
Vừa ra đời năm 1938 do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập dựa trên nền tảng đúc kết cái hay, cái đẹp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa võ - vật dân tộc; thì ngay năm 1954 Vovinam - Việt võ đạo đã có mặt tại Đà Lạt, được hai võ sư Lê Văn Phúc, Trần Đức Hợp huấn luyện cho một số đơn vị.
Vovinam Lâm Đồng và những bước đi thăng trầm
Vừa ra đời năm 1938 do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập dựa trên nền tảng đúc kết cái hay, cái đẹp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa võ - vật dân tộc; thì ngay năm 1954 Vovinam - Việt võ đạo đã có mặt tại Đà Lạt, được hai võ sư Lê Văn Phúc, Trần Đức Hợp huấn luyện cho một số đơn vị. Đã có lúc phong trào lan rộng, thu hút hàng ngàn môn sinh luyện tập, rồi phong trào lại lắng xuống... Đến đầu năm 1986, Vovinam Đà Lạt - Lâm Đồng được khôi phục nhờ sự tâm huyết của võ sư Nguyễn Công Hóa (từ Bình Định vào Đà Lạt lập nghiệp). Lớp võ đầu tiên với gần 60 võ sinh tham gia luyện tập được ông khai giảng tại làng hoa Vạn Thành. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự tạo điều kiện của ngành thể dục thể thao, Việt võ đạo đã nhận được sự quan tâm của quần chúng, nhất là thanh thiếu niên, nên lớp võ thứ 2 được khai giảng ở Nhà văn hóa trung tâm thành phố vào năm 1987. Phong trào bắt đầu lan rộng, hình thành nhiều CLB tại các trường THPT, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như: THPT Chi Lăng, THPT Đống Đa, Trung học Sư phạm, Trung học Kỹ thuật tổng hợp, Trại Mát và lan xuống Tùng Nghĩa, Đức Trọng... 15 huấn luyện viên cùng huấn luyện viên trưởng Nguyễn Công Hóa cùng đoàn kết, luyện tập, truyền dạy, vừa vận động mở lớp trên tinh thần cống hiến, vì vậy Vovinam không ngừng phát triển mạnh mẽ. Đến 1997, sau 10 năm khôi phục, phong trào đã thu hút trên 1.500 võ sinh thường xuyên luyện tập tại 15 CLB, có CLB quy tụ đến 200 võ sinh.
 |
Liên hoan Vovinam lần đầu tiên diễn ra ở Đà Lạt là ngày hội lớn của tuổi trẻ |
Vovinam - Việt võ đạo coi trọng rèn luyện thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng, rèn tâm, luyện tính, xây dựng con người khoan hòa, đức độ, tăng cường ý chí, nghị lực, sống vì mọi người, có trách nhiệm bảo vệ quê hương. Tinh hoa võ Việt chính là cương - nhu hòa hợp, lấy nhu khắc cương. Những tấm gương võ sư luôn là gương sáng của các môn sinh như: Nguyễn Công Hóa, Đức Hoàng Trên, Trương Văn Lân, Hoàng Văn Thường, Nguyễn Đình Thủy, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Văn Mười, Hồ Vĩnh, Nguyễn Quang Quốc, Bùi Ngọc Thành, Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Văn Đề, Phạm Ngọc Xuân Đà, Nguyễn Xuân Thọ, Nguyễn Đức Ân... Cùng với việc dạy võ, các võ sư còn chỉ cho môn sinh của mình cái “đạo” trong từng thế võ. Nhờ vậy, nhiều võ sinh theo học, nhiều võ sư trưởng thành từ phong trào đi tham dự các giải đấu đỉnh cao. Với sự hỗ trợ trách nhiệm của ngành thể dục thể thao tỉnh, thời kỳ hoàng kim nhất, Vovinam Lâm Đồng đã 7 lần tham dự giải vô địch toàn quốc (1992 - 1998) mang về 19 HCV, 17 HCB, 19 HCĐ, 3 lần xếp hạng nhì toàn đoàn, 3 lần xếp hạng 3 toàn đoàn và 1 lần xếp hạng 6 toàn đoàn, là một trong những địa phương có phong trào mạnh, trong đó võ sĩ xuất sắc được nhiều người nhắc đến, đoạt nhiều huy chương trong nhiều mùa giải quốc gia là VĐV Lương Trung Phấn.
Cùng với sự lớn mạnh của phong trào, năm 1993, Hội Vovinam Việt võ đạo Lâm Đồng được thành lập trực thuộc Liên đoàn Võ thuật tỉnh, nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi. Tổ chức tập huấn cho 160 giáo viên giáo dục thể chất các trường THPT, DTNT, đưa Vovinam trở thành môn thể thao tự chọn trong các trường học. Từ năm 2011, Vovinam bắt đầu phát triển đến các huyện trong tỉnh. Năm 2013, Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng ra đời tiến hành đại hội nhiệm kỳ đầu tiên (2013 - 2018).
Tuổi trẻ Lâm Đồng “Yêu nước Việt - học võ Việt”
Vovinam thấm nhuần tinh thần của người Việt, mang tâm hồn Việt: Anh dũng và hòa ái. Màu xanh dương da trời của võ phục cũng chính là thông điệp yêu hoà bình, nhưng không chịu khuất phục của dân tộc Việt. Tinh thần Vovinam là tinh thần yêu nước, yêu hoà bình và bác ái. Chính vì lẽ đó, võ sư Nguyễn Công Hoá, người từng làm sống dậy phong trào Vovinam ở Đà Lạt Lâm Đồng từ những năm 80 thế kỷ XX đã dành hết tâm huyết của mình, đem hết tinh thần và những gì đã tiếp nhận được truyền cho các thế hệ võ sinh trong suốt 30 năm qua.
Hiện nay, toàn tỉnh có 27 CLB Vovinam hoạt động với hơn 2.100 võ sinh thường xuyên luyện tập tại nhiều điểm trường THPT, đại học cao đẳng, các trường dân tộc nội trú và 5/10 huyện trong tỉnh có CLB. Số võ sư truyền dạy cũng không ngừng tăng về chất và lượng, trong đó có 1 võ sư Hồng đai III (tam) cấp, 4 võ sư Hồng đai I (nhất) cấp, 16 võ sư chuẩn Hồng đai, và rất nhiều huấn luyện viên được đào tạo bài bản truyền dạy. Không ngừng nỗ lực phát triển phong trào huấn luyện thi đấu, võ sinh Vovinam Lâm Đồng còn tham gia biểu diễn võ thuật vào các dịp lễ hội, đại hội thể thao, cống hiến cho khán giả màn trình diễn và những pha võ ấn tượng đẹp mắt.
Riêng Đà Lạt, phong trào thanh thiếu niên tập luyện Vovinam không ngừng lớn mạnh với gần 1.500 võ sinh thường xuyên luyện tập, hiện nay, hầu hết các phường - xã đều có võ đường. “Vovinam, đây nguồn sống anh dũng, bất khuất của cháu con Lạc Hồng. Vovinam, nơi rèn đúc thanh niên thành người hữu ích hiên ngang/ Quyết vì đất nước nêu cao gương hy sinh, điểm tô non sông uy linh, huy hoàng dưới ánh bình minh. Với bàn tay thép, với trái tim từ ái, người môn sinh Vovinam phát huy tinh hoa đời sống mới. Tô đậm trang sử mới cho Việt Nam” - 5 giờ chiều những ngày cuối tuần, có mặt tại võ đường Trường Đại học Đà Lạt, Trường CĐSP Đà Lạt, bất chợt nghe các môn sinh cùng hát vang “Hành khúc Vovinam” mới thấy hết chân giá trị của môn võ này. Võ sinh Nguyễn Văn Hùng tỏ ra am hiểu và tự hào: “Vovinam - võ của người Việt đã có mặt ở hơn 60 quốc gia, mang theo những giá trị đạo lý, lối sống, văn hóa và hình ảnh con người, đất nước Việt Nam ra thế giới; thì không có lý do gì thanh niên, học sinh sinh viên Việt không chọn học võ Việt”. Với bàn tay thép trên trái tim nhân ái, tinh hoa nét đẹp của Vovinam thể hiện trong từng thế võ, nguyên lý cương nhu hài hòa, lấy nhu khắc cương. Cũng là những cú đấm, né, bay người, khóa cổ, dứt điểm, nhưng với tinh thần bác ái chỉ là “đả thương” để tự vệ. Không chỉ là ngón võ mà nó còn là hình ảnh, nét đẹp văn hóa đượm tình bằng hữu, nhân sinh quan của người Việt gửi gắm qua từng động tác võ được các thế hệ võ sư đúc rút từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Nhìn Trần Hoàng Sơn nhuần nhuyễn với các thế võ đẹp mắt như: Đòn chân tấn công, song luyện, tinh hòa lưỡng nghi kiếm pháp, tứ tượng côn pháp, đơn luyện tứ trụ, đơn luyện thập tự quyền... từng pha ra đòn, nhanh, mạnh, dứt khoát, tập đến khi mồ hôi rơi thành giọt, mới thấy hết niềm say mê của bạn dành cho môn võ này. Chúng tôi tò mò “Phải học và tập luyện bao lâu thì mới được như thế?”, Sơn trả lời: “Chỉ cần 2 năm luyện tập chăm chỉ sẽ thuần thục thế này. Mới đầu em theo học chỉ vì yêu màu xanh của võ phục, sau đó càng tập càng mê”. Chứng kiến các võ sinh Vovinam luyện tập, tận mắt thấy những tinh hoa của Việt võ đạo, càng thêm thấu hiểu vì sao Vovinam có sức sống bền bỉ, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Như một sự đánh dấu bước phát triển mới của phong trào, lần đầu tiên vào tháng 10 vừa qua, một liên hoan Việt võ đạo được Thành Đoàn Đà Lạt phối hợp với Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng tổ chức đã quy tụ gần 200 võ sinh xuất sắc đủ mọi lứa tuổi thanh thiếu nhi tham dự tỷ thí so tài. Trong suốt 2 ngày, liên hoan Vovinam lần đầu tiên như một ngày hội lớn. Anh Hồ Ngọc Phong Hải - Bí thư Thành Đoàn Đà Lạt cho biết: Tinh thần Vovinam “Học võ Việt, yêu nước Việt” có sự đồng điệu với phong trào thể thao của tuổi trẻ vì mục tiêu “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”. Vì vậy, việc phối kết hợp để tổ chức liên hoan sẽ mở đầu cho việc đưa phong trào luyện tập Vovinam vào các hoạt động CLB, đội, nhóm thanh niên, đẩy mạnh phong trào thanh thiếu nhi thành phố tập luyện Vovinam, rèn luyện sức khỏe để lập nghiệp và giữ nước”.
QUỲNH UYỂN