Khi bóng đá là môn thể thao... vua

09:07, 30/07/2015

Với 16 sân cỏ bóng đá nhân tạo tư nhân đầu tư cho bóng đá 5 người trên địa bàn, hầu hết các xã trong huyện đều có sân vận động công cộng chơi bóng đá 11 người, bóng đá phong trào phát triển rất mạnh tại Di Linh và đây là địa phương duy nhất của tỉnh có giải bóng đá nữ hằng năm.

Với 16 sân cỏ bóng đá nhân tạo tư nhân đầu tư cho bóng đá 5 người trên địa bàn, hầu hết các xã trong huyện đều có sân vận động công cộng chơi bóng đá 11 người, bóng đá phong trào phát triển rất mạnh tại Di Linh và đây là địa phương duy nhất của tỉnh có giải bóng đá nữ hằng năm.

Khi bóng đá được ưu tiên

Khi chúng tôi về công tác tại Di Linh, Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) huyện cũng vừa tổ chức xong giải bóng đá thiếu niên U15 toàn huyện trong hè. Tổng cộng có 19 đội của tất cả 19 xã, thị trấn trong huyện tham dự, các đội được chia bảng đá vòng tròn, mỗi bảng chọn ra 2 đội nhất, nhì vào vòng chung kết ở huyện, năm nay, đội xã Liên Đầm đoạt chức vô địch.“Rất vui, đây là hoạt động thường xuyên của huyện cho học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương. Trước đây, chúng tôi tổ chức giải 11 người trên sân cỏ hoặc sân đất tại các xã nhưng nay có sân cỏ nhân tạo nên tổ chức giải cho đội 5 cầu thủ. Đây là các đội được chọn từ vòng xã, mỗi xã chỉ cử một đội thôi chứ muốn cử thêm bao nhiêu đội cũng có” - ông Lê Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm cho biết.

Bóng đá là môn thể thao phổ thông nếu không nói là rất được yêu chuộng tại Di Linh. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn đều có những khoảnh đất trống làm sân chơi công cộng ở cấp thôn hoặc cấp xã, đây là nơi người dân trong vùng làm sân phơi cà phê trong mùa thu hoạch, làm bãi chiếu phim, làm chỗ vui chơi cuối ngày, phổ biến là chơi bóng chuyền và bóng đá. Gần đây, Di Linh còn có thêm các sân cỏ nhân tạo do tư nhân xây dựng để kinh doanh với các CLB bóng đá xã hội hóa hoạt động rộn rịp trong hè. Theo Trung tâm VHTT Di Linh, toàn huyện hiện nay có 16 sân cỏ nhân tạo, không chỉ tại thị trấn Di Linh mà còn ở các xã vùng sâu như Tân Thượng, Tân Lâm… cũng có sân cỏ nhân tạo.

Trên nền phong trào này, hằng năm, Trung tâm VHTT Di Linh kết hợp với Hội Bóng đá huyện tổ chức rất nhiều giải bóng đá cấp huyện như giải cho khối cán bộ công nhân viên chức, giải cho khối các đoàn thể, lớn nhất là giải vô địch bóng đá toàn huyện trong dịp 30/4. Giải bóng đá 11 người vô địch huyện năm nay có đến 22 đội tham dự, trong đó có 18 đội của các xã, 1 đội thị trấn và 3 đội của các cơ quan, ban, ngành trong huyện, kéo dài trong hơn 1 tháng, cũng chia bảng đá vòng tròn, chọn đội nhất nhì vào vòng trong, năm nay đội bóng đá xã Hòa Bắc đoạt chức vô địch.

Cùng đó, khối các cơ quan, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, ngành Y tế, Ngân hàng, Công an huyện... cũng phố hợp với Trung tâm để tổ chức giải bóng đá nội bộ trong đơn vị mình. Các xã, thị trấn trong huyện cũng đều có giải bóng đá cấp xã 11 người, mỗi thôn cử một đội tranh tài ở các sân đất công cộng, cũng có giải thưởng và đội vô địch sẽ được quyền tham dự giải cấp huyện.

Nhưng độc đáo nhất của bóng đá phong trào Di Linh chính là bóng đá nữ. Hầu hết các xã hiện nay theo ông Cường, đều có đội bóng đá nữ, đặc biệt là các xã và cả đến các thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có đội bóng đá nữ. Những năm trước đây Di Linh tổ chức giải bóng đá nữ cấp huyện 11 người sân lớn trong dịp 20/10, nhưng 2 năm gần đây đã chuyển thành giải 5 người thi đấu sân cỏ nhân tạo. “Chúng tôi coi đây là một giải “truyền thống” được huyện luôn duy trì hằng năm” - ông Cường cho biết...

Đẩy mạnh xã hội hóa

“Lãnh đạo nào có tinh thần đam mê thể thao thì phong trào mới phát triển”- ông Trần Hải - Chủ tịch Hội Bóng đá Di Linh đã nói vui về sự quan tâm rất lớn của huyện Di Linh cho phong trào bóng đá hiện nay của địa phương. Di Linh có lẽ là huyện “chịu chơi” duy nhất tại Lâm Đồng hiện nay khi cấp kinh phí cho Hội Bóng đá huyện tổ chức các hoạt động, mỗi năm từ 40 - 50 triệu đồng. Từng là Bí thư huyện, nay về hưu, yêu thể thao, yêu bóng đá, nên ông Hải đã có công không nhỏ trong việc vận động huyện quan tâm đến việc duy trì và phát triển thể thao quần chúng, ở đây là môn bóng đá.

Tuy nhiên như ông Hải nhận xét, dù Hội Bóng đá huyện nỗ lực phối hợp với Trung tâm huyện tổ chức các hoạt động cho bộ môn này thì cũng chỉ vài giải, đơn giản bóng đá là môn chơi tập thể khá tốn kém. “Nhiều xã có rất nhiều đội bóng khi tổ chức giải cấp xã đề nghị Hội hỗ trợ nhưng chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ được một vài xã mà thôi, kinh phí hoạt động cho thể thao ở cấp xã cũng rất hạn hẹp nên muốn dự giải nhiều đội phải tự mình đóng góp” - ông Hải nói.

Chính vì vậy, như Trung tâm VHTT và Hội Bóng đá Di Linh cho biết, để duy trì phát triển phong trào bóng đá hiện nay, huyện chủ trương thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao. Hiện đã có các sân bóng cỏ nhân tạo thành lập CLB Bóng đá và những CLB này đang hoạt động rất tốt, tự liên kết để tổ chức giải, cùng giao lưu, thi đấu với nhau, Trung tâm và Hội chỉ hỗ trợ về chuyên môn.

Một việc cần làm khác theo Trung tâm VHTT Di Linh là phải giữ cho được các sân đất công cộng còn lại hiện nay tại các xã. Đã có trường hợp thu hồi sân đất này để xây dựng các công trình; nhiều sân bị lấn chiếm. Duy trì được những sân bóng đất này chính là một điều kiện hết sức cơ bản để phát triển bóng đá phong trào nên theo Trung tâm, giải pháp hiện nay giao hẳn sân đất sinh hoạt công cộng này về cho cấp thôn quản lý đã tỏ ra khá hiệu quả.

Với bóng đá nữ Trung tâm và Hội Bóng đá Di Linh cũng đề nghị Thể thao tỉnh nên “nghiên cứu”, có giải bóng đá nữ hằng năm, tạo sân chơi cho giới nữ trong toàn tỉnh chứ một mình Di Linh tổ chức như lâu nay “cũng buồn”.

VIẾT TRỌNG