"Tôi muốn thành lập một trung tâm dạy quần vợt tại Việt Nam"

03:04, 02/04/2014

Là một huấn luyện viên (HLV) quần vợt nổi tiếng của Úc từng tham gia đào tạo cho nhiều tay vợt tên tuổi trên thế giới, Michael Baroch cũng là HLV trưởng của đội tuyển Quần vợt Việt Nam trong nhiều sự kiện thể thao lớn gần đây. Nhân Davis Cup diễn ra tại Đà Lạt, chuyên mục Thể thao của Lâm Đồng Cuối tuần đã có dịp trao đổi với ông.

Là một huấn luyện viên (HLV) quần vợt nổi tiếng của Úc từng tham gia đào tạo cho nhiều tay vợt tên tuổi trên thế giới, Michael Baroch cũng là HLV trưởng của đội tuyển Quần vợt Việt Nam trong nhiều sự kiện thể thao lớn gần đây. Nhân Davis Cup diễn ra tại Đà Lạt, chuyên mục Thể thao của Lâm Đồng Cuối tuần đã có dịp trao đổi với ông.
 
PV: Đã từng nhiều lần sang Việt Nam trực tiếp huấn luyện cho đội tuyển Việt Nam, ông nhận xét thế nào về phong trào quần vợt tại Việt Nam hiện nay và đội tuyển Quần vợt quốc gia?
 
HLV Michael Baroch: Tôi cũng chỉ mới làm HLV cho đội tuyển quần vợt Việt Nam trong thời gian không lâu gần đây, phần lớn là các hợp đồng ngắn hạn, như trong đợt chuẩn bị cho Davis Cup lần đầu này là 9 tuần thôi. Tuy nhiên có dịp đi một số nơi trong nước tôi thấy quần vợt đang phát triển tại Việt Nam rất nhanh và tôi tin rằng sẽ có một tương lai rất tốt, ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là lớp trẻ. 
 
Có thể thấy rõ điều này khi hầu hết các thành viên đội tuyển quần vợt Việt Nam hiện nay vẫn còn rất trẻ. Họ rất có tiềm năng, khá chịu khó học hỏi và tập luyện nên sẽ có một tương lai rất tốt. 
 
Vấn đề chính là các em trong đội tuyển cần được tham dự nhiều hơn những giải đấu lớn trong khu vực để có cơ hội tích luỹ kinh nghiệm. Davis Cup là một ví dụ tốt để các em đối mặt với những tay vợt tên tuổi trong khu vực châu Á để biết mình còn thiếu gì, cần chuẩn bị thêm điều gì cho những trận đấu lớn như thế.
 
PV: So với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, vị trí của quần vợt Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Theo ông, cần những điều gì để quần vợt Việt Nam phát triển?
 
Từng về nhì tại giải vô địch trẻ nước Úc rồi trở thành VĐV chuyên nghiệp, Michael Baroch từng tham dự nhiều giải đấu quốc tế lớn. Chuyển qua làm HLV ông là bạn tập của các tay vợt tên tuổi như Guillermo Vilas, Miloslav Mecir…và sau đó phụ việc cho Tony Roche vốn là HLV của rất nhiều tay vợt tầm cỡ như Ivan Lendle , Pat Rafter, Roger Federer, Lleyton Hewitt…. Ông trở nên nổi tiếng khắp nước Úc khi trực tiếp huấn luyện tay vợt Mark Philippousis (người Úc) và Maria Sharapova  người Nga). Với sự dẫn dắt của Baroch, Sharapova đã đăng quang Wimbledon năm 2004 khi mới 17 tuổi. 
Hiện Michael Baroch đang làm việc tại trường đào tạo quần vợt quốc tế ở thành phố Melbourne - Úc Melbourne International Tennis School - MITS). Trường này hiện có một chi nhánh tại Singapore. 

HLV Michael Baroch: Có những yếu tố cơ bản cần có để một môn thể thao phát triển đó là cần có người chơi và có người dạy cùng cơ sở vật chất để tổ chức thành sân chơi. Quần vợt cũng thế, để phát triển được cần có trường dạy với cơ sở vật chất đầy đủ đạt chuẩn để mọi người đến học. Trường dạy cần có thầy tốt để dạy người chơi đúng kỹ thuật ngay từ ban đầu tạo nền tảng cơ bản để sau này học viên có thể phát triển nếu chọn đi theo con đường thể thao. Điều này cũng có nghĩa là rất cần một đội ngũ HLV có trình độ bài bản để huấn luyện cho người chơi, đặc biệt là lớp trẻ. 

Với người học nên bắt đầu sớm, từ khoảng 7 - 8 tuổi càng tốt và cần được dạy đúng kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao từ từ. Cần có một hệ thống phát hiện các tài năng và hệ thống này hoạt động ngay tại các trường học, các trung tâm dạy quần vợt. Các tài năng được phát hiện sẽ được đưa vào đào tạo theo một chương trình riêng phù hợp cho từng cá nhân. 
 
Để phát triển phong trào quần vợt chúng ta cần có một hệ thống giải đấu hằng năm cho từng nhóm tuổi nhất định, được tổ chức rộng rãi, tạo cơ hội cho mọi người mọi lứa tuổi, đặc biệt là lớp trẻ đều có thể tham gia. Thông qua giải đấu để sàng lọc, tuyển chọn VĐV cho các trung tâm đào tạo tài năng tham dự các giải đấu cao hơn. 
 
Để có đội ngũ HLV tốt chúng ta cần có trung tâm đào tạo trong nước và có thể gửi người sang các quốc gia phát triển môn này để học tập rồi về dạy lại. 
 
Và một điều quan trọng là quần vợt cần có thêm nguồn tài trợ. Điều này có nghĩa Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cần có một chiến lược để tiếp cận tìm kiếm thêm các nhà tài trợ mới để hỗ trợ cho quần vợt phát triển bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước. Có tài trợ tốt chúng ta mới có thêm nguồn tài chính để hỗ trợ cho đội tuyển thi đấu, khen thưởng khích lệ tinh thần VĐV, tổ chức tốt các giải đấu quốc gia. 
 
PV: Là một HLV nổi tiếng rất bận rộn, ông có kế hoạch làm việc lâu dài với Quần vợt Việt Nam không?  
 
HLV Michael Baroch: Thông qua một người học trò là người Việt tôi từng dạy quần vợt tại Melbourne nên tôi có quan hệ rất tốt với Liên đoàn Quần vợt Việt Nam hiện nay. Vâng, tôi có ấn tượng tốt về những đợt làm việc cùng đội tuyển quốc gia và rất muốn làm việc lâu dài với quần vợt Việt Nam. 
 
Hiện tôi đang huấn luyện tại trường Quần vợt quốc tế Melbourne (MITS) - nơi tôi đang sinh sống và điều lý thú là có không ít học viên là người Úc gốc Việt đang học tại trường này. Chúng tôi cũng có một chi nhánh của MITS tại Singapore rất đông người học và có cả học viên là người Việt sang đây học. Chính vì vậy tôi đang nghĩ đến việc thành lập một chi nhánh của MITS tại Việt Nam. Tôi biết không ít gia đình tại Việt nam hiện nay nay đã gửi con ra nước ngoài để đào tạo thành ngôi sao quần vợt nên hy vọng nếu hình thành được tại Việt Nam đây sẽ là một địa chỉ đào tạo tốt về quần vợt.
 
Viết Trọng (thực hiện)