Cần giải pháp đồng bộ trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (Bài 3)

VIẾT TRỌNG 05:57, 28/05/2025

Bài 3: Khi rác thải nguy hại lẫn vào rác thải thông thường

 

Rác thải nguy hại cần được thu gom, xử lý riêng nhưng tại Lâm Đồng hiện vẫn còn một lượng không nhỏ bỏ lẫn vào rác thải sinh hoạt hằng ngày gây nguy hại cho môi trường.

Người dân Đạ Huoai đổi rác thải bằng nhựa có thể tái chế để lấy quà tặng
Người dân Đạ Huoai đổi rác thải bằng nhựa có thể tái chế để lấy quà tặng

RÁC THẢI CÔNG NGHIỆP

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 327 tấn rác thải công nghiệp phát sinh mỗi ngày. Số rác thải này từ 9 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh, trong đó nhiều nhất là KCN Phú Hội, Đức Trọng với khoảng 80 tấn/ngày; kế đó là KCN Lộc Sơn, Bảo Lộc với khoảng 62 tấn/ngày. Số còn lại là từ các CCN như CCN Đinh Văn, Lâm Hà với 54 tấn/ngày; CCN Gia Hiệp, Di Linh 42 tấn/ngày; CCN Phát Chi, Đà Lạt 20 tấn/ngày; CCN Ka Đô, Đơn Dương 23 tấn/ngày; CCN Lộc Phát, Bảo Lộc 18 tấn/ngày; CCN Lộc Thắng, Bảo Lâm 16 tấn/ngày; CCN Tam Bố, Di Linh 12 tấn/ngày. 

Cùng với các KCN, CCN, có một số cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong đó có Tổ hợp Bauxit nhôm Lâm Đồng với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên 51 tấn; Nhà máy Sản xuất tơ và dệt lụa tơ tằm Việt Nam của Công ty Sunfeel Việt Nam trên 10 tấn/ngày; Nhà máy Giấy Tân Phát khoảng 13,5 tấn/ngày; Nhà máy Dệt lụa Bảo Lộc khoảng 8 tấn/ngày; Nhà máy Xe tơ II khoảng 7 tấn/ngày.

Các nhà máy xử lý rác đang hoạt động trong tỉnh cũng là nơi phát sinh rác thải sinh hoạt có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong đó, Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt tại Đà Lạt có gần 13 tấn/ngày; Nhà máy Xử lý rác Bảo Lộc gần 9 tấn/ngày và Nhà máy Xử lý rác tại Đơn Dương khoảng trên 7 tấn/ngày.

Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nuôi heo, gà trong tỉnh cũng là nơi phát sinh các nguồn chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có trang trại phát sinh trên dưới 5 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.

Như đánh giá của ngành chức năng tỉnh, nếu việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt không phù hợp và không được kiểm soát tại các KCN, CCN, trang trại sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước mặt tại khuôn viên của các cơ sở này lẫn môi trường xung quanh.

Điều đáng mừng là việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gần đây được các doanh nghiệp quan tâm, hầu hết đều có hợp đồng với các đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn tập trung. Các đơn vị nhận đảm nhiệm xử lý là các công ty môi trường đô thị với nhiều phương thức xử lý như đốt, chôn lấp và ủ phân vi sinh.

• RÁC THẢI NGUY HẠI LẪN VỚI RÁC THẢI SINH HOẠT

Ngành chức năng tỉnh cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ sở y tế (chưa tính trạm y tế cấp xã, phường) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện khoảng 2,5 tấn/ngày, chiếm khoảng 80% khối lượng chất thải y tế phát sinh. Trong tỉnh gần đây đã có 9/18 đơn vị có đầu tư lò đốt để xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở, 7/18 đơn vị không có lò đốt nhưng đã hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. 

Chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế có khả năng lây nhiễm cao, do vậy, nếu không được phân loại, thu gom, quản lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh cho cộng đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động y tế. Do vậy, rất nhiều đơn vị y tế tư nhân tại các huyện có phát sinh chất thải đều cho thu gom chung với rác thải sinh hoạt.

Cùng đó, rất nhiều loại rác thải sinh hoạt có tính chất nguy hại như: pin thải, acquy, bóng đèn huỳnh quang thải, hộp mực in thải… hằng ngày vứt bỏ ra môi trường. Hiện chưa có số liệu chính xác số lượng các loại rác thải nguy hại này và  vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng, hầu hết đều  thải lẫn với rác thải sinh hoạt để đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chôn lấp không qua xử lý đặc biệt cho loại rác thải nguy hại này gây ra nhiều tác hại cho những người tiếp xúc trực tiếp với chất thải, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy và hòa tan các chất nguy hại vào nước rỉ rác để đưa vào môi trường xung quanh.

• MỐI NGUY TỪ BAO BÌ HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có không ít diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh đã dẫn đến việc sử dụng phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) của nông dân Lâm Đồng cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong nước.

Một con số của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết, lượng hoá chất BVTV sử dụng trung bình hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 3.717 tấn. Toàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất và 2.460 quầy kinh doanh, phân bố ở hầu khắp các huyện, thành trong tỉnh, cung ứng cho người dân đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp, phân bón và hoá chất BVTV. Tính toán của ngành BVTV, lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường tại Lâm Đồng khoảng 185,8 tấn/năm. Số lượng bao bì được coi là rác  thải nguy hại này trước đây hầu hết được người dùng vứt lại trên đồng ruộng, trong vườn cây hay bỏ lẫn vào rác thải sinh hoạt.

Lâm Đồng trong những năm gần đây đã triển khai rất nhiều hoạt động truyền thông, vận động người dân thu gom số bao bì hoá chất BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể chứa tại các khu vực sản xuất; sau đó, ngành chức năng thu gom, vận chuyển đến kho lưu trữ rồi thuê vận chuyển đến nơi xử lý. Một con số gần đây cho biết, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 2.880 bể chứa; 22 khu vực lưu chứa; thu gom được trên 130,5 tấn; vận chuyển xử lý trên 120,6 tấn.

Tại Đà Lạt, một trong những địa phương làm rất tốt chương trình đổi rác thải lấy quà tặng hiện nay tại Lâm Đồng, trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố đã thu gom được trên 16,4 tấn bao bì hoá chất BVTV sau sử dụng. Còn tính từ tháng 9/2022 khi Hội Nông dân Đà Lạt bắt đầu tiến hành Chương trình Đổi rác thải lấy quà tặng đến cuối tháng 4/2025, đã có 7567 lượt nông dân tại Đà Lạt tham gia; toàn thành phố đã thu gom được 114,8 tấn bao bì hoá chất BVTV sau sử dụng.

Tuy nhiên, như đánh giá của ngành chức năng tỉnh, số lượng bao bì hoá chất BVTV sau sử dụng được thu gom xử lý trong tỉnh hiện vẫn còn thấp, chỉ đạt trên 18%; số còn lại chưa được thu gom xử lý đúng cách, bị vứt lại ngoài ruộng đồng, nước mưa đẩy chúng xuống sông, suối, kênh, mương hoặc được người dân bỏ chung, chôn lấp cùng rác thải sinh hoạt. Lượng hoá chất còn lại trong số bao bì này tan ra, ngấm dần vào đất và nước, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của con người, động thực vật, cả trước mắt và lâu dài.

(CÒN NỮA)