Bài 2 : Những bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh
Toàn bộ các bãi rác đang hoạt động tại Lâm Đồng hiện nay đều chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường trước mắt và về lâu dài.
![]() |
Xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Đơn Dương |
• 88% RÁC THẢI SINH HOẠT ĐƯỢC XỬ LÝ
Số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt trung bình khoảng 88,02%; trong đó, tại khu vực đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn đạt 80%. Với khu vực đô thị, khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý khoảng 554,4 tấn/ngày, chiếm khoảng 95% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày. Tại hầu hết các khu vực đô thị, một số loại rác thải sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế đã được những người thu gom phế liệu thu gom để bán cho các cơ sở thu mua, giảm thiểu một phần rác thải sinh hoạt vứt ra môi trường.
Ở khu vực nông thôn, tổng lượng rác thải sinh hoạt được xử lý khoảng 293 tấn/ngày, tương đương với khoảng 80% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Với lượng rác thải sinh hoạt nông thôn chưa được thu gom xử lý còn lại, khoảng 85 tấn/ngày, được người dân thải thẳng ra môi trường, nếu không được xử lý về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.
Nói thêm rằng, rất nhiều xã nông thôn nằm xa các bãi chôn lấp tập trung của huyện như: các xã Đầm Ròn, Đạ Long, Đạ Tông (huyện Đam Rông); xã Đưng K’nớ, xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương); các xã Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Bắc, B’Lá (huyện Bảo Lâm); các xã Hòa Nam, Hòa Bắc, Sơn Điền, Gia Bắc (huyện Di Linh); các xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng (huyện Đạ Huoai) do dân cư thưa thớt và địa phương thiếu kinh phí cùng phương tiện chuyên chở nên chưa tổ chức thu gom, người dân địa phương phải tự xử lý chất thải bằng cách vứt bỏ ra những bãi rác công cộng tự phát, gây ô nhiễm môi trường.
• CẦN THÊM CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Rác thải sinh hoạt tại Lâm Đồng hiện nay được xử lý theo 2 cách gồm đốt và chôn lấp. Với việc xử lý đốt, có 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, gồm 1 nhà máy tại Đà Lạt, 1 nhà máy tại Bảo Lộc và 1 nhà máy tại Đơn Dương.
Nhà máy Xử lý rác tại Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh đầu tư, được xây dựng tại Tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, trên tổng diện tích đất 28 ha, có công suất xử lý 200 tấn/ngày, bắt đầu đưa vào vào vận hành từ tháng 5/2015. Đến nay, nhà máy này đã nâng mức xử lý lên khoảng 300 tấn/ngày, vượt công suất ban đầu. Tuy nhiên, như ngành chức năng đánh giá, nhà máy này đến nay có nhiều hạng mục vẫn chưa được xây dựng, tiến độ đầu tư chậm, không thực hiện đúng cam kết như ban đầu, hiện mới chỉ dừng lại chủ yếu ở giai đoạn xử lý đốt rác. Nhà máy này đã nhiều lần ngừng hoạt động để hoàn thiện công nghệ nên trong khuôn viên nhà máy tích tụ một lượng rất lớn rác sinh hoạt chưa được xử lý. Và cũng do nhà máy chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác nên nước rỉ rác thấm vào đất, chảy tràn ra ngoài, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn đến khu vực xung quanh nhà máy.
Nhà máy Xử lý rác Bảo Lộc do Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly xây dựng tại Thôn 2, xã Đại Lào, Bảo Lộc, công suất xử lý rác 200 tấn/ngày, trong đó 75% đốt, 20% sản xuất phân hữu cơ (14.400 tấn/năm), 5% chôn lấp, được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 9/2017. Cho đến nay, sau những lần trục trặc, nhà máy đã đi vào hoạt động đều hơn với 2 lò đốt rác thải sinh hoạt và 1 lò đốt chất thải y tế, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạng mục chưa đầu tư tại đây như cam kết ban đầu.
So với 2 nhà máy trên thì Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt tại Đơn Dương hoạt động ổn nhất từ khi đưa vào vận hành đến nay. Nhà máy này do Công ty Công nghệ Môi trường xanh Đà Lạt đầu tư tại thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô, Đơn Dương trên tổng diện tích gần 10 ha; công suất xử lý chất thải từ 50 - 150 tấn/ngày, trong đó 75% đốt, 20% sản xuất phân hữu cơ (14.400 tấn/năm), 5% chôn lấp. Tuy nhiên, đến nay, do lượng rác thải phát sinh hằng ngày trên địa bàn Đơn Dương khá ít so với công suất thiết kế nên nhà máy này hoạt động khá nhàn nhã, xử lý bình quân khoảng 50 tấn/ngày, dư công suất.
Trong tỉnh còn một số nhà máy đang xây dựng như: Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt tại Liên Đầm, Di Linh của Công ty Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, có công suất thiết kế giai đoạn I với 150 tấn/ngày, giai đoạn II với 350 tấn/ngày. Hiện nay, theo Ban Giám đốc nhà máy cho biết, đã đưa vào vận hành thử nghiệm các hệ thống lò đốt giai đoạn I, chuẩn bị đưa vào hoạt động trong thời gian đến. Tại Lâm Hà có Khu tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Lâm Hà có công suất thiết kế giai đoạn I với 50 tấn/ngày, giai đoạn II với 140 tấn/ngày, đang được xây dựng. Hiện tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư thêm các nhà máy xử lý rác khác trong tỉnh, trong đó có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Tân Thành, Đức Trọng. Nhà máy này trước đây đã có nhà đầu tư, nhưng sau "bỏ cuộc", đang chờ nhà đầu tư mới tại đây.
• CHƯA CÓ BÃI CHÔN LẤP RÁC THẢI SINH HOẠT HỢP VỆ SINH
Với những địa phương chưa có nhà máy xử lý rác thải thì số rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được vận chuyển về các bãi rác để chôn lấp. Hiện trong tỉnh có nhiều các bãi rác lớn đang hoạt động như bãi rác tại xã Rô Men, Đam Rông rộng 5,7 ha; bãi rác tại xã Gung Ré, Di Linh rộng 3,17 ha; bãi rác tại xã Pré, Phú Hội, Đức Trọng rộng 3 ha; bãi rác tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà rộng 5,2 ha; bãi rác tại xã Lộc Phú, Bảo Lâm rộng 6 ha; bãi rác tại Thôn 4 xã Madaguôi, Đạ Huoai rộng 7,6 ha; bãi rác tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Huoai rộng 12,3 ha; bãi rác Phù Mỹ tại xã Phù Mỹ, Đạ Huoai rộng 5,2 ha; khu dự trữ rác tại xã Đại Lào, Bảo Lộc rộng 7,7 ha. Nhiều vùng sâu, vùng xa - nơi khó thu gom, vận chuyển cũng có các bãi rác nhỏ tự phát.
Tất cả các bãi rác đang hoạt động nói trên đều là những bãi rác chôn lấp hở, việc chôn lấp mang tính chất thủ công, như đào hố, đẩy rác xuống và lấp đất. Rác đổ lộ thiên, bốc mùi, không đạt tiêu chuẩn về môi trường, gây mất cảnh quan khu vực. Dù định kỳ có phun hoá chất khử mùi, rắc vôi bột để diệt khuẩn nhưng những giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, chưa triệt để, hầu như không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Và cũng do các bãi rác chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, nước mưa theo nước rỉ rác chảy tràn ra xung quanh, lâu dần gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm dưới đất cho cả khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các cộng đồng dân cư gần đó.
Cũng nói thêm rằng, trong tỉnh hiện nay còn 3 bãi rác chôn lấp thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đó là bãi rác Cam Ly tại Đà Lạt (rộng 12 ha); bãi rác Pré tại Phú Hội, Đức Trọng và bãi rác Gung Ré tại Di Linh. Cả 3 bãi này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu xử lý, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 này hoàn thành xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có bãi Cam Ly đang đóng cửa, còn 2 bãi rác Pré và Gung Ré vẫn đang phải hoạt động.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin