
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí 6 và 16 với các yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất cùng các hoạt động văn hóa - thể thao và đây là một điều kiện rất cơ bản để thể thao phong trào ở cơ sở từng bước phát triển.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí 6 và 16 với các yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất cùng các hoạt động văn hóa - thể thao và đây là một điều kiện rất cơ bản để thể thao phong trào ở cơ sở từng bước phát triển.
Thể thao ở một xã nông thôn mới
Đó là xã Tân Hội - một xã đạt chuẩn nông thôn mới của Đức Trọng. Nằm cách thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng khoảng 15km, Tân Hội hiện có trên 2.600 hộ dân, trên 11 nghìn nhân khẩu sinh sống tại 8 thôn, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 11,5%. Đây là một xã nông thôn thuần túy với cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác cà phê, chăn nuôi.
Như nhiều địa phương tại Đức Trọng, hoạt động thể thao của người dân ở Tân Hội trước đây là bóng đá, chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên, học sinh các trường học trong những buổi chiều mùa khô, địa điểm là các bãi đất trống trong thôn, sân vận động nền đất tại trung tâm xã. Hầu hết các thôn đều có các đội bóng đá hình thành tự phát. Xã không có giải bóng đá cấp xã, để tham dự giải bóng đá cấp huyện hằng năm xã chọn một số thành viên từ các thôn để thành lập đội, tập luyện vài ngày trước khi dự giải. Ngoài bóng đá, ở xã các môn thể thao khác hầu như chưa phát triển.
 |
Nhà Văn hóa thể thao xã Tân Hội |
Thay đổi đến rất nhanh khi Tân Hội được đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT. Năm 2009, Tân Hội được chọn là 1 trong 11 xã điểm trong cả nước, là xã đầu tiên của Lâm Đồng và cả của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới, được tỉnh và trung ương đầu tư. Tháng 5/2014, Tân Hội được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, theo UBND xã Tân Hội, tổng nguồn vốn đầu tư vào xã rất lớn, khoảng 600 tỷ đồng bao gồm vốn của trung ương, của tỉnh và huyện, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động của người dân… để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã được đầu tư khoảng 8 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa thể thao, cải tạo lại sân bóng đá, xây mới thư viện xã, xây các hội trường thôn. Hiện tại xã có 1 nhà văn hóa với 2 sân cầu lông bên trong có trải thảm, 1 bàn bóng bàn; 1 sân bóng đá 11 người có cỏ, 2 sân bóng chuyền; tại 8 thôn cũng đều có sân bóng chuyền.
Từ khi có cơ sở vật chất, phong trào TDTT ở đây theo ông Hoàng Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Hội, đã phát triển rất nhanh. Xã hiện có 3 môn phát triển rất mạnh là bóng đá, bóng chuyền và cầu lông. Với bóng đá, trong 3 năm gần đây xã năm nào cũng tổ chức giải vô địch bóng đá 11 người trong tháng 8 và chung kết trong ngày Quốc khánh 2/9; tổ chức giải bóng đá 7 người trong dịp 30/4 và giải bóng đá nhi đồng các trường học trong dịp hè. Chẳng hạn, giải bóng đá 11 người năm nay của xã có 12 đội tham dự vì có thôn đăng ký đến 2 đội, chia thành 3 bảng đá vòng tròn chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng vào vòng chung kết. Trận chung kết bóng đá 11 người của xã có cả vài trăm người dân đến cổ vũ cho đội nhà, đội vô địch năm nay thuộc về thôn Tân An. Giải bóng chuyền xã có đến 11 đội tham dự; giải cầu lông xã cũng vài chục VĐV thi đấu, xã phải nhờ huyện xuống làm công tác trọng tài.
Do kinh phí hằng năm dành cho các hoạt động văn hóa thể thao khá thấp, chỉ 13 triệu đồng cho cả năm nên Tân Hội đã vận động thêm từ các nguồn xã hội hóa trong dân để tổ chức các giải cấp xã. Theo ông Anh, những năm vừa qua, mỗi năm xã đã vận động được trên 100 triệu đồng để tổ chức các hoạt động TDTT này, từ trang phục cho các đội, bóng lưới, giải thưởng, có thôn vận động được gần 20 triệu đồng. “Xã có phong trào, người dân quan tâm hưởng ứng đông đảo nên vận động cũng không khó lắm” - ông Anh cho biết.
Hiện toàn xã Tân Hội có 12 đội bóng đá của các thôn, 9 đội bóng chuyền, 8 đội bóng nhi đồng, 1 CLB Bóng bàn, 1 CLB Khiêu vũ, 2 CLB Võ thuật, 1 CLB Cầu lông, 1 CLB Dưỡng sinh người cao tuổi, 1 CLB Thể hình, 13 đội văn nghệ quần chúng, tất cả đều thường xuyên hoạt động. “Nhờ cơ sở vật chất, có sân vận động, có nhà văn hóa thể thao mới đẩy được các hoạt động lên, mọi người dân, mọi tầng lớp đều tham gia. Nếu không được đầu tư cơ sở vật chất sân bãi thì chắc phong trào cũng nhì nhằng như trước thôi chứ không như hiện nay” - ông Anh khẳng định.
Khi xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển TDTT cơ sở
Mục tiêu chính của “Chiến lược phát triển TDTT Lâm Đồng đến năm 2020” được tỉnh phê duyệt đã xác định sẽ tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của xã hội và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho mọi người dân, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh - thiếu niên, đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, tăng cường mời gọi các nguồn lực đầu tư cho hoạt động TDTT. Đến năm 2020 tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên của tỉnh phải đạt 28% - 30% trên tổng dân số; tỷ lệ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên 18% - 20% số hộ; hằng năm có từ 45 - 50 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức; toàn tỉnh có trên 1.000 CLB thể thao ở cơ sở, quỹ đất dành cho TDTT đạt 4m2-5m2/người dân khu vực nông thôn, 3m2- 4m2/người khu vực thành thị.
Điều đáng mừng, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được tỉnh đẩy mạnh hiện nay đã góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển phong trào TDTT này. Gắn với quy hoạch và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã phường trong tỉnh hiện nay đều đã có quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa - TDTT, hầu hết các xã khi đạt chuẩn nông thôn mới, như Tân Hội, như nhiều xã ở Đơn Dương chẳng hạn, đã được đầu tư để xây dựng các thiết chế văn hóa TDTT phục vụ cho các hoạt động TDTT ở cơ sở. Đây là một điều kiện hết sức cơ bản để thể thao phong trào ở cơ sở từng bước phát triển.
Trong một văn bản gần đây, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã kiến nghị tỉnh cần tăng cường chỉ đạo để các ngành, các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho tập luyện TDTT gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Viết Trọng