
Đang có một cuộc đổ bộ của những con thú từ đồng cỏ savan (savannah) châu Phi đến đất Brazil để chinh phục Cúp bóng đá thế giới, nhưng liệu họ sẽ làm được gì?
Đang có một cuộc đổ bộ của những con thú từ đồng cỏ savan (savannah) châu Phi đến đất Brazil để chinh phục Cúp bóng đá thế giới, nhưng liệu họ sẽ làm được gì?
 |
Những con đại bàng xanh Nigeria, niềm hy vọng của châu Phi (Ảnh AFP) |
Kiêu hùng nhất trong đàn thú này có lẽ là Cameroon với biệt danh “Những chú sư tử bất khuất” (Lions Indomitables). Nằm ở bảng A, đây đã là lần thứ 7 Cameroon lọt vào vòng chung kết cúp bóng đá thế giới, một kỷ lục tại châu Phi.
Nhưng Cameroon hiện chỉ còn là cái bóng của chính mình. Như một vua sư tử già, móng vuốt đã bị bào mòn ngồi trên đồi cao ngắm chiều tà mơ về thời oai hùng của mình, Cameroon từ rất lâu không còn xứng với tên gọi này. Ngay trên sân nhà châu Phi, họ đã hai lần chẳng lọt được vào vòng chung kết cúp châu lục. Trên sân chơi World Cup, năm 1990 ở Italia, Cameroon đã lọt vào đến tứ kết nhưng trong 4 vòng chung kết gần đây nhất, họ chỉ thắng được mỗi 1 trận duy nhất. Để đến được Brazil lần này, họ đã hụt hơi khi thua 0 - 2 trước Togo lượt đi, lượt về may mắn được FIFA xử thắng Togo 3-0 khi đội này đưa một cầu thủ bị cấm thi đấu vào sân. Trong trận play-off , đàn sư tử Cameroon thắng Tunisia 4-1và chính thức tìm được tấm vé đến Brazil.
Một trong những nguyên do chính là sự xung đột giữa cầu thủ, vốn chủ yếu là các “lính đánh thuê” trên khắp châu Âu và Liên đoàn Bóng đá Cameroon. Với kinh nghiệm thu được từ các giải đấu có chất lượng, đây có lẽ sẽ là một đội bóng tốt nếu được phát huy đúng mức. Nhưng các cầu thủ ngôi sao với cái tôi to tướng đang tự làm theo ý mình bất kể người khác nghĩ gì.
Ngôi sao lớn nhất của đàn sư tử Cameroon là Samuel Eto’o, từng 4 lần đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi. Hiện đã 33 tuổi nhưng Eto’o vẫn là một cây săn bàn đáng gờm. Trong đội hình này còn có các tiền vệ đẳng cấp thế giới như Alexandre Song (đang chơi cho đội Barcelona), Stephane Mbia (chơi tại Queens Park Rangers), Cedric Loe (thi đấu tại Osasuna). Huấn luyện viên (HLV) của Cameroon là ông Volk Finke, một người Đức, 66 tuổi. Tại bảng A bên cạnh Cameroon và chủ nhà Brazil còn có Croatia và Mexico cũng rất mạnh nên cơ hội tiến xa hơn vòng bảng của sư tử Cameroon coi bộ không dễ chút nào.
Đến Brazil lần này còn có các chú voi rừng. Những chú voi (Les Éléphants) là biệt danh của đội Bờ biển Ngà tại bảng C. Trong vòng loại khu vực châu Phi, Bờ biển Ngà là một trong 2 đội bóng bất bại, sớm giành vé đi Nam Mỹ.
So với sư tử Cameroon thì voi Bờ biển Ngà cũng có đội hình mạnh với rất nhiều cầu thủ tài năng, điển hình như cây săn bàn Didier Drogba từng làm nên tên tuổi của mình trong màu áo của Chelsea và nay tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn là một sát thủ; như Yaya Toure, cầu thủ của Manchester City – đội vô địch Ngoại hạng Anh mùa này và là một trong những tiền vệ đẳng cấp thế giới, từng ghi 4 bàn trong 6 trận vòng loại châu Phi, góp phần không nhỏ đưa các chú voi đi Brazil. Đội còn có các hảo thủ mà sự có mặt của họ là niềm mơ ước của rất nhiều đội bóng khác như Gervinho (cựu cần thủ Arsenal hiện đang chơi cho Roma), Salomon Kalou (chơi cho đội Lille), Lacina Traore (thi đấu tại Everton)…
Nhưng cũng như sư tử Cameroon, các chú voi rừng cũng có vấn đề riêng của mình. Đó là cái tôi của từng cầu thủ. Làm thế nào để kết dính họ với nhau vẫn là nhiệm vụ lớn của ông Sabri Lamouchi, người Pháp, HLV của đội hiện nay. Nằm trong bảng C với các đội Colombia, Hy Lạp và Nhật Bản, tương đối vừa sức mình, liệu đàn voi rừng này có tận dụng được cơ hội đang có?
Với biệt danh là những chú đại bàng xanh hay là siêu đại bàng (Super Eagles), Nigeria đã góp mặt tại Brazil một đội hình tương đối trẻ hơn so với Cameroon và Bờ biển Ngà. Nigeria từng bất bại tại vòng loại khu vực châu Phi và trước đó, họ cũng giành danh hiệu vô địch châu Phi trong năm 2013.
Như nhiều đội bóng châu Phi khác, hầu hết các cầu thủ trong đội hình Nigeria hiện nay đang thi đấu ở châu Âu. Đáng chú ý nhất là tiền đạo Victor Moses (cầu thủ của Chelsea đang cho mượn Liverpool) với lối chơi rất tốc độ; tiền vệ John Mikel Obi (Chelsea), tiền đạo Shola Ameobi (Newcastle)…
Trong lịch sử tham dự World Cup của mình, Nigeria từng vào vòng 16 đội trong 2 năm 1994 và 1998. Lần gần đây nhất, năm 2010 họ đã không vượt qua được vòng bảng. Năm nay tại bảng F, trước một Argentina quá mạnh, Nigeria sẽ cố vượt qua Iran để cạnh tranh với Bosnia - Herzegovina hòng tìm lấy suất còn lại để vào vòng trong. HLV của đội hiện nay ông Stephen Keshi, người Nigeria tin rằng lứa cầu thủ hiện nay sẽ lấy lại hình ảnh đáng tự hào của đại bàng xanh một thời lừng lẫy.
Một đội bóng khác của châu Phi, Algeria, lại chọn biệt hiệu cho mình là một con thú nhỏ nhưng rất tinh khôn, đó là “những con cáo sa mạc” (Les Fennecs).
Đây là lần thứ 4 những chú cáo này tham dự vòng chung kết World Cup. Hai lần gần đây vào năm 1986 và 2010 họ đều thất bại ở vòng bảng nhưng trước đó, vào năm 1982 ở Tây Ban Nha Algeria đã gây cú sốc lớn với 2 trận thắng để đời và nếu không có sự bắt tay dàn xếp tỷ số đầy xấu hổ của Tây Đức và Áo, họ đã lọt vào vòng trong. Từ năm này, chính Algeria đã làm thay đổi luật chơi quốc tế của World Cup: các đội cùng bảng sẽ phải thi đấu cùng giờ.
Tại Brazil năm nay, những con cáo sa mạc được dẫn dắt bởi HLV Vahid Halilhodzic, 61 tuổi, người Bosnia. Đa phần các cầu thủ thi đấu khắp châu Âu, trong khi giải trong nước cũng đang phát triển. Nhiều người tin rằng các chú cáo sẽ là một ẩn số thú vị tại bảng H với Bỉ, Nga và Hàn Quốc và họ hoàn toàn có khả năng gây bất ngờ.
Đội bóng châu Phi cuối cùng, Ghana lại không chọn loài thú nào làm biệt hiệu cho mình mà lấy luôn cả bầu trời châu Phi về đêm. Biệt danh của họ là “Những ngôi sao đen” (The Black Stars). Những ngôi sao đen này nếu tính cả lần này họ đã ba lần lọt vào vòng chung kết World Cup. Lần gần đây nhất, năm 2010 họ đã vào đến tứ kết.
Ghana năm nay rơi vào bảng G cực khó với sự hiện diện của Đức, Bồ Đào Nha và Mỹ. Cũng tập hợp một lực lượng cầu thủ chinh chiến từ khắp châu Âu nhưng với sự dẫn dắt của HLV James Kwesi Appiah (53 tuổi), người Ghana, đội bóng này lại thi đấu rất kỷ luật.
So với châu Á, bóng đá châu Phi có đến 5 đội tại vòng chung kết, thành tích nhìn chung cũng tốt hơn. Các đội bóng châu Phi có nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới, có lối đá thể lực, mạnh mẽ. Tuy nhiên, điểm yếu của họ cũng hiện rõ: sự kết nối giữa các cá nhân với nhau để thành một tập thể mạnh lại không cao, thiếu tính sáng tạo, trông chờ vào sự tỏa sáng cá nhân… Họ có thể gây bất ngờ, lọt vào vòng trong, đi đến tứ kết nhưng quả thật rất khó để đi xa hơn được nữa.
Viết Trọng