Để thể thao học đường phát triển

09:11, 19/11/2015

Mục tiêu chính của "Chiến lược phát triển TDTT Lâm Đồng đến năm 2020" được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đã xác định cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh - thiếu niên, sinh viên, học sinh.

Mục tiêu chính của “Chiến lược phát triển TDTT Lâm Đồng đến năm 2020” được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đã xác định cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh - thiếu niên, sinh viên, học sinh. 
 
Một tiết mục biểu diễn của đội Aerobic Trường THCS -  THPT Xuân Trường
Một tiết mục biểu diễn của đội Aerobic Trường THCS - THPT Xuân Trường
Thể thao học đường ở một trường vùng ven Đà Lạt 
 
Đó là Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (THCS - THPT) Xuân Trường, nằm tại xã Xuân Trường, ngay vùng chè Cầu Đất nổi tiếng của Đà Lạt. Năm học này THCS - THPT Xuân Trường có 19 lớp ở bậc THCS, 13 lớp ở bậc THPT, tổng cộng trên 1.100 học sinh đang học tại đây.
 
Phong trào thể thao học đường tại trường, theo thầy Đỗ Xuân Hùng, Hiệu trưởng, phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ vào sự quan tâm của Ban Giám hiệu cùng sự hoạt động tích cực của Đoàn trường và Tổ giáo viên thể dục. Tổ thể dục hiện có 4 giáo viên, hầu hết còn trẻ, được đào tạo bài bản với chuyên ngành sư phạm thể dục nên tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao học đường rất tốt. Trường vùng ven nên hệ thống sân bãi nơi đây dành cho học sinh vận động cũng khá rộng rãi. 
 
Ngoài các môn thể thao chính khóa như điền kinh, cầu lông, đá cầu, thể dục nhịp điệu…, trường còn có các môn tự chọn dành cho ngoại khóa như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, Aerobic... Với bóng đá và bóng chuyền, hằng năm trường tổ chức các giải cấp trường, giải bóng đá tổ chức trong dịp ngày thành lập Đoàn TNCS 26-3; bóng chuyền tổ chức thành 2 giải, giải cho học sinh nữ vào ngày 8-3, giải cho nam học sinh vào ngày 9-1, hầu hết các lớp đều cừ đội tham gia. Với bóng rổ, trường tự thiết kế các dụng cụ thi đấu cho học sinh và phong trào bóng rổ trong trường phát triển rất mạnh. Riêng môn Aerobic dù mới chỉ phát triển trong năm học 2012- 2013 nhưng nay Xuân Trường đã là một đơn vị mạnh về Aerobic của Đà Lạt. Hằng năm trường tổ chức giải Aerobic cấp trường, thường xuyên cử đội tham gia giải Aerobic học đường cấp tỉnh, năm nay vừa đoạt huy chương đồng. Đội hoạt náo viên của trường khi tham dự giải cấp thành phố trong năm học này cũng giành được giải nhất.
 
Thể thao học đường trong trường phát triển mạnh với rất nhiều các hoạt động ngoại khóa được tổ chức định kỳ không chỉ giúp cho học sinh khỏe mạnh, không khí học tập của trường vui tươi, thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, học sinh thích lên trường giảm hẳn chuyện bỏ học, mà theo thầy Hùng, trường cũng giảm hẳn được chuyện học sinh mâu thuẫn, gây gổ, xích mích với nhau, ý thức về trường lớp, thầy cô, bạn bè được nâng lên. Và điều đáng nói nhất, kết quả học tập của học sinh cũng khác trước. Trong vài năm gần đây chất lượng học tập của ngôi trường vùng ven này đã nâng lên một cách rõ rệt.  
 
Để thể thao học đường phát triển
 
Như Sở Giáo dục và Đào tạo (GD ĐT) Lâm Đồng nhận xét, GDTC và thể thao trong tường học tại Lâm Đồng những năm gần đây đã có những chuyển biến đáng kể. Đến nay, tất cả các trường học trong tỉnh đều thực hiện nề nếp chương trình GDTC chính khóa theo qui định; trên 60% số trường học có các hoạt động TDTT ngoại khóa thường xuyên, trên 85% học sinh đạt tiêu chuẩn thể lực theo qui định. Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh cũng ngày càng đa dạng hơn, trong đó mô hình CLB TDTT trong trường học có tổ chức, có người hướng dẫn ngày càng được phát triển, nhiều bộ môn thể thao mới được đưa vào các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, được các trường lồng ghép với phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tich cực”.
 
Cùng đó, đội ngũ giáo viên TDTT trường học cũng ngày càng được chuẩn hóa trong đào tạo. Toàn tỉnh hiện có 870 giáo viên thể dục, trong đó cấp tiểu học 304, THCS 377, THPT 189. Các trường từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động TDTT như các sân chơi, bãi tập, các công trình thể thao, mua sắm dụng cụ tập luyện thi đấu. Hằng năm, ngành GD ĐT đã tổ chức các giải thể thao cho học sinh, đặc biệt là các hoạt động lớn được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần như Hội khỏe Phù Đổng, Hội thi Văn hóa Thể thao khối trường dân tộc nội trú trong tỉnh. Ngành cũng tuyển chọn lực lượng VĐV tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp quốc gia và đạt thành tích khá tốt. 
 
Tuy nhiên, như đánh giá của Sở GD ĐT Lâm Đồng, công tác GDTC và thể thao trong trường học nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức, có trường còn xem nhẹ, thiếu bình đẳng với các môn học khác, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh tập luyện và thi đấu. 
 
Để thể thao học đường phát triển, theo Sở GDDT Lâm Đồng, cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong trường học, huy động được hệ thống chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, mọi người dân cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các trường học, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia tập luyện và thi đấu thể thao, tạo sân chơi lành mạnh
 
Để tạo đột phá trong phát triển thể thao trường học, theo Sở GD ĐT Lâm Đồng, nhà nước cần có chính sách cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thể dục trong hệ thống trường học, đầu tư cơ sở vật chất thích đáng cho các hoạt động TDTT tại các trường học các cấp, thực hiện tốt qui định mỗi trường đều có giáo viên thể dục, có sân bãi, có dụng cụ tập luyện. 
 
Trước mắt, theo Sở, các trường học cần chủ động đổi mới phương pháp GDTC, hướng đến việc nâng cao tầm vóc, phát triển toàn diện các tố chất thể lực của học sinh, sinh viên; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của giáo viên thể dục dựa theo các qui định có tính định hướng về nội dung, tiêu chuẩn kiểm tra và phương pháp sư phạm, phổ biến những cách làm hay, các mô hình tốt trong các trường học. Ngành GD cho biết sẽ phối hợp với ngành chủ quản về thể thao của tỉnh để tổ chức nhiều hơn các giải đấu thể thao cho học sinh, sinh viên.
 
Viết Trọng