Tân Hà với phong trào thể thao ở cơ sở

09:06, 11/06/2015

Nằm ở vị trí trung tâm của các xã trong vùng Lán Tranh - Tân Hà nên xã Tân Hà - Lâm Hà lâu nay duy trì phong trào thể thao cơ sở rất tốt, là hạt nhân của cả cụm 6 xã phía Nam huyện Lâm Hà. 

Nằm ở vị trí trung tâm của các xã trong vùng Lán Tranh - Tân Hà nên xã Tân Hà - Lâm Hà lâu nay duy trì phong trào thể thao cơ sở rất tốt, là hạt nhân của cả cụm 6 xã phía Nam huyện Lâm Hà. 
 
Với vị trí địa lý thuận lợi khi đường sá tất cả các xã trong vùng đều đi qua đây, Tân Hà - Lâm Hà lâu nay giữ một vai trò quan trọng, là một động lực phát triển kinh tế cho cả vùng Lán Tranh Tân Hà. Xã hiện nay có khoảng 13 nghìn người sinh sống, chủ yếu canh tác cà phê. Thổ nhưỡng phù hợp, người dân cần cù, cà phê nơi đây phát triển rất tốt, những năm gần đây cây trồng này tương đối được giá nên đời sống dân cư trong vùng nâng cao rõ rệt. Nhà cửa khang trang mọc lên nhanh chóng, nhu cầu về văn hóa - văn nghệ, sinh hoạt TDTT của người dân trong vùng theo đó cũng ngày càng cao. Các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, CLB TDTT của xã lần lượt ra đời. 
 
Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Hà
Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Hà
 
Là vùng “kinh tế mới” của huyện Thạch Thất - Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, với truyền thống hát chèo, đấu vật nên khi vào lập nghiệp trên vùng đất mới người dân nơi đây đã mang theo cả di sản của cha ông mình. Tại đây, theo ông Trần Văn Tuynh - cán bộ phụ trách Văn hóa - Thể thao của xã, Tân Hà hiện có 2 CLB chèo với khoảng 50 thành viên, hoạt động rất tốt, thường xuyên tổ chức sinh hoạt vào thứ bảy hằng tuần. Các xã khác trong vùng cũng đều có CLB chèo; các CLB này vẫn thường xuyên giao lưu với nhau. Tân Hà còn có một CLB thơ với trên 30 hội viên thường xuyên sinh hoạt. Riêng môn vật, trong rất nhiều năm nay, năm nào đến dịp Tết Nguyên đán Tân Hà cũng tổ chức sới vật, không chỉ cho xã mà còn cho cả vùng với rất nhiều “ông đô” (VĐV) từ các xã khác trong huyện tranh tài. Giải vật Tân Hà lâu nay đã thành một giải truyền thống của xã và của cả Lâm Hà, được người dân trong vùng chờ đợi trong dịp xuân về tết đến mỗi năm. 
 
Điểm thuận lợi rất cơ bản của Tân Hà trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ - TDTT hiện nay là xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao khá lớn được xây dựng từ năm 2005. Đây là một công trình tình nghĩa, là món quà tặng của Thủ đô Hà Nội cho những người dân xa xứ của mình trên vùng đất mới. Kinh phí cho xây dựng công trình này 2,6 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng do Hà Nội tài trợ, phần còn lại là vốn đối ứng của huyện. Với diện tích rộng hơn 4.000m2, Trung tâm này gồm một hội trường sức chứa khoảng 300 người, có 6 phòng chức năng vây quanh. Tại đây xã duy trì một CLB bóng bàn cho người dân sinh hoạt, 2 CLB võ thuật (Vovinam và Taekwondo) với chủ yếu là học sinh trong vùng, khoảng sân rộng phía trước dùng để tổ chức hội xuân, các hoạt động thi đấu TDTT ngoài trời.
 
Cùng với Trung tâm VH-TT xã, Tân Hà hiện nay đã có thêm 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo do người dân tự bỏ tiền đầu tư, hoạt động từ năm 2012 đến nay. Tại đây có các CLB bóng đá rất mạnh.
 
Bên cạnh Vật cổ truyền, Tân Hà cũng có một “đặc sản” thể thao truyền thống khác được tổ chức trong dịp đầu xuân hằng năm, đó là giải “cờ người”. Mỗi quân của bàn cờ tướng này là một người với trang phục rất độc đáo, có binh khí đi kèm, mỗi nước đi các quân cờ phải biểu diễn một bài quyền, khi di chuyển các quân phải thi đấu với nhau trước khi thế chỗ. “Môn sinh Vovinam trong xã là quân cờ với các thế võ chiến đấu tay đôi, bay người hạ đối thủ rất đẹp mắt nên thu hút rất đông người xem. Chúng tôi theo yêu cầu đã kéo dài giải đến 3 ngày trong Hội xuân hằng năm nhưng vẫn rất đông người dự khán” - ông Tuynh cho biết.
 
Bóng chuyền hiện phát triển khá mạnh tại xã. Hầu hết các thôn đều có sân bóng chuyền đất, có đội bóng chuyền, theo ông Tuynh là “không mạnh lắm”, chơi với tinh thần thể thao, rèn luyện sức khỏe, phát động phong trào là chính”. Cứ vào dịp 30/4 ngày thống nhất đất nước hằng năm Tân Hà tổ chức giải bóng chuyền cấp xã với các đội từ các thôn “cây nhà lá vườn” thi đấu với nhau, lớn nhỏ đều tham gia rất vui. 
 
Mạnh nhất trong phong trào TDTT của Tân Hà hiện nay vẫn là bóng đá. Theo ông Tuynh, các thôn đều có đội bóng đá của mình, trước đây xã thường tổ chức giải bóng đá 11 người, gần đây là giải bóng đá sân mini cỏ nhân tạo, mời cả các đội mạnh trong huyện cùng tham dự.
 
Dù cấp xã nhưng Tân Hà lâu nay không chỉ có các hoạt động vào dịp tết, lễ mà vẫn thường xuyên tổ chức các giải thể thao, văn nghệ rải ra trong năm, đặc biệt là dịp hè cho học sinh. Để bù đắp cho kinh phí hoạt động rất hạn hẹp (tổng cộng 24 triệu đồng gồm 11 triệu đồng cho TDTT, số còn lại cho văn hóa văn nghệ), theo ông Tuynh, xã đã nỗ lực vận động “xã hội hóa” từ rất nhiều nguồn khác: từ các doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn, những người yêu thích thể thao văn nghệ. Của ít lòng nhiều, việc ủng hộ cho các giải thể thao bằng rất nhiều cách: áo quần, dụng cụ TDTT, giải thưởng… Trung bình mỗi năm xã đã vận động được thêm khoảng 60 triệu đồng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của xã, cử VĐV của xã tham dự các giải cấp huyện. Trong số tiền vận động này chỉ riêng Hội xuân xã đã vận động được gần 40 triệu đồng. “Lúc đầu vận động cũng được ít nhưng càng ngày được nhiều hơn, người dân có nhu cầu, xã cũng tổ chức tốt nên nhận được sự ủng hộ của người dân” - ông Tuynh cho biết. Mong muốn của xã hiện nay theo ông Tuynh là được huyện hỗ trợ thêm các trang thiết bị TDTT hằng năm để trung tâm hoạt động tốt hơn.
 
“Tân Hà chính là một điểm sáng về hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở hiện nay của huyện chúng tôi” - ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Lâm Hà nhận xét. Theo ông Hùng, Tân Hà đã và đang phát huy rất tốt cơ sở vật chất hiện có, là động lực trong mọi hoạt động VH - TDTT của cụm 6 xã phía Nam Lâm Hà, là đơn vị tích cực cử VĐV góp phần thành công cho các giải thể thao cấp huyện. “Trong khả năng của mình, Trung tâm huyện luôn hỗ trợ giúp đỡ để Tân Hà phát huy tốt hơn vai trò cụm xã của mình” - ông Hùng khẳng định.
 
GIA KHÁNH