
Với quyết tâm của mình, Bảo Lộc đang khôi phục lại phong trào bóng rổ ở thành phố này và đang trong lộ trình xây dựng lại đội tuyển Bóng rổ Bảo Lộc.
Với quyết tâm của mình, Bảo Lộc đang khôi phục lại phong trào bóng rổ ở thành phố này và đang trong lộ trình xây dựng lại đội tuyển Bóng rổ Bảo Lộc.
Một thời vang bóng
Với rất nhiều người yêu thể thao Lâm Đồng, bóng rổ không phải là một bộ môn xa lạ. Môn thể thao mang tính đồng đội hấp dẫn này đã từng một thời phát triển rất mạnh ở các trường học tại Đà Lạt, Đức Trọng và Bảo Lộc.
Tại Đà Lạt, trước đây có rất nhiều trường học có sân bóng rổ với các giải bóng rổ học đường. Khi phong trào đi xuống, sân bóng rổ các trường học này dần bị thay thế bởi các môn thể thao khác. Hiện nay chỉ còn Tu viện Don Bosco tại phường 2, Đà Lạt vẫn duy trì môn thể thao này với các lớp dạy trong hè, thu hút khá đông học sinh các lứa tuổi lẫn sinh viên đại học đến chơi.
Tương tự, tại Đức Trọng, bóng rổ cũng phát triển mạnh trong các trường học, đặc biệt là các trường học có học sinh người gốc Hoa. Một thời gian dài không được duy trì, không có các giải phong trào, bóng rổ nơi đây cũng dần thui chột.
Bóng rổ phát triển mạnh nhất tại Lâm Đồng chính là Bảo Lộc. Tại đây, không chỉ trong học đường với rất nhiều trường học có sân mà môn thể thao này còn phát triển rộng trong cộng đồng dân cư với nhiều ông bầu bỏ tiền túi đứng ra thành lập các đội bóng thi đấu với nhau. Đội tuyển bóng rổ Lâm Đồng được thành lập lúc đó chủ yếu là các thành viên của Bảo Lộc từng tham gia thi đấu giải bóng rổ quốc gia trong rất nhiều năm. Mãi sau này, khi ông bầu mê bóng rổ này ra nước ngoài sinh sống, thiếu nguồn tài trợ, bóng rổ Bảo Lộc mất dần động lực và phong trào dần đi xuống.
Trong vài năm gần đây, Bảo Lộc vẫn tiếp tục là nơi đăng cai các giải bóng rổ quốc gia hằng năm, từ giải vô địch quốc gia, giải trẻ các nhóm tuổi… nhưng lại không có sự tham dự của đội chủ nhà Bảo Lộc. Những thành viên cũ của đội tuyển Bóng rổ Bảo Lộc đại diện cho Lâm Đồng thi đấu ở giải quốc gia hầu hết đã lớn tuổi, giải nghệ, trong khi lớp trẻ thay thế chưa có. Người Bảo Lộc đến giải ngồi xem các đội khách thi đấu với nhau trong nỗi hoài nhớ bóng dáng của đội nhà.
 |
Một pha tranh bóng tại giải Bóng rổ nam nữ vô địch quốc gia 2015 do Bảo Lộc đăng cai. Ảnh: Khánh Phúc |
Làm lại từ đầu
“Bảo Lộc không thể thiếu bóng rổ” - ông Phạm Công Trứ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) Bảo Lộc khẳng định.
Là người gắn bó rất lâu năm với thể thao Bảo Lộc, ông Trứ chính là người từng góp phần không nhỏ đưa bóng rổ Bảo Lộc vươn đến đỉnh cao trong các giải quốc gia rất nhiều năm và cũng là người chứng kiến sự đi xuống của phong trào tại thành phố này. “Chúng tôi đang nỗ lực làm lại từ đầu” - ông Trứ cho biết.
Hiện Trung tâm VHTT Bảo Lộc đã hợp đồng với 1 HLV làm công tác đào tạo bóng rổ tuyến trẻ. Đó là HLV Huỳnh Anh Tuấn, sinh năm 1990, người Bảo Lộc, tốt nghiệp Đại học Thể thao năm 2013, chuyên ngành bóng rổ và cũng từng là một thành viên của đội tuyển Bóng rổ trẻ của Bảo Lộc trước đây. Hiện HLV Huỳnh Anh Tuấn đang phụ trách lớp bóng rổ năng khiếu hè tại trung tâm. Theo anh Tuấn: “Chúng tôi cố gắng phát triển môn bóng rổ trong học đường trở lại. Điều đáng mừng đã có một số trường trên địa bàn Bảo Lộc có giải bóng rổ học sinh hằng năm. Nhiều phụ huynh cũng thích môn này nên lớp năng khiếu bóng rổ tại trung tâm hiện nay khá đông học viên, đến vài chục em trong hè”. Mục tiêu của trung tâm là chọn lọc chừng 12-15 thành viên trong các lớp hè này để bồi dưỡng thành lập đội tuyển bóng rổ tham dự các giải trẻ quốc gia trở lại.
Cùng với việc phát triển phong trào trong học đường, Trung tâm VHTT Bảo Lộc cũng đang đưa ra mục tiêu khuyến khích phát triển phong trào bóng rổ trở lại trong cộng đồng dân cư. Hiện Bảo Lộc có Kết Hưng - một CLB bóng rổ tập hợp các thành viên cùng sở thích chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên cùng nhau tập luyện, tổ chức các chuyến giao lưu du đấu với các CLB phong trào trong nước.
Khó khăn nhất hiện nay theo ông Trứ chính là việc vẫn chưa tìm ra nguồn tài trợ cho đội tuyển bóng rổ Bảo Lộc khi thành lập hoạt động. “Kinh phí cho hoạt động thể thao của trung tâm có hạn; nếu được, thể thao tỉnh nên đưa bóng rổ vào hệ thống đào tạo VĐV năng khiếu của tỉnh và có kinh phí cho đội tuyển dự giải thì mới lâu dài được” - ông Trứ nói. Bảo Lộc theo ông có sân bãi, có HLV, rất cần tỉnh hỗ trợ để phát triển môn thể thao này tại địa phương mình.
Cũng theo ông Trứ, thể thao tỉnh cũng nên tính toán để đưa môn thể thao này vào định hướng phát triển lâu dài, phối hợp với ngành Giáo dục để đưa vào trường học, khuyến khích các địa phương như Đà Lạt, Đức Trọng phát triển bộ môn này trở lại, hình thành giải đấu cấp tỉnh để các đội bóng địa phương thi đấu với nhau. “Nếu chúng tôi xây dựng lại đội tuyển bóng rổ Bảo Lộc mà mỗi năm chỉ trông chờ vào một, hai giải quốc gia để được thi đấu thì chưa đủ. Đội tuyển tỉnh nếu có vẫn còn cần thêm các giải cấp tỉnh để tạo cơ hội cho VĐV thi đấu mới nâng cao được trình độ” - ông Trứ cho biết.
GIA KHÁNH