
Là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt hiện có hệ thống sân bãi phục vụ cho các hoạt động TDTT theo hình thức xã hội hóa nhiều nhất trong tỉnh hiện nay.
Là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt hiện có hệ thống sân bãi phục vụ cho các hoạt động TDTT theo hình thức xã hội hóa nhiều nhất trong tỉnh hiện nay.
Sân quần vợt trong “rừng”
Có thể nói đây là sân quần vợt đẹp nhất thành phố Đà Lạt hiện nay. Nằm trên đường Nguyễn Khuyến, cách không xa trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, gần nhà thờ Cam Ly cũ, bao quanh sân là mảng rừng thông xanh ngút còn sót lại ở phía tây thành phố Đà Lạt. Chỉ cần khoảng 10 phút đi xe máy từ trung tâm đến đây là người chơi lọt vào một khung cảnh tĩnh mịch như trong rừng thẳm, thanh bình đến nao lòng. Dẫn vào sân là một con đường rải đá rộng rãi hoang sơ, một biệt thự cổ nằm kề sân, những hàng rào hoa tường vi điểm hồng, ven sân là những bụi chuối như cảnh quê; rồi cây cảnh, hồ nước, một nhà sàn mái tranh làm câu lạc bộ (CLB). Sân mới được sơn lại, khá đẹp, bảo quản tốt, mọi thứ dường như đều rất lý tưởng cho người chơi có thể tập trung vào quần vợt.
Chủ nhân của sân quần vợt này là vợ chồng ông Trần Minh Ngọc và bà Vũ Thị Kim Oanh, sân lấy tên cả 2 vợ chồng là Ngọc Oanh. Theo bà Oanh, sân được làm trong nhiều đợt cách đây đã nhiều năm, tổng cộng số tiền vợ chồng bà đầu tư vào đây khoảng 500 triệu đồng. Lý do làm sân khá đơn giản: chồng bà, bà và cả 2 cô con gái đều yêu thể thao, thích quần vợt, gia đình muốn làm một sân ngay gần nhà để người trong nhà và mọi người cùng có thể đến chơi .
Sân Ngọc Oanh đến nay là điểm hẹn yêu thích của nhiều người chơi quần vợt tại Đà Lạt.Vừa để chơi vừa kinh doanh, bà Oanh cho biết sân được thuê theo giờ, giá cũng bình thường như mọi sân khác tại Đà Lạt, trước bà để mọi người đến thuê chơi tự do, gần đây có cho một người từng là VĐV năng khiếu quần vợt trước đây thuê lại để làm sân tập cho học viên học quần vợt trong buổi sáng “Xây sân để chơi, không nhằm kinh doanh nên cũng không biết đến nay thu hồi được vốn chưa, chắc là chưa đâu” - bà Oanh cười.
Trong nhiều năm nay từ khi xây sân, sân Ngọc Oanh đã đóng góp nhiều cho các giải thành phố Đà Lạt và giải cấp tỉnh. Cùng với cụm 2 sân quần vợt của Công an tỉnh gần đó, sân Ngọc Oanh làm thành một cụm 3 sân, những giải thi đấu đông người Ban tổ chức chia người ra để tổ chức thi đấu trên cả 3 sân này. Gần đây sân còn đứng ra tự tổ chức giải “Ngọc Oanh mở rộng” của sân với trên 20 VĐV trong thành phố Đà Lạt tham dự, chủ yếu như bà Oanh nói là để phát triển phong trào quần vợt cho địa phương.
 |
Sân quần vợt Ngọc Oanh - Đà Lạt |
Đẩy mạnh xã hội hóa thể thao
Là đô thị loại 1 với trên 230 nghìn dân, Đà Lạt có phong trào TDTT cơ sở rất phát triển trong rất nhiều bộ môn. Hàng năm, địa phương này đi đầu trong cả tỉnh về việc tổ chức các giải cấp thành phố lẫn cử VĐV tham dự giải tỉnh. Không chỉ là địa phương có thành tích tốt trong các giải tỉnh, điều đáng ghi nhận ở thành phố này chính là tinh thần tham gia rất tích cực, luôn có đóng góp rất lớn để các giải tỉnh thành công.
Khó khăn lớn nhất của thể thao Đà Lạt hiện nay chính là chuyện cơ sở vật chất. Trong khi nhiều huyện, thành khác trong tỉnh được đầu tư thích đáng thì Trung tâm Văn hóa Thể thao Đà Lạt cho đến nay không có bất cứ một cơ sở nào để phục vụ cho phong trào TDTT của thành phố: không nhà thi đấu, không sân vận động, không một sân tập cho bất kỳ một bộ môn nào. Tất cả đều phải đi thuê mướn khi tổ chức các giải đấu cấp thành phố và việc này khiến Trung tâm rất bị động.
Nhưng bù lại, thành phố lại có phong trào xã hội hóa thể thao rất tốt với rất nhiều cơ quan, tổ chức, tư nhân tự bỏ tiền đầu tư xây dựng cơ sở sân bãi cho các hoạt động TDTT. Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt, thành phố hiện có đến 41 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với 19 CLB bóng đá đang hoạt động rất mạnh. Tính trung bình mỗi sân bóng đá như vậy đầu tư cũng khoảng 500 triệu đồng, tổng cộng các chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng để làm các sân cỏ nhân tạo này. Sau bóng đá là bộ môn quần vợt rất phát triển với 31 sân, 24 CLB quần vợt, hầu hết sân là do các cơ quan, đơn vị tự bỏ tiền ra xây nhưng cũng có sân tư nhân đầu tư như sân Ngọc Oanh. Một bộ môn khác cũng rất phát triển là cầu lông với 20 sân, 5 CLB đang hoạt động rất tốt, luôn là nòng cốt trong các giải cấp thành phố và cấp tỉnh. Môn bóng bàn của Đà Lạt cũng rất mạnh với 7 CLB, gần 40 bàn, hầu hết là của tư nhân bỏ tiền túi đầu tư. Trong các môn thể thao quần chúng phổ biến Đà Lạt cũng dẫn đầu tỉnh với 20 CLB dưỡng sinh, hàng nghìn lượt người tập luyện mỗi ngày; có 10 điểm tập thể dục thẩm mỹ; 1 hồ bơi; 10 điểm là CLB tập thể hình, mỗi điểm như vậy tư nhân đầu tư vài trăm triệu đồng để mua dụng cụ tập luyện. Thành phố có 22 CLB võ thuật với sự hiện diện hầu hết các môn võ như quyền Anh, Taekwondo, Karatedo, Judo, Aikido, võ cổ truyền… Trong các môn giải trí có 6 CLB khiêu vũ, 65 CLB Billards với gần 400 bàn. Tổng cộng đến nay thành phố có 7 nhà thi đấu đa năng phần lớn do các trường học đầu tư như Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm, THPT Bùi Thị Xuân, Dân tộc nội trú tỉnh…
Như Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt đánh giá, hệ thống các CLB và sân bãi tập có được từ nguồn xã hội hóa TDTT như trên đã đóng góp không nhỏ để hình thành nên phong trào TDTT cơ sở như hiện nay của Đà Lạt. Chính vì vậy, trong thời gian đến, Phòng đang đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa TDTT, kêu gọi các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn, mọi người dân có khả năng cùng tham gia xây dựng các công trình, sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động TDTT. Phòng cũng hướng dẫn các phường, xã trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để người dân cùng chung tay tham gia xã hội hóa và tập luyện TDTT. Phòng cũng đề nghị Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố đưa các nội dung xã hội hóa TDTT vào tiêu chí xây dựng, đánh giá cơ quan, đơn vị văn hóa, khu dân cư văn hóa, phường, xã đạt chuẩn văn hóa để thông qua đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT hiện nay trên địa bàn.
VIẾT TRỌNG