
Có một đội bóng từ cấp thôn lần đầu đại diện huyện thi đấu giải tỉnh; một đội bóng khác với các cầu thủ được huyện tuyển chọn từ các đội cấp xã trong huyện đi dự giải tỉnh. Họ chính là hiện thân của phong trào thể thao từ cơ sở.
Có một đội bóng từ cấp thôn lần đầu đại diện huyện thi đấu giải tỉnh; một đội bóng khác với các cầu thủ được huyện tuyển chọn từ các đội cấp xã trong huyện đi dự giải tỉnh. Họ chính là hiện thân của phong trào thể thao từ cơ sở.
Đội bóng của thôn làng
Đó là đội bóng của thôn Bát Trang, xã Đinh Trang Hòa - Di Linh. Di Linh lâu nay nổi tiếng về bóng đá phong trào ở cơ sở với những đội bóng đá khắp các thôn xóm chiều chiều “quần thảo” trên các sân đất đỏ trong thôn. Nhưng với bóng chuyền nữ thì có vẻ rất “mới”: “Không mới đâu, đội bóng chơi đã nhiều năm nay rồi, nam hoạt động thể thao chơi bóng đá được thì nữ cũng chơi thể thao được chứ, không mặc quần đùi ở trần ra sân chạy tới chạy lui như họ thì mình rủ nhau chơi bóng chuyền” - chị Đoàn Thị Thu Thảo, Đội trưởng Đội bóng chuyền nữ thôn Bát Trang vui đùa.
Năm nay 32 tuổi, đã có chồng con “đầy đủ” như chị cho biết, chị Thảo có thể coi là một “điển hình tiêu biểu” cho các chị em mê thể thao, mê bóng chuyền ở thôn Bát Trang này. Dáng người đậm, khỏe khắn trong bộ đồ thể thao, chị chính là cầu công chủ lực trong đội hình, mỗi khi ra sân dù chơi vui hay thi đấu chị đều “hết mình”; “Chủ yếu sức khỏe là chính, chơi cho vui, không đặt nặng thắng thua đâu. Cả ngày lao động mệt nhọc, chị em buổi chiều gặp nhau chuyện trò là vui rồi, chạy tới chạy lui vận động thân thể cho bớt đi bệnh tật” - chị nói. Sân chơi bóng chuyền của đội nữ thôn Bát Trang được mượn từ một lô đất trống của người dân trong thôn, chị em tự góp tiền mua bóng, mua lưới về lập nên sân bóng để chơi chung với nhau. “Cũng do xem ti vi thấy các đội bóng chuyền nữ trong nước chơi hay lắm nên mê bóng chuyền. Với lại ở nông thôn đâu biết môn thể thao nào chơi, bóng chuyền là môn chơi tập thể, dễ chơi, ai chơi cũng được, rất vui nên chị em trong thôn cùng nhau hưởng ứng, đến nay trong thôn có rất đông chị em biết chơi bóng”, chị vui vẻ!
 |
Đội bóng chuyền nữ huyện Đức Trọng |
Đội bóng chuyền của thôn Bát Trang hiện có trên 12 thành viên, nhỏ tuổi nhất là chị Thảo cũng trên 30, lớn tuổi hơn có chị Phan Thị Kim Sâm, 44 tuổi, chơi ở hàng thủ rất hay; lớn nhất là chị Trịnh Thị Bảng, 50 tuổi, chiều chiều cũng thường xuyên ra sân. Thành lập đến nay đã trên 6 năm, Đội bóng chuyền nữ Bát Trang thỉnh thoảng tổ chức các chuyến đi sang huyện Bảo Lâm giao lưu, “Vì bên đó có các đội bóng chuyền nữ, còn ở Di Linh toàn bóng đá nam, rất ít thôn có đội nữ bóng chuyền như Bát Trang nên cũng chẳng biết đi thi đấu ở đâu” - chị Thảo cho biết. Được Hội Phụ nữ Di Linh chọn đại diện cho huyện thi đấu ở giải bóng chuyền nữ tỉnh, đội Bóng chuyền nữ thôn Bát Trang chỉ xếp thứ 8 trong 13 đội trong tỉnh tham dự. “Vậy cũng thành công rồi, khi được cử đi thi đấu trên tỉnh ai cũng rất vui, đi cho biết đó biết đây, cho có phong trào chứ đội bóng của thôn thì khó tranh huy chương lắm…”, chị Thảo tươi cười. Ước mong của đội bóng chuyền nữ Bát Trang, như chị Thảo cho biết, là mong Di Linh phát triển bóng chuyền nữ, huyện tổ chức được giải nữ để đội bóng Bát Trang của chị có dịp gặp gỡ thi đấu với các đội khác trong huyện.
Và một đội bóng cấp huyện
Đó là Đội bóng chuyền nữ Đức Trọng - đội về nhì đầy đáng tiếc tại Giải Bóng chuyền nữ toàn tỉnh Lâm Đồng - 2015 dù thi đấu cực kỳ ấn tượng từ vòng bảng đến tận vòng bán kết. Trong trận chung kết tranh cúp vô địch với đội Đại học Đà Lạt, chủ yếu là sinh viên với sức trẻ, Đức Trọng đã dẫn trước 1-0, rồi để Đại học Đà Lạt gỡ hòa trong hiệp 2 và đến hiệp 3, cả 2 đội đã tranh nhau từng điểm và Đức Trọng chỉ bị thua trong khoảng cách đầy sít sao 2 điểm.
Khác với Di Linh, Đức Trọng có phong trào bóng chuyền nữ khá mạnh ở cơ sở, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện phối hợp với Hội Phụ nữ huyện thường xuyên tổ chức Giải Bóng chuyền nữ vô địch toàn huyện. Tại giải vô địch huyện năm nay được tổ chức trong tháng 7/2015, tổng cộng có 13 đội của các xã, thị trấn trong huyện tham dự cũng chia bảng đấu vòng tròn kéo dài vài ngày và đội xã Ninh Gia đoạt chức vô địch.
Đội bóng của huyện tham dự giải tỉnh năm nay theo đội trưởng Phạm Thị Sao, giáo viên của Trường THCS Bình Thạnh, là tập hợp cầu thủ được chọn ra từ giải bóng chuyền nữ của huyện, trong đó xã Ninh Gia có 3 cầu thủ, Liên Hiệp có 1, Bình Thạnh 4, Hiệp An 2. Đội chỉ kịp tập hợp cùng nhau tập luyện vài ngày trước khi tham dự giải tỉnh nhưng thi đấu cực kỳ bài bản.
Điểm thuận lợi của Đội bóng chuyền nữ Đức Trọng như chị Sao cho biết, chính là hầu hết các thành viên của đội là giáo viên dạy thể dục và dạy các bộ môn khác trong các trường học trên địa bàn huyện; do thường xuyên tham gia thi đấu, tập luyện trong trường nên không khó khăn gì trong ráp đội hình để thi đấu ăn ý với nhau. Dù nhiều cầu thủ trong đội đã lớn tuổi, trên 30, có người đã có chồng con nhưng sức bật phản xạ thi đấu còn rất tốt, phối hợp công thủ khá nhịp nhàng với những pha bóng rất đẹp mắt không kém những cầu thủ trẻ tuổi. Nếu được tập luyện, đội bóng này sẽ còn tiến rất xa.
Theo chị Đặng Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Phụ nữ Đức Trọng, nhiều năm liền, Huyện hội khuyến khích các chi hội phụ nữ từ thôn đến xã tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có môn bóng chuyền nên bóng chuyền nữ phát triển rất mạnh ở cấp cơ sở hiện nay trong huyện. “Chúng tôi rất mong tỉnh thường xuyên tổ chức giải bóng chuyền nữ hằng năm để bộ môn này phát triển nhiều hơn trong tỉnh” - chị Hiệp mong muốn.
Viết Trọng