
Thể thao quần chúng trên địa bàn phường mạnh nhất theo ông Hà là các môn bóng đá, quần vợt, cầu lông, bóng bàn… Hằng năm, phường đều tổ chức một số giải thi đấu các môn thể thao mạnh của phường. Chẳng hạn, như chạy việt dã, phường 1 tổ chức giải cấp phường, huy động mỗi tổ dân phố 5 VĐV, với 15 tổ dân phố thì giải phường cũng có gần 50 VĐV tham dự...
Thể thao ở cấp phường
Là một phường trung tâm của thành phố Đà Lạt, phường 1 có mật độ dân cư đông đúc với trên 12.500 nhân khẩu, trên 2.100 hộ dân sinh sống tại 15 tổ dân phố. Không chỉ tập trung đông các cơ sở kinh doanh, phường 1 còn có nhiều nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch (trên 250 nhà nghỉ, khách sạn), trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu du khách đổ về đây. “Đây là một điểm thuận lợi để chúng tôi có thể vận động các cơ sở kinh doanh hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa - thể thao của phường hằng năm” - ông Phạm Trung Hà, Phó Chủ tịch UBND phường 1 nói.
 |
Một giải bóng bàn cấp thành phố do Trung tâm VHTT Đà Lạt tổ chức |
Thể thao quần chúng trên địa bàn phường mạnh nhất theo ông Hà là các môn bóng đá, quần vợt, cầu lông, bóng bàn… Hằng năm, phường đều tổ chức một số giải thi đấu các môn thể thao mạnh của phường. Chẳng hạn, như chạy việt dã, phường 1 tổ chức giải cấp phường, huy động mỗi tổ dân phố 5 VĐV, với 15 tổ dân phố thì giải phường cũng có gần 50 VĐV tham dự. VĐV đoạt giải được cử tham dự giải cấp thành phố. Với bóng đá, cứ đến dịp hè là phường tổ chức giải thanh thiếu niên 3 lứa tuổi, chủ yếu cho học sinh tham gia. Phường cũng phối hợp với Hội Người cao tuổi phường tổ chức giải cờ tướng hằng năm. Riêng đội dưỡng sinh của phường - một trong những đội rất mạnh của Đà Lạt vẫn sử dụng hội trường của phường tập luyện các buổi sáng trong tuần.
Do kinh phí hạn hẹp, chỉ khoảng 15 triệu đồng mỗi năm cho các hoạt động thể thao nên theo ông Hà, những năm trước phường 1 chỉ chọn cử VĐV một số bộ môn tham dự giải thành phố, nhưng gần đây nhờ vận động được nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp trên địa bàn nên phường 1 là một trong những đơn vị tham gia rất tích cực các giải thể thao cấp thành phố do Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) Đà Lạt tổ chức hằng năm. Trong năm 2014 vừa qua, phường 1 tham gia 5 giải gồm quần vợt, bóng bàn, cờ tướng, việt dã và giải đạp Pedalô trên hồ Xuân Hương. Tại giải Bóng bàn vô địch Đà Lạt 2015 vừa qua, đội phường 1 thi đấu rất xuất sắc, giành nhiều giải cá nhân và vô địch đồng đội nữ. “Rất vui phường được lãnh đạo rất quan tâm đến phong trào. Bên cạnh kinh phí nhà nước chúng tôi còn chú ý công tác xã hội hóa thể thao, vận động mọi người dân cùng tập luyện, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ dụng cụ, áo quần, giày vớ thể thao cho VĐV để tổ chức các giải cấp phường tham gia giải thành phố hằng năm” - ông Hà cho biết.
Một phường khác tại Đà Lạt mà thể thao cũng rất được quan tâm là phường 2. Nằm kề phường 1, phường 2 có trên 21 nghìn nhân khẩu với 21 tổ dân phố. Đây cũng là một phường có rất nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… “Mỗi năm bên cạnh kinh phí nhà nước dành cho thể thao khoảng 20 triệu đồng, chúng tôi cũng vận động được khoảng 20 triệu đồng nữa để trang trải cho các hoạt động thể thao quần chúng của phường, tổ chức các giải phường, tham gia giải thành phố” - ông Nguyễn Kỳ Quân, Phó Chủ tịch UBND phường 2 cho biết.
4 môn thể thao quần chúng phát triển rất mạnh trên địa bàn phường 2 hiện nay là bóng đá, cầu lông, quần vợt và cờ tướng. “Ở cơ sở người dân tập luyện rất nhiều môn, nhưng đây là 4 môn phường thường tổ chức các giải hoặc cử đội tham dự giải cấp thành phố hằng năm” - ông Quân cho biết. Trong năm 2014 vừa qua, phường 2 vô địch giải bóng đá cấp thành phố Đà Lạt, nhất đơn nam và đôi nam giải quần vợt Đà Lạt, còn giải cờ tướng thành phố phường giành giải nhất toàn đoàn. Phường hiện đang chuẩn bị tổ chức giải bóng đá 3 lứa tuổi cho học sinh nghỉ hè.
Những khó khăn
Trước nhất là nguồn kinh phí dành cho hoạt động thể thao cấp phường, xã hiện vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi để tổ chức được một giải đông người chi phí không hề nhỏ. Chẳng hạn như với giải bóng đá, phải trang bị áo quần thể thao, giày vớ, bóng cho các đội, hỗ trợ tập luyện, tiền giải thưởng… Với những phường nằm tại khu vực trung tâm như phường 1, phường 2 còn vận động được các doanh nghiệp nhưng những phường vùng ven, các xã vùng ngoại ô cực kỳ khó. Kinh phí hạn hẹp nên nhiều phường, xã chỉ tổ chức được 1-2 giải các bộ môn ở cấp cơ sở, còn dành tiền để chọn cử các đội tham dự các giải cấp thành phố chỉ ở các môn mình mạnh nhất. Điều này lý giải tại sao một số giải cấp thành phố được Đà Lạt tổ chức thường xuyên hiện nay chủ yếu các đơn vị, doanh nghiệp tham gia, còn khối phường, xã khá vắng.
Một khó khăn khác nữa là các phường không có sân bãi. Không chỉ phường 1, phường 2 mà rất nhiều phường trên Đà Lạt hiện nay đều không có cơ sở vật chất trên địa bàn để tổ chức các hoạt động thể thao cho người dân. Hầu hết đều phải đi thuê mướn các cơ sở của các tổ chức, tư nhân nên rất tốn kém trong khi kinh phí lại hạn hẹp. Như phường 2 chẳng hạn, đến nay vẫn chưa có nhà văn hóa. “Là phường đạt chuẩn văn hóa, chúng tôi hiện nay rất cần có một nhà văn hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho cộng đồng dân cư trên địa bàn” - ông Quân mong mỏi.
Ngay cả Trung tâm VHTT Đà Lạt suốt bao năm đến nay cũng cực kỳ khó khăn về chuyện sân bãi. “Rất nhiều các Trung tâm VHTT của các huyện, thành trong tỉnh đều đã được xây dựng nhà thi đấu, có sân bãi tập luyện, có sân vận động tổ chức các hoạt động thể thao cho người dân, riêng chúng tôi đến nay chẳng sở hữu một cơ sở vật chất nào, chẳng có nhà thi đấu, chẳng có sân bãi, tổ chức giải hằng năm tất cả đều đi thuê mướn rất tốn kém và bị động. Có được cơ sở vật chất Trung tâm có thể hỗ trợ cho các phường, xã tổ chức các hoạt động” - bà Ngô Thị Bích, Giám đốc Trung tâm cho biết.
Theo Trung tâm VHTT Đà Lạt, rất nhiều phường xã hiện nay trên địa bàn có phong trào thể thao cơ sở rất tốt, như phường 1, phường 2, phường 8, phường 10, xã Xuân Trường, xã Trạm Hành… “Chúng tôi luôn hỗ trợ các phường, xã để phát triển phong trào cơ sở. Điều cần hiện nay là các phường, xã nên ưu tiên quỹ đất để xây dựng thiết chế cho các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ người dân” - bà Bích mong muốn.
VIẾT TRỌNG