Ngoại hạng Anh đua nước rút

09:04, 16/04/2015

Chỉ còn 6 vòng đấu nữa, Ngoại hạng Anh mùa giải 2014 - 2015 đang đi đến đoạn chót. Bên cạnh cuộc đua giành vô địch giải này còn có cuộc chạy nước rút trụ hạng đầy khốc liệt của những đội bóng cuối bảng. 

Chỉ còn 6 vòng đấu nữa, Ngoại hạng Anh mùa giải 2014 - 2015 đang đi đến đoạn chót. Bên cạnh cuộc đua giành vô địch giải này còn có cuộc chạy nước rút trụ hạng đầy khốc liệt của những đội bóng cuối bảng. 
 
Là một giải bóng đá rất được ưa chuộng tại Việt Nam, Ngoại hạng Anh luôn được khán giả mong chờ vào những dịp cuối tuần qua hệ thống truyền hình. Những ngày này truyền thông đang nói nhiều đến cuộc đua vô địch của giải đấu này. 
 
Với vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, được 73 điểm sau vòng đấu thứ 32, Chelsea đang có một vị trí cực kỳ thuận lợi trên đường đến với chức vô địch. Họ bỏ xa đội nhì bảng là Arsenal đến 7 điểm và vẫn còn một trận đấu bù chờ họ với đội chót bảng Leicester City. Có thể nói danh hiệu vô địch đã nằm gọn trong túi, trừ phi chính họ tự làm khó mình khi để thua vài trận còn lại. Tuy nhiên, việc đánh mất điểm trong cuộc đua này có vẻ là một kịch bản khó diễn ra vì HLV Mourinho rất quái của Chelsea nổi tiếng là một cao thủ về chiến thuật. Dưới bàn tay của vị HLV này, Chelsea có thể có những trận thắng tưng bừng nhưng cũng có những trận họ chẳng ngại phô diễn một thứ bóng đá “xấu xí”, thực dụng đến từng chân tơ kẽ tóc, chỉ cần ghi được 1 bàn là kéo quân về lập xe bus trước cầu môn.
 
Bám đuổi theo sau Chelsea là 2 đội Asenal, 66 điểm và Manchester United (MU), 65 điểm và nếu có thể thêm một đội thứ ba nữa là Manchester City (MC) đang được 61 điểm. Điều đáng nói trong khi Arsenal và MU thi đấu rất lên chân trong giai đoạn gần đây sau những chệch choạch đầu mùa, trong đó Arsenal có đến 8 trận liền toàn thắng còn MU hồi sinh cực kỳ ấn tượng thì đương kim vô địch MC đang có dấu hiệu hụt hơi. Họ bị MU đánh bại với tỷ số 4-2 trong trận derby gần đây và trận thua này đã giáng một đòn rất mạnh vào tham vọng bảo vệ chức vô địch của họ. 
 
Có thể nói Ngoại hạng Anh sau một hồi “lộn xộn” với những đội bóng hạng trung như Southampton, Tottenham, Westham… đã vươn lên như những hiện tượng, hy vọng làm một cuộc lật đổ thì nay trật tự của giải đấu đã được vãn hồi. “Phong độ nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”, những đội bóng hạng trung với phong độ tốt đã leo cao giai đoạn đầu hay giữa mùa rồi cũng trở lại vị trí quen thuộc của họ trong bảng xếp hạng. Mâm trên tốp 5 vẫn là những đại gia với đẳng cấp đã khẳng định trong làng bóng đá; chỉ cần Arsenal bớt chấn thương, MU tìm lại được mình dưới triều đại của một vị HLV mới, Liverpool ổn định, họ sẽ tái lập được uy thế của mình và rất khó đẩy họ lọt ra khỏi tốp đầu. 
 
Nhưng Chelsea dù có dẫn điểm nhiều đến thế thì cũng không thể “ăn ngon ngủ yên” cho cuộc đua đến chức vô địch được. Cái hay của Ngoại hạng Anh nằm ở chỗ cuộc đua này luôn có nhiều đội tham dự và những bất ngờ phút chót. Điều này hầu như rất ít khi diễn ra ở các nền bóng đá các quốc gia khác ở châu Âu, chẳng hạn như bóng đá Đức, dù đã được cải tiến, nâng cao chất lượng giải đấu trong những năm gần đây nhưng Bayern Munich vẫn “vô đối”, làm mưa làm gió tại đây và chức vô địch khó mà tụt khỏi tay họ. Tại Tây Ban Nha, đó là cuộc cạnh tranh của 2 đội bóng nhà giàu Barcelona và Real Madrid, luẩn quẩn trong các trận đấu “siêu kinh điển” khi 2 đội bóng này gặp nhau. Bóng đá Pháp và Italia cũng vậy, cứ giàu có nhiều tiền của, là ông lớn là thắng. Với người xem, bóng đá mà chẳng có bất ngờ thì còn gì là thú vị. Bóng đá Anh đưa người xem đến với sự bất ngờ đó, như một bộ phim hành động kiểu Mỹ đầy kịch tính, đừng nghĩ ông lớn mà ngon ăn, chỉ khi trọng tài thổi còi mãn cuộc mới biết kẻ thắng người thua. Như mùa giải năm ngoái đến giờ chót Ngoại hạng Anh mới biết “mèo nào cắn mỉu nào”.
 
Nhưng không chỉ đua vô địch, một cuộc đua khác không kém phần hấp dẫn của Ngoại hạng Anh chính là cuộc chiến của những đội dưới đáy bảng cho mục tiêu trụ hạng. Như một con thú cùng đường, khi vào sân họ thi đấu như lên đồng, mỗi trận đấu như một cuộc sinh tử, mỗi cầu thủ có cảm giác như đang chơi với 200% sức lực. Còn khán giả đông nghịt bên ngoài sân hò hét và cầu nguyện, một không khí cực kỳ “bóng đá” chỉ có ở Ngoại hạng Anh. 
 
Theo điều lệ, trong 20 đội dự giải ngoại hạng, sẽ có 3 đội chót bảng phải xuống lại giải hạng nhất. Mùa giải năm nay cho đến thời điểm này số phận như đang gọi Leicester City, Burnley và Queens Park Rangers tính từ dưới lên. Họ đang lần lượt được 25, 26 và 26 điểm, và đây lại là những tân binh mới chỉ lên lại trong đầu mùa năm nay, vật vã trong một mùa bóng khốc liệt, nay họ phải đối diện với tình huống “bật bãi”. Tất nhiên, trong vòng xuống hạng còn có thêm một số khuôn mặt khác như Hull City 28 điểm, Sunderland 29 điểm. Tất cả những đội này đều khát điểm, họ cần ít nhất 2 trận thắng 1 trận hòa để đảm bảo một chỗ trong giải ngoại hạng nhưng liệu các đội khác có “buông” cho họ khi mà khái niệm cho chát dường như không có chỗ đứng trong giải đấu này. 
 
Nhưng sao mà họ đá dữ vậy, mỗi trận đấu như là lần cuối họ ra sân? Một trong những động lực làm nên sức nóng của giải đấu này chính là… tiền: tiền từ các nguồn thu như bán vé, tiền bản quyền truyền hình mỗi đội nhận được cho mỗi trận đấu trên giải ngoại hạng và còn nhiều thứ khác ăn theo. Khác với các giải đấu tại châu Âu, Ngoại hạng Anh chia khá đều tiền bản quyền truyền hình cho các đội dự giải và chỉ tính số tiền này thôi thì khoảng cách thu nhập giữa một đội hạng nhất và đội Ngoại hạng rất lớn. Năm ngoái dù xuống hạng như đội chót bảng Cadiff City cũng được nhận trên 90 triệu đô la tiền bản quyền truyền hình. Năm nay các đội dự ngoại hạng chắc chắn không nhận thấp hơn con số này và trong 3 năm tới, từ 2016 - 2019, giải đấu này đã lập một kỷ lục mới, tăng gần 70% tiền bản quyền truyền hình khi vừa có một hợp đồng mới với các hãng truyền hình với tổng giá trị trên 5.100 tỷ bảng, tính trung bình mỗi trận đấu mùa tới có giá trên 10 triệu bảng tiền truyền hình.
 
Vận hành cực tốt, truyền thông ủng hộ, là con gà đẻ trứng vàng cho nền kinh tế Anh, tất cả đang làm nên một giải đấu cực kỳ hấp dẫn. Và như một hiệu ứng, khi nào còn hấp dẫn thì khán giả còn đổ tiền mua vé vào sân, còn dán mắt vào truyền hình trực tiếp. Không biết đến bao giờ bóng đá Việt mới được như vậy?
 
GIA KHÁNH