
Với 400 triệu đồng kinh phí được cấp cho các hoạt động khởi động trong năm nay, Thể thao Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai "Chiến lược phát triển bóng đá tỉnh" đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Với 400 triệu đồng kinh phí được cấp cho các hoạt động khởi động trong năm nay, Thể thao Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai “Chiến lược phát triển bóng đá tỉnh” đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Đưa Lâm Đồng thành một trung tâm mạnh về bóng đá
Mục tiêu lớn nhất của “Chiến lược phát triển Bóng đá Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trong năm 2013 là đổi mới, hoàn thiện hệ thống bóng đá phong trào của tỉnh; tuyển chọn đào tạo năng khiếu bóng đá, gắn kết đào tạo giữa các tuyến nhằm tạo nguồn cho các CLB bóng đá phong trào và chuyên nghiệp của tỉnh; xây dựng Liên đoàn Bóng đá Lâm Đồng trở thành một tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận công tác quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá của tỉnh; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các hoạt động bóng đá, sẵn sàng đăng cai các giải bóng đá trong nước và khu vực; hình thành mở rộng thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, chuyển nhượng cầu thủ. Tất cả nhằm đưa Lâm Đồng thành một trong những trung tâm bóng đá mạnh của cả nước.
 |
Một giải bóng đá phong trào được tỉnh tổ chức hằng năm |
Theo chiến lược đưa ra, trong giai đoạn 2015 - 2020, Lâm Đồng sẽ có đội bóng nam trong tốp 15 đội mạnh quốc gia. Tỉnh đồng thời cũng hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá tỉnh bao gồm các giải vô địch cấp tỉnh, giải bóng đá nữ cấp tỉnh, các giải dành cho các lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; cho đến năm 2020 hình thành khoảng 300 CLB bóng đá phong trào; xây dựng một đội ngũ HLV, trọng tài đạt chuẩn quốc gia. Trong giai đoạn kế tiếp cho đến năm 2030, bóng đá nam và bóng đá nữ của Lâm Đồng đều nằm trong nhóm hàng đầu của quốc gia; số lượng VĐV trẻ được đào tạo tập trung về bóng đá đạt khoảng 100 VĐV; Liên đoàn Bóng đá tỉnh có khả năng tự chủ về kinh phí, đảm nhiệm hầu hết các hoạt động bóng đá của tỉnh; toàn tỉnh có trên 400 CLB bóng đá phong trào.
Để thực hiện chiến lược trên, một trong những giải pháp chính mà Thể thao Lâm Đồng cần thực hiện là đẩy mạnh bóng đá phong trào, trong đó xây dựng và phát triển hệ thống bóng đá học đường trong tỉnh, cụ thể là đưa bóng đá vào các trường học dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa; từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ hoạt động bóng đá học đường của các trường học trong hệ thống giáo dục, trước mắt là các trường điểm, trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển mạng lưới CLB bóng đá trường học với hệ thống giải thi đấu với nhau.
Liên đoàn Bóng đá tỉnh trong chiến lược này đóng một vai trò quan trọng, có trách nhiệm hỗ trợ về mặt chuyên môn cùng các cấp cơ sở quản lý về TDTT để hình thành hệ thống thi đấu giải phong trào với sự tranh tài của các CLB cơ sở từ thôn làng đến xã, phường, thị trấn, các cụm dân cư, các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể…, hỗ trợ cho bóng đá đường phố phát triển.
Trong tuyển chọn đào tạo VĐV bóng đá, tỉnh sẽ xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng khiếu bóng đá từ 7 tuổi trở lên làm căn cứ để tổ chức kiểm tra, tuyển chọn năng khiếu bóng đá trên phạm vi toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng bóng đá; hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá trẻ các nhóm tuổi từ U11 đến U21 theo phương thức xã hội hóa; đa dạng hóa việc đào tạo VĐV, trong đó có chú ý đến việc xã hội hóa thể thao; phát triển bóng đá chuyên nghiệp; xây dựng cơ sở vật chất TDTT của tỉnh, trong đó có môn bóng đá; phát triển nguồn nhân lực cán bộ điều hành, đội ngũ HLV bóng đá và trọng tài; tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ cho mục tiêu phát triển bóng đá.
Những nhiệm vụ chính trong năm nay
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, mục tiêu cụ thể đặt ra cho bóng đá trong năm 2015 là việc củng cố duy trì đội tuyển bóng đá nam của tỉnh nằm trong tốp 8 giải hạng nhì quốc gia, tạo đà phấn đấu lên hạng nhất trong những năm đến. Cùng đó là việc phát triển mạnh mẽ và bền vững bóng đá phong trào trong tỉnh. Tỉnh sẽ sớm hoàn thiện hệ thống thi đấu các giải phong trào, tổ chức thêm các giải đấu bóng đá dành cho nhiều đối tượng hơn như cán bộ công chức, người lao động, nông dân, sinh viên học sinh trong năm nay. Tỉnh cũng sẽ hệ thống hóa lại việc đào tạo năng khiếu bóng đá, tổ chức giải bóng đá lứa tuổi U13 và U15 để phát triển bóng đá trẻ trong tỉnh. Cùng Liên đoàn Bóng đá tỉnh, thể thao tỉnh cũng sẽ vào cuộc kiện toàn Hội Bóng đá các huyện, thành phố để cùng với các Trung tâm VHTT cấp huyện, thành thực hiện kế hoạch của chiến lược đề ra.
Với 400 triệu đồng kinh phí được cấp trong năm nay, theo ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, ngành sẽ tiến hành một số công việc chính như lập khoảng 1.500 phiếu khảo sát điều tra thu thập thông tin về thực trạng bóng đá tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh; mở các lớp tập huấn huấn luyện cho khoảng 170 cán bộ, HLV, hướng dẫn viên bóng đá và cộng tác viên TDTT cấp cơ sở từ xã, phường, thị trấn trở lên. Ngành cũng sẽ mua trên 2.000 sách về Luật Bóng đá (bóng đá 11 người, bóng đá mini sân nhỏ…) để cấp phát cho tất cả các xã, phường của 12 huyện, thành trong tỉnh. Một cuộc hội thảo cũng sẽ được tổ chức trong năm nay với khoảng 60 đại biểu gồm các chuyên gia bóng đá, HLV, cán bộ quản lý trong nước có kinh nghiệm về phát triển bóng đá với mục tiêu là đưa ra được giải pháp để phát triển bóng đá của Lâm Đồng. “Hội thảo sẽ tập trung thảo luận để tìm cách nào hữu hiệu nhất để phát triển bóng đá phong trào, bóng đá học đường, bóng đá nữ, bóng đá trẻ, bóng đá nâng cao trong điều kiện thực tiễn của địa phương, hướng sự đầu tư phát triển theo qui trình bền vững” - ông Hải nhấn mạnh.
VIẾT TRỌNG