lý tập trung là trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng đối với công tác BVMT. Hiện nay, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BVMT” đã có hiệu lực thi hành. Trong đó, các hành vi vi phạm hành chính bao gồm như: vi phạm các quy định về kế hoạch BVMT; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về quản lý chất thải;… Theo đó, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính cũng được quy định cụ thể. Ví dụ, Điều 8 (Vi phạm các quy định về thực hiện kế hoạch BVMT), “đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường…”, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng (Điểm c, Khoản 1); từ 10 triệu - 20 triệu đồng (Điểm c, Khoản 2); từ 20 triệu - 30 triệu đồng (Điểm c, Khoản 3); đồng thời còn có các hình thức xử phạt bổ sung khác…
Ông Nguyễn Hùng Cường cho biết, hiện đã có khoảng hơn 50 “hộ thoát nước” nộp đơn và xin đấu nối vào hệ thống. Để đẩy nhanh tiến độ, trong quá trình phát tờ rơi, nhân viên Công ty sẽ trao trực tiếp mẫu đơn cho các hộ và tư vấn các thủ tục cần thiết. Các hộ cũng có thể liên hệ với Công ty vào giờ hành chính, qua số điện thoại 02633.822457 hoặc đến tại Văn phòng số 50, đường Hùng Vương, Phường 9, thành phố Đà Lạt.
MINH ÐẠO