Võ đường trong vùng sâu Đam Rông

10:09, 10/09/2015

Đó là võ đường Nông Trang, được mở tại thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà và tại xã vùng sâu Rô Men của Đam Rông với võ sinh chủ yếu là học sinh - thanh niên người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 

Đó là võ đường Nông Trang, được mở tại thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà và tại xã vùng sâu Rô Men của Đam Rông với võ sinh chủ yếu là học sinh - thanh niên người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 
 
Võ sư Nông Trang (thứ hai, hàng sau, bên trái sang) và các môn sinh tại giải Võ Cổ truyền toàn tỉnh Lâm Đồng - 2015
Võ sư Nông Trang (thứ hai, hàng sau, bên trái sang) và các môn sinh tại giải Võ Cổ truyền
toàn tỉnh Lâm Đồng - 2015
 
Cả hai võ đường này do Võ sư Nông Trang lập nên. Mộc mạc và bình dị như một nông dân chính hiệu, võ sư Nông Trang sinh năm 1960, người Lâm Hà, học võ từ nhỏ ở một võ đường vừa dạy võ Thiếu Lâm lẫn võ Bình Định. Năm 1986, ông mở võ đường ở nhà ông tại thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà, sau đó, ông vào mở võ đường ở xã Rô Men - Đam Rông, ngày trước nơi đây còn là đất của Lâm Hà và duy trì cho đến nay.
 
“Thì tôi là nông dân mà” - ông cười lớn, đưa hai bàn tay thô ráp của một nông dân quen với ruộng vườn và cuốc xới. Giống như nhiều người trên đất Lâm Hà, ông cũng đang canh tác cà phê, chừng hơn mẫu đất, và đây chính là nguồn hoa lợi chính của gia đình ông lâu nay, “cũng đủ để sinh sống”. Ngày ngày làm nông chăm sóc vườn cây, tối về đi dạy võ. Nghiệp võ theo ông như một sứ mệnh, nhiệm vụ của những người học võ như ông là truyền bá lại những điều mình học, những gì mình chiêm nghiệm trong đời về võ thuật. Khi được phép, ông đã mở võ đường, thu nhận môn sinh.
 
Dạy võ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên võ đường của ông, tất nhiên có không ít học trò là người dân tộc thiểu số. Tại võ đường của ông ở Lâm Hà, trong khoảng 60 môn sinh đang theo học, chủ yếu là thanh niên, học sinh trong độ tuổi đi học, gần một nửa trong số đó là người dân tộc thiểu số của những buôn làng gần đó. Tại võ đường ở Rô Men - Đam Rông, hơn nửa trong khoảng 40 võ sinh thụ giáo, nếu không nói là hầu hết, là người dân tộc thiểu số. 
 
“Dạy võ cho học trò người dân tộc thiểu số cũng có những điều đặc biệt, hầu hết rất chịu khó, chăm chỉ nên cũng dễ dạy. Phải dạy từ từ, dạy đòn thế cơ bản, không cần biến hóa nhiều. Nhưng cũng “thời vụ” lắm, có lúc như mùa cà phê chẳng hạn lớp học vắng ngắt, vì tất cả lên rẫy hái cà phê” - ông kể vui. Nhưng điều đặc biệt nhất ở những võ đường nơi đây theo ông chính là phải có… “tinh thần võ”, biết “chấp nhận” và thương học trò thì mới dạy được. Hầu hết học trò người đồng bào dân tộc thiểu số theo ông đều có gia đình khó khăn, cả năm nhiều môn sinh chẳng nhớ đóng học phí cho thầy. Bù lại họ luyện tập rất siêng năng và rất nghe lời thầy dạy. 
 
Theo võ sư Nông Trang, trước đây, phong trào võ cổ truyền phát triển rất mạnh tại Đinh Văn - Lâm Hà (với 2 võ đường Đoàn Phùng của võ sư Đoàn Phùng cùng võ đường Nông Trang của ông) và cả vùng ông dạy tại Rô Men. Ngày đó, các bậc cha mẹ khuyến khích con cái đi học võ cho khỏe, nhưng gần đây giới trẻ bị thu hút bởi quá nhiều thứ nên lớp học cũng thưa vắng dần. Dù thế, với tâm huyết và nhiệt tình của mình ông vẫn cố gắng duy trì lớp, dù có lúc lớp vắng ngắt chỉ vài môn sinh. Nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu còn rất nhiều khó khăn, phải thương và hiểu học trò thì mới dạy được. Tất cả như ông nói để tiếp nối dòng chảy võ cổ truyền qua các thế hệ.
 
Không chỉ dạy võ vì phong trào, võ đường của ông lâu nay giành rất nhiều thành tích trong các giải tỉnh, đặc biệt rất mạnh trong thi đấu đối kháng. Như trong năm nay, đến thời điểm này cả hai võ đường của ông tại Lâm Hà và tại Đam Rông đã giành trên 40 huy chương các loại từ các giải tỉnh trong đó có trên 10 Huy chương Vàng. Điểm đặc biệt, ông thường đưa cả 2 đoàn đại diện cho Võ cổ truyền Lâm Hà và Võ cổ truyền Đam Rông thi đấu ở giải tỉnh. Tại giải vô địch Võ cổ truyền toàn tỉnh 2015 ở Đà Lạt trong tháng 7 vừa qua, cả hai đoàn của ông đều thi đấu rất xuất sắc, giành không ít huy chương, trong đó có các VĐV người dân tộc thiểu số lần đầu giành huy chương trong thi đấu đối kháng như K’Thắng, K’Thý..  
 
Để võ cổ truyền phát triển nhiều hơn ở Lâm Hà, ở Đam Rông, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông mong rằng ngành Văn hóa Thể thao huyện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ cho các võ đường hoạt đông, nếu được nên hỗ trợ kinh phí cho các VĐV tham dự giải tỉnh hằng năm. Ông cho biết đang cố gắng đào tạo, dìu dắt các môn sinh người dân tộc thiểu số trở thành HLV để tiếp tục phát triển võ cổ truyền trong các buôn làng vùng sâu Lâm Hà và Đam Rông.
 
VIẾT TRỌNG