
Mỗi tối khi ánh đèn lên, võ đường Việt Hùng tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Đơn Dương lại rộn rịp người đến luyện võ. Ở đó, hằng đêm có một võ sư miệt mài đưa võ cổ truyền của cha ông đến với bao thế hệ.
Mỗi tối khi ánh đèn lên, võ đường Việt Hùng tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Đơn Dương lại rộn rịp người đến luyện võ. Ở đó, hằng đêm có một võ sư miệt mài đưa võ cổ truyền của cha ông đến với bao thế hệ.
Đó là võ sư Nguyễn Việt Hùng, người đã có trên 18 năm dạy võ trên đất Đơn Dương.
 |
Võ sư Nguyễn Việt Hùng |
Nghiệp võ đến với ông từ nhỏ. Ông sinh năm 1949 ở Đơn Dương, là con trai trong nhà nên qua bậc tiểu học gia đình gửi ông xuống Sài Gòn để đi học tiếp lên cao hơn. Vốn người thấp, nhỏ con nên ông mỗi tối đi học võ thêm cho khỏe, cho đỡ ai “ăn hiếp” mình. Ông chọn võ cổ truyền hay còn gọi là võ Ta nư cách gọi thời đó (để phân biệt với võ Tàu). Nơi ông đến thụ giáo là võ đường Từ Thiện - Tân Khánh Bà Trà, khá gần nơi ông ở.
Từ Thiện là tên của một vị sư cũng là võ sư, ngoài đời là Võ Văn Lành, vào chùa qui y có pháp danh Từ Thiện. Thầy Từ Thiện học võ của môn phái Tân Khánh - Bà Trà và về mở lò võ để dạy cho mọi người trong vùng để làm phúc. Còn Tân Khánh là một địa danh và Bà Trà lại là tên của vị võ sư vốn là phái nữ với tên đầy đủ là Võ Thị Trà, rất nổi danh thời bấy giờ. Bà Trà đứng ra lập môn phái riêng tại vùng Tân Khánh, ghép tên địa danh với tên mình thành võ đường. Xuất phát của lò võ Tân Khánh - Bà Trà chính là từ võ Tây Sơn - Bình Định. Theo võ sư Nguyễn Việt Hùng, các bài quyền nội phái của Tân Khánh - Bà Trà tuy có khác đôi chút với võ Tây Sơn - Bình Định nhưng về tổng thể hầu như như nhau.
Tại võ đường Từ Thiện này, ông đã học võ trong suốt thời gian đi học chữ trên đất Sài Gòn, học cho đến bậc Tú Tài ngày đó. Càng học võ ông càng thấy mê, không chỉ vì sức khỏe nâng lên rõ rệt nhưng cái chính là sự ảo diệu của võ thuật. Cho đến khi thống nhất đất nước năm 1975, ông giã từ Sài Gòn về lại Đơn Dương, lập gia đình, trở thành một nhà nông, ngày ngày lam lũ với ruộng vườn, nhưng thỉnh thoảng những đêm trăng vắng ông ôn lại những bài quyền cho đỡ nhớ.
Sự nghiệp dạy võ bắt đầu với ông từ năm 1996. Những năm này phong trào luyện võ bắt đầu trở lại trong tỉnh và ông chính là người đầu tiên ở Đơn Dương mở võ đường dạy võ cổ truyền. Ông xin phép mở lớp ở Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tại thị trấn Thạnh Mỹ, học vào buổi chiều tối. Vị võ sư nông dân ngày ngày lặn lội với ruộng vườn nhưng tối về trong trang phục nhà võ ông trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Những bài quyền ông đi vừa thanh thoát vừa hùng dũng. Học trò được ông chỉ bảo tận tình. Sự nhiệt tình của ông đã chinh phục được người học. Lớp học võ của ông đã thu hút môn sinh càng đông.
Hiện võ đường Việt Hùng tại Trung tâm VHTT Đơn Dương có khoảng 200 môn sinh, chủ yếu là học sinh các trường học phổ thông trong vùng. Gần đây, theo đề nghị của nhiều bậc phụ huynh, bên cạnh lớp dạy võ này ông đã mở thêm một lớp tại Nhà Văn hóa xã Quảng Lập với trên 100 võ sinh cho “học sinh đi học gần hơn buổi tối”. Riêng ông, khi kinh tế gia đình ổn định, ông đã nghỉ hẳn nghề làm nông để chuyên tâm cho việc dạy võ: “Lớn tuổi rồi, cũng cần thời gian tập trung nghiên cứu võ thuật những điều mình thích” - ông nói.
Cho đến nay, sau 18 năm dạy võ, võ sư Nguyễn Việt Hùng đã đào tạo rất nhiều thế hệ trên đất Đơn Dương. Chính ông đã góp phần không nhỏ để đưa phong trào võ cổ truyền nơi đây phát triển, đưa Đơn Dương trở thành một đơn vị rất mạnh về võ cổ truyền của tỉnh Lâm Đồng. Trong nhiều năm ông là Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Võ cổ truyền Lâm Đồng, mang về cho Thể thao Lâm Đồng rất nhiều huy chương từ các giải quốc gia, khi lớn tuổi ông xin nghỉ chuyển công việc này lại cho thế hệ trẻ hơn. Học trò của ông không ít người theo đuổi nghiệp võ như ông, có người trở thành huấn luyện viên, võ sư, mở võ đường riêng; có không ít học trò của ông hiện nay là thành viên của đội tuyển quốc gia như Nguyễn Phú Hiển trong đội tuyển Muay Thái từng giành Huy chương Bạc tại Sea Games gần đây. Trong đội tuyển võ cổ truyền Lâm Đồng hiện có 2 thành viên là học trò do ông trực tiếp đào tạo tại Đơn Dương là Đinh Nguyễn Huyền Trân và Trần Văn Đạt. 2 VĐV này đã liên tục giành rất nhiều huy chương quốc gia cho đội tuyển võ cổ truyền Lâm Đồng nội dung quyền thuật những năm gần đây, trong đó có cả Huy chương Vàng.
 |
Đinh Nguyễn Huyền Trân - VĐV người Đơn Dương mang rất nhiều huy chương về cho Thể thao Lâm Đồng trong các giải võ cổ truyền quốc gia |
Đánh giá cao những đóng góp của võ sư Nguyễn Việt Hùng trong phong trào võ cổ truyền của tỉnh, võ sư Trương Văn Bảo, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng nhận xét: “Phong trào Võ cổ truyền Lâm Đồng có mạnh lên được như hiện nay là nhờ những thành viên tích cực như võ sư Nguyễn Việt Hùng”. Nhiệt tình, năng động, đam mê, võ sư Nguyễn Việt Hùng đang cùng rất nhiều võ sư trong tỉnh chung sức giữ gìn phát huy di sản võ cổ truyền của người Việt chảy suốt qua các thế hệ.
Viết Trọng