
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều khuôn mặt đang hoạt động tích cực cho phong trào TDTT ở Di Linh hiện nay. Bằng khả năng và lòng nhiệt tình của mình, cả hai đã có những đóng góp không nhỏ để thể thao địa phương này phát triển.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều khuôn mặt đang hoạt động tích cực cho phong trào TDTT ở Di Linh hiện nay. Bằng khả năng và lòng nhiệt tình của mình, cả hai đã có những đóng góp không nhỏ để thể thao địa phương này phát triển.
Người gây dựng phong trào thể hình
Đó là HLV Phù Tường Hùng, người đầu tiên gây dựng phong trào thể hình ở Di Linh hiện nay. Anh vốn là người Đà Lạt, sinh năm 1971, đến với thể hình khi Đà Lạt mới bắt đầu bộ môn này và trở thành một VĐV của đội tuyển thể hình Lâm Đồng. Đoạt không ít huy chương tại các giải thể hình của tỉnh tổ chức hằng năm, anh cũng từng giành Huy chương Vàng tại giải thể hình quốc gia ở hạng cân 55kg.
 |
Phù Tường Hùng cùng vợ và con trai tại một giải bóng bàn gia đình do Liên đoàn Bóng bàn Lâm Đồng tổ chức |
Năm 2000, Phù Tường Hùng quyết định xuống Di Linh “lập nghiệp”. Ngày đó Di Linh chưa có thể hình, khi xuống đây anh được Trung tâm Văn hóa Thể thao Di Linh tạo điều kiện về mặt bằng cho anh mở một phòng tập ngay tại Trung tâm, CLB thể hình này đến nay vẫn đang hoạt động rất tốt. Trang thiết bị cho phòng tập được anh sắm sửa bổ sung dần, có dụng cụ anh tự thiết kế, tự làm.
Từ khi có mặt trên đất Di Linh, phòng tập của anh đã thu hút học viên đến tập luyện ngày càng nhiều. Không chỉ là các thanh niên tại thị trấn Di Linh, còn có rất nhiều học viên từ các xã quanh thị trấn, đặc biệt là các thanh niên dân tộc thiểu số ở tận các xã vùng sâu Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Trang Thượng… cũng thường xuyên ra đây tập luyện. “Lao động nhiều, có cơ bắp sẵn, rất chịu khó nên thể hình rất phù hợp với người đồng bào thiểu số” - anh cho biết.
Cho đến nay Di Linh đã có thêm 2 phòng tập nữa, một tại thị trấn Di Linh và một tại xã Tân Thượng do chính học trò anh là K’Sep mở. Phòng tập của anh hiện có khoảng 50 học viên đến tập luyện trong tuần, học phí khoảng 100 nghìn đồng/tháng. Với sự huấn luyện của anh, Di Linh hiện nay là một đơn vị rất mạnh về thể hình của tỉnh. Rất nhiều học trò do anh đào tạo hiện là thành viên của đội tuyển thể hình Lâm Đồng như K’Sep, K’Rêp, K’Đim, K’Sáng, K’Rim… Anh cũng có không ít học trò đang đầu quân thi đấu cho các tỉnh ngoài.
Cũng nói thêm một chút về gia đình anh, một gia đình yêu “thể thao” đúng nghĩa. Em trai của anh là Phù Tường Linh cũng là một HLV thể hình tại Bảo Lộc, là trọng tài thể hình quốc gia. Vợ anh, chị Phạm Thị Thu Hương cũng là người thích chơi bóng bàn, con trai anh Phù Gia Kiệt, 9 tuổi, vừa giành Huy chương Đồng lứa tuổi nhi đồng giải bóng bàn trẻ thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh vừa qua. Bên cạnh thể hình anh cũng chơi bóng bàn, hai vợ chồng anh cùng con trai từng nhiều lần giành huy chương tại giải bóng bàn gia đình do Liên đoàn Bóng bàn tỉnh tổ chức.
Ông bầu của bóng đá
Khi nói về mình Trần Hữu Vinh nói vui rằng anh không phải là cầu thủ đá bóng nhưng không có nghĩa là anh không ham thích bóng đá. Anh chính là một trong những người tiên phong trong xây dựng sân cỏ bóng đá nhân tạo tại thị trấn Di Linh.
 |
Nguyễn Hữu Vinh (áo trắng) cùng CLB Bóng đá V-23 |
Là người Di Linh, sinh1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế tại TP HCM, Nguyễn Hữu Vinh đã có một quãng thời gian dài làm việc tại thành phố này, trải nghiệm qua nhiều công ty lớn trước khi về lại Di Linh sinh sống cùng gia đình cách đây vài năm. Nhà có một khoảnh đất khá rộng trồng cà phê nằm ngay kề trung tâm thị trấn trong một con đường nhỏ yên tĩnh. Lúc đầu, anh cùng gia đình đầu tư một sân bóng mi ni cỏ nhân tạo cùng một quán cà phê nhỏ tại đây. Rồi từ một sân, anh dần phát triển ra 2 sân và hiện nay là 3 sân với tổng số tiền đầu tư gần 1,2 tỷ đồng. Cho đến nay sau vài năm hoạt động như anh cho biết, hầu như đã thu hồi lại được toàn bộ số vốn đầu tư của gia đình.
Bí quyết nào để các sân bóng của anh luôn thu hút đông người đến chơi? Sân đẹp, được chăm sóc tốt, giá cả vừa phải… Cùng với đó là người “chịu chơi” yêu bóng đá nên anh hầu như miễn phí toàn bộ các giải bóng đá của huyện khi tổ chức tại đây, từ giải nội bộ của các đoàn thể, các đơn vị hành chính sự nghiệp trong huyện cho đến giải của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tổ chức có qui mô lớn đến vài chục đội tham dự. Trong dịp hè vừa qua, khi chúng tôi đến đây, sân anh cũng vừa đăng cai giải U15 toàn huyện do Trung tâm VHTT huyện tổ chức với trên 20 đội tham dự, thi đấu gần 2 tuần ở đây. Không chỉ miễn phí các trận đấu, anh còn tài trợ cho một số đội bóng học sinh vùng sâu khó khăn dự giải.
Anh còn tổ chức một CLB bóng đá lấy tên V-23 với khá nhiều cầu thủ nghiệp dư trong vùng để tham dự các giải phong trào của huyện hằng năm, tổ chức các chuyến giao lưu đến các huyện, thành trong tỉnh. Như anh nói, người Di Linh có “máu bóng đá” trong người, anh cũng là người Di Linh, không chơi bóng thì cũng phải góp sức cho phong trào địa phương theo khả năng mình có.
VIẾT TRỌNG