
Đó là một cặp đôi yêu khiêu vũ thể thao (Dancesport), muốn thử sức mình ở các giải quốc gia nên tự bỏ tiền dự giải và đã mang về không ít huy chương.
Đó là một cặp đôi yêu khiêu vũ thể thao (Dancesport), muốn thử sức mình ở các giải quốc gia nên tự bỏ tiền dự giải và đã mang về không ít huy chương.
Cặp đôi người Đà Lạt này là anh Nguyễn Thành Long, sinh 1964 và chị Nguyễn Thị Thế 1963, cũng là vợ chồng. Cả hai biết đến khiêu vũ khá muộn, trong chừng chục năm gần đây khi đều đã lớn tuổi. Lúc đầu họ chỉ học khiêu vũ bình thường, học theo phong trào cho vui, nhưng càng tập luyện càng thấy thích và rồi gắn bó với nó.
 |
Cặp đôi Nguyễn Thành Long - Nguyễn Thị Thế và huy chương giành được từ các giải Dancesport trong nước |
“Ban đầu cũng nghĩ học khiêu vũ chỉ để cho khỏe như tập thể dục thôi. Thay vì đi bộ quanh bờ hồ Xuân Hương mỗi vòng hơn 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày như thường lệ, mình đến lớp học khiêu vũ, tập với nhiều người cùng trang lứa mình cho vui. Tập khiêu vũ cũng toát cả mồ hôi như đi bộ vậy. Không chỉ vận động chân tay mà cả mắt nhìn, tai nghe, chân bước theo nhạc, cả người phối hợp với nhau. Khiêu vũ thực chất là một môn thể dục rất tốt” - anh Long kể lại.
Và khi cặp đôi này đã vững trong khiêu vũ cơ bản, họ tiến lên một bước mới: học khiêu vũ thể thao. Khiêu vũ thể thao theo anh Long cũng bắt đầu như khiêu vũ bình thường nhưng thực ra lại khác hơn rất nhiều. Với khiêu vũ bình thường, người học chỉ cần học cơ bản để có thể giao tiếp xã hội là đủ, nếu thích thì có thể học nâng cao, không lấy thi đấu hay thử tài cao thấp hơn thua làm trọng. Còn khiêu vũ thể thao lại là môn để thi đấu, mang tính biểu diễn cao với điều luật chặt chẽ. Khiêu vũ thể thao được nhiều quốc gia đưa vào danh mục thi đấu chính thức trong các giải quốc gia, có đội tuyển dự những giải quốc tế lớn.
Dễ nhận thấy nhất của khiêu vũ thể thao so với khiêu vũ bình thường chính là các động tác khác nhau hoàn toàn: nhanh hơn, mạnh hơn, phức tạp và đa dạng hơn. Người chơi như một VĐV thể thao với cường độ hoạt động rất lớn. Nhạc nền cũng khác hơn. Nói cách khác đây vẫn là một bộ môn mang tính nghệ thuật nhưng đã tiến rất gần với thể thao.
Theo ông Long, khiêu vũ thể thao hiện nay như qui định của Liên đoàn Khiêu vũ thể thao quốc tế chia thành 2 nhóm lớn với 10 điệu nhảy. Nhóm thứ nhất theo phong cách cổ điển (standard) của châu Âu với 5 điệu nhảy: Tango, Valse, Valse chậm (Slow Valse), Quick Step và Foxtrot. Nhóm còn lại theo phong cách Latin với các điệu Rumba, Chachacha, Jive, Samba và Paso Double. Trong khi nhóm đầu tiết tấu có chậm hơn thì nhóm hai lại nhộn nhịp hơn và cả hai nhóm đều mang phong cách rất hiện đại.
Năm 2010 cặp đôi này bắt đầu bỏ tiền túi thử tham dự các giải đấu quốc gia. “Thì mình cũng đam mê, muốn xem thử khả năng của mình đến đâu chứ dự giải rất tốn kém. Dự thi phải có trang phục đẹp, phù hợp với vóc dáng rồi còn chi phí ăn ở, đi lại.” - chị Thế cho biết. Trước đó, cả hai vợ chồng này đã khăn gói xuống TP HCM, trung tâm lớn của cả nước về khiêu vũ thể thao để tìm thầy học. Theo anh Long, việc “tầm sư học đạo” này không hề rẻ chút nào, được tính theo giờ, mỗi giờ tùy theo thầy dạy. Anh chị lại tập các bài theo nhóm Latin nên rất cần người dạy truyền được những bước nhảy sáng tạo.
Và rồi công phu tập luyện của cặp đôi này đã không uổng phí. Tại giải Khiêu vũ thể thao quốc gia tổ chức ở TP HCM năm 2011, anh chị đã lọt vào vòng chung kết, đứng thứ 3, giành được Huy chương Đồng lứa tuổi trung niên. Năm 2012 tại giải Khiêu vũ thể thao ở Đak Lak rất đông VĐV cả nước về dự, anh chị vươn lên vị trí thứ nhì, giành Huy chương Bạc trong nhóm tuổi của mình. Cũng trong năm này, anh chị còn giành chức vô địch giải “Bước nhảy doanh nhân” của TP HCM tổ chức với tấm Huy chương Vàng. Trong năm 2013 vừa qua, cặp đôi này lại giành Huy chương Đồng Cúp Dancesport TP HCM mở rộng cho lứa tuổi trung niên.
Chơi được khiêu vũ thể thao theo anh Long thật ra không khó, nhưng để giành thứ hạng trong các cuộc thi quốc gia thì người dự thi cần có quyết tâm rất lớn. “Mất nhiều thời gian để tập luyện cùng nhau, phải hiểu ý nhau, mỗi người không chỉ tập cho mình mà còn tập luyện chung với nhau, phối hợp nhịp nhàng với nhau từng bước nhỏ. Phải đam mê và có chút năng khiếu thì mới làm được”.
Khiêu vũ thể thao hiện đang phát triển rất mạnh tại các thành phố lớn trong nước hiện nay. Hà Nội và TP HCM hằng năm vẫn có các giải Dancesport cho nhiều lứa tuổi. Tại Lâm Đồng, trong khi phong trào học khiêu vũ bình thường đang phát triển khá mạnh trong tỉnh thì số người học chơi khiêu vũ thể thao không nhiều và môn chơi này vẫn chưa phổ biến”. Cần thời gian khổ luyện, mức độ luyện tập khó nên người tập rất dễ nản chí” - anh Long cười.
Nhưng có một lý do khác thuộc về người tập luyện. Đến với khiêu vũ hiện nay người chơi chủ yếu ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt là giới nữ. Họ học khiêu vũ như môn thể dục, nhằm giữ sức khỏe, giữ vóc dáng, tìm kiếm một điểm giao lưu sinh hoạt văn hóa với mọi người, không phải đi học để thi thố. Trong khi đó, lứa tuổi tiếp nhận khiêu vũ thể thao tốt nhất là ở lứa tuổi thiếu niên, lớp trẻ mà lớp trẻ trong các điểm sinh hoạt khiêu vũ hiện nay chỉ tại Đà Lạt thôi cũng là rất hiếm nếu không nói là hầu như không có.
Là một thành phố du lịch, Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung theo anh Long cần có một sân chơi bài bản cho môn nghệ thuật lẫn thể thao này. Rất nhiều du khách đến đây vẫn thường than phiền rằng ban đêm thường không biết đi chơi ở đâu. Nếu được tổ chức tốt đây sẽ là những điểm thu hút du khách về đêm. Và là một thành phố của thi ca và lãng mạng, Đà Lạt sẽ là một địa điểm lý tưởng để tổ chức các giải Dancesport quốc gia hằng năm. Muốn được như vậy, Lâm Đồng cần phát triển môn này tại địa phương và những người tiên phong như anh Long chị Thế sẽ là hạt nhân rất tốt để thúc đẩy phong trào.
Gia Khánh