Chuyện bóng đá xứ mình

11:09, 28/09/2015

Nói đến lòng đam mê với trái bóng lăn, có lẽ Việt Nam là một trong những quốc gia cuồng nhiệt nhất. Nhìn qua các nước Châu Á khác, Việt Nam là đất nước yêu bóng đá nhiều hơn hẳn nhưng tại sao nền bóng đá xứ ta cứ chỉ mãi luẩn quẩn trong "ao làng" Seagames.

Nói đến lòng đam mê với trái bóng lăn, có lẽ Việt Nam là một trong những quốc gia cuồng nhiệt nhất. Nhìn qua các nước Châu Á khác, Việt Nam là đất nước yêu bóng đá nhiều hơn hẳn nhưng tại sao nền bóng đá xứ ta cứ chỉ mãi luẩn quẩn trong “ao làng” Seagames.
 
Môn thể thao yêu thích nhất của người Nhật là bóng chày chứ không phải bóng đá. Họ chỉ làm bóng đá chuyên nghiệp từ những năm 90, cùng thời điểm này bóng đá Việt Nam đã có hệ thống thi đấu từ trước đó. Vì lẽ gì chỉ ít năm mà họ lại có thể trở thành một nền bóng đá hàng đầu Châu Á trong khi chúng ta đã đi trước hàng chục năm nhưng kết quả vẫn chưa có gì.
 
Chúng ta nói làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng thật sự chúng ta đã hiểu chữ chuyên nghiệp chưa? Các đội bóng của V-League không tự nuôi mình được, lúc nào cũng trông cậy vào nguồn “hầu bao” của các ông bầu chứ không phải là làm kinh tế bóng đá. Lương cầu thủ không xứng với khả năng, giá cầu thủ thì trên trời. Kệ hết! Chỉ cần có thành tích là được! Các “lò” đào tạo trẻ chỉ huấn luyện đôi chân chứ ít huấn luyện cái đầu. Kết quả sau mỗi cái Tết là thể lực sa sút thảm hại vì bia, rượu. Thứ tối kỵ đối với người làm thể thao.
 
Không dừng lại ở đó, đội ngũ y tế của các đội bóng chỉ biết cách khắc phục chấn thương chứ không có đóng góp chuyên môn gì! Đội ngũ y tế của các đội bóng phải phân tích được các vấn đề thể lực và cơ thể vật lý để đề ra giáo án và dinh dưỡng cho từng cầu thủ riêng biệt. Nếu tham quan các đội bóng của nước ngoài chẳng hạn như Nhật Bản, ta có thể thấy cơ sở y tế của các đội bóng rất hoành tráng. Công việc của họ đóng góp rất nhiều cho huấn luyện viên trong việc đề ra các bài tập tăng cường thể chất.
 
Nói về chuyện chuyên môn, thật sự chúng ta chỉ đào tạo được những người biết chơi bóng chứ không phải là làm chủ trái bóng. Quá thiếu các bài tập làm tăng cường sự dẻo dai, khả năng chịu đựng những va chạm. Một cầu thủ chuyên nghiệp phải có cái mắt cá cứng cáp, gót chân thần thánh, cái cổ chân linh hoạt. Cơ bắp của chân cần phải hài hòa với thể hình. Nhìn thể hình lý tưởng của các cầu thủ Thái Lan thôi là đã thấy trước chúng ta đá không lại họ rồi!
 
Đội ngũ bác sĩ tâm lý của các đội bóng lớn rất được coi trọng. Cái đầu điều khiển đôi chân. Chúng ta bỏ sót quá trình chăm sóc tinh thần. Con người không phải thần thánh, sẽ có những lúc người ta xao lãng, làm cho họ trở lại mục tiêu chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng. Ta lại doping cho cầu thủ bằng tiền. Cách làm này đang làm hại rất nhiều cầu thủ.
 
Không thể trách Miura được, dẫu có là Ferguson cũng không thể vực dậy một đội bóng trong một nền bóng đá quá thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta nên tôn trọng Miura và cho ông niềm tin. Từ khi ông nắm đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ và các quan chức học được rất nhiều. Đừng chăm chăm vào một số “tai nạn” mà phủ nhận tài năng của vị thầy người Nhật Bản!
 
Kling Quang