Không kém một giải đua xe đạp địa hình ở Mỹ

10:04, 09/04/2015

Lần đầu tiên Thể thao Lâm Đồng kết hợp với Liên đoàn Xe đạp Mô tô Việt Nam tổ chức một giải xe đạp địa hình mang tầm quốc tế tại Đà Lạt trong tháng 3/2015 vừa qua (Vietnam Victory Challenge - 2015) với gần 90 VĐV của 33 đoàn tham dự, trong đó có trên 30 VĐV nước ngoài. Ấn tượng của giải để lại trong VĐV rất lớn.

Lần đầu tiên Thể thao Lâm Đồng kết hợp với Liên đoàn Xe đạp Mô tô Việt Nam tổ chức một giải xe đạp địa hình mang tầm quốc tế tại Đà Lạt trong tháng 3/2015 vừa qua (Vietnam Victory Challenge - 2015) với gần 90 VĐV của 33 đoàn tham dự, trong đó có trên 30 VĐV nước ngoài. Ấn tượng của giải để lại trong VĐV rất lớn.
 
Laura Liong - Singapore: Tôi rất thích phong cảnh Đà Lạt
 
Là một VĐV nghiệp dư, Laura Liong năm nay 49 tuổi, vốn là một nhà quản lý ngân hàng lâu năm, xin về hưu sớm trong 3 năm gần đây vì “làm cũng đủ rồi, ngồi mãi bàn giấy với văn phòng, cả ngày bận rộn nên thấy gò bó quá”. Nghỉ việc bà bắt đầu chơi xe đạp, lúc đầu chỉ đạp cho khỏe rồi đam mê luôn. Laura đã đến Việt Nam 2 lần để du lịch, một lần 10 ngày cho chuyến hành trình đạp xe cùng chồng từ Huế vào Nha Trang, và lần thứ 2 trong 2 tuần cùng nhóm bạn trong đó có chồng mình đạp xe từ Hà Nội sang cố đô Luang Prabăng của Lào. Đây là lần thứ 3 bà đến Việt Nam để tham dự giải thi đấu xe đạp địa hình này, do chồng bà vừa bị sự cố trong một lần đạp xe nên lần này bà chỉ đi một mình.
 
“Tôi rất thích phong cảnh Đà Lạt và ngạc nhiên khi biết Việt Nam có một thành phố đẹp như vậy” - Laura nói. Bà bảo bà thích du lịch, thích ngắm thành phố này với rừng thông, với những ngôi nhà xinh xắn trên sườn đồi, với hoa, rất nhiều hoa, với hồ nước… Còn đường đua, theo bà “rất đẹp”, bà đã từng tham dự các giải đua xe đạp địa hình ở Malaysia, Indonesia và một vài quốc gia khác nhưng đường đua Đà Lạt là “đẹp nhất” bởi đủ độ thử thách cho những người yêu xe đạp địa hình. Phong cảnh trên đường đua cũng đẹp, đồi dốc, đường mòn trong rừng, lội qua suối, đặc biệt với khí hậu luôn mát mẻ (Singapore nóng lắm), được ngắm nông dân làm vườn… Không nghĩ khi đăng ký tham gia đường đua lại đẹp đến thế.
 
Sôi nổi, cởi mở, thi đấu nhiệt tình, Laura Liong luôn là người nằm trong tốp đầu của hạng nghiệp dư nữ. Bà bảo nhất định năm đến khi giải này tổ chức lần thứ hai tại Đà Lạt bà sẽ vận động thêm nhiều người bạn từ Singapore sang đây vừa du lịch vừa dự giải.    
 
Glen Cunial - Australia: Đường đua rất thử thách 


Với Glen Cunial, kỹ sư trong ngành dầu khí, 39 tuổi, đạp xe cho vui, đường đua Đà Lạt là rất “khó”, rất “thử thách” cho một tay đua nghiệp dư như anh. Là một người yêu xe đạp địa hình, anh được bạn bè ở Úc rủ nhau qua Việt Nam dự giải. Từng tham dự giải xe đạp địa hình một vài nước, ban đầu anh nghĩ “chắc cũng không khó lắm”, nhưng với chặng 45km trong ngày đầu tiên từ khu vực Suối Vàng ra Thung lũng Tình yêu, anh đã phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ cật lực chinh phục, phải vừa đi vừa động viên “cố tự vượt qua bản thân thôi”. 
 
Nhưng dù khó Glen Cunial cũng không bỏ cuộc. Trong 3 ngày giải diễn ra, mỗi ngày đi 45km đường rừng anh đều có mặt. “Khó mới thích” - anh cười vui. Anh nhận xét công tác tổ chức giải rất tốt, thực phẩm rất ngon, mọi người tham dự giải đều được Ban tổ chức tận tình hỗ trợ nên trong năm đến, khi giải lần thứ hai diễn ra nhất định anh sẽ cùng bạn bè từ thành phố Brisbane của Úc sẽ lại qua đây. 
 
Chris Jackson - Anh: Nên tổ chức nhiều cuộc đua như thế này tại Việt Nam 
 
Là người Anh cùng gia đình sang Hà Nội làm việc cho Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong gần 2 năm nay, Chris Jackson, 42 tuổi, bảo rằng anh đã từng nhiều lần đến Lâm Đồng, Đà Lạt cũng như đến Tây Nguyên trong các chuyến công tác cùng cơ quan mình, nhưng đây là lần đầu tiên anh đến Đà Lạt để tham dự đua xe đạp địa hình như vậy. Đội xe đạp từ Hà Nội vào của anh gồm 7 người: 4 người Úc, 3 người Anh, tất cả đều đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội, cùng đam mê xe đạp như nhau, cứ chiều cuối tuần lại hẹn nhau đạp lòng vòng quanh hồ Tây - Hà Nội. Khi biết tin có giải đua xe, nhóm anh đã cùng vào đây tham gia.
 
“Tại sao không tổ chức nhiều giải đấu như thế này cho mọi người tham gia, rất vui” - Chris cười vui. Theo anh, phong trào chơi xe đạp đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội. Mỗi buổi chiều anh thấy từng nhóm cùng đạp xe với nhau trên đường, có nhóm còn rủ anh đạp xe chinh phục Sa Pa nhưng anh chưa có dịp. Theo Chris, chỉ cần quảng bá tốt là giải có người tham gia, và đây cũng là cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xe đạp cùng đồ thể thao nên sẽ không khó để tìm tài trợ cho giải. Đường đua thì mỗi địa điểm có những cung đường khác nhau nhưng nếu hình thành các giải có đủ độ thử thách, tổ chức tốt như giải này thì VĐV nước ngoài sẽ đến tham dự rất đông. Theo Chris, từ thành công của giải đấu này, Đà Lạt nên duy trì thường xuyên giải, xem đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch.
 
Sarah Kaufmann - Mỹ: Không kém một giải đua xe đạp địa hình ở Mỹ 
 
Năm nay 33 tuổi, Sarah Kaufmann là tay đua xe đạp chuyên nghiệp và cũng là một HLV xe đạp địa hình ở thành phố của mình tại Mỹ. Lần đầu tiên đến Việt Nam cùng với chiếc xe đạp của mình, tay đua này dường như không có đối thủ trong nội dung nữ chuyên nghiệp vượt rừng dài 75km cho mỗi ngày. Trong cả 3  chặng đua trong 3 ngày Sarah đều băng băng về nhất, vinh dự nhận phần thưởng vô địch chung cuộc cho tay đua chuyên nghiệp nữ với chiếc xe đạp địa hình đắt tiền của Ban tổ chức. “Tôi sẽ mang nó về Mỹ để kỷ niệm cho chuyến đi Việt Nam” - chị cười tươi.
 
Ấn tượng lớn nhất mà Sarah muốn nói với chúng tôi là giải tuy lần đầu diễn ra nhưng tổ chức rất chuyên nghiệp. “Không kém gì một giải đấu xe đạp địa hình ở Mỹ, thậm chí còn tốt hơn nhiều giải bên đó nữa” - Sarrah nói. Từ khâu đón tiếp, chuẩn bị đường đua, tổ chức cuộc đua hằng ngày đến công tác hậu cần... đều ất chu đáo, VĐV khi cần luôn được hỗ trợ. 
 
“Rất vui khi tham dự giải này. Tôi sẽ dành vài ngày để ở lại Việt Nam. Nhất định sang năm khi giải diễn ra tôi sẽ lại có mặt” - Sarah Kaufmann khẳng định.
 
Viết Trọng (thực hiện)