Gắn bó với võ cổ truyền dân tộc, cả ba hãy còn rất trẻ nhưng đã vươn đến tầm quốc gia với những tấm huy chương lấp lánh.
Gắn bó với võ cổ truyền dân tộc, cả ba hãy còn rất trẻ nhưng đã vươn đến tầm quốc gia với những tấm huy chương lấp lánh.
![]() |
Lê Thị Thu Nguyên |
Mới 12 tuổi (sinh 2001) nhưng đã sở hữu một bộ sưu tập với 10 huy chương (HC) đủ vàng, bạc, đồng từ các giải quốc gia: đó là VĐV nhí Lê Thị Thu Nguyên, học sinh lớp 6 Trường THCS Hùng Vương Bảo Lộc.
Là con nhà nòi, bố là võ sư Lê Dũng ở võ đường Nhân Trí Dũng tại Bảo Lộc dạy võ Bình Định (Tây Sơn Bình Lâm Đạo), Thu Nguyên học võ từ lúc 5 tuổi. 6 tuổi đi thi đấu, 7 tuổi đoạt được HC quốc gia. Đó là năm Thu Nguyên đang học lớp 1, được bố đưa đi thi quyền và binh khí tại Giải Trẻ quốc gia tổ chức ở Quảng Ngãi. Tại giải Thu Nguyên đã gây ngạc nhiên khi đoạt liền một lúc 3 HC trong đó có 1 HC Vàng. Năm 2009, tại Giải Trẻ quốc gia lứa tuổi 6 - 9, với bài Roi mềm và “Lão Hổ Thượng Sơn” Thu Nguyên tiếp tục giành được 1 tấm HC Bạc và 1 Đồng. Năm 2010, võ sĩ nhí tiếp tục chinh phục giải đấu trẻ này tại Huế ở lứa tuổi lớn hơn, 9 - 11 tuổi, với tấm HC Vàng cho bài quyền “Lão Mai”. Năm 2011, ở giải trẻ Cần Thơ, Thu Nguyên với bài “Tam Đoạn Thiết Lưỡng Côn” giành 2 HC, một Vàng, 1 Bạc. Năm 2012 vừa qua, cũng trong lứa tuổi 9-11, Thu Nguyên giành 2 HC Vàng cho 2 bài biểu diễn quyền “Thiết Lưỡng Côn” và binh khí “Ngu Giác Quải”.
“Cháu rất có khiếu về võ thuật, tiếp thu bài rất nhanh, biết cách thi đấu, rất siêng năng tập luyện”- võ sư Lê Dũng cho biết. Là học sinh giỏi của lớp, thành viên của Đội năng khiếu Võ Cổ truyền Lâm Đồng, hằng ngày ngoài giờ học lúc rảnh rỗi Nguyên lại tập luyện với bố vốn là HLV phó của Đội tuyển Võ Cổ truyền Lâm Đồng. Cũng nói thêm, anh ruột của Thu Nguyên cũng từng đoạt HC Vàng nội dung đối kháng nam ở Giải vô địch Võ Cổ truyền quốc gia năm 2007 hạng cân 48 kg, hiện đang đi học tại TP HCM. Cô ruột của Thu Nguyên, em võ sư Lê Dũng, là Lê Thị Thuỷ Tiên cũng là một VĐV trong Đội tuyển Võ Cổ truyền Lâm Đồng từng đoạt rất nhiều HC tại các giải quốc gia, hiện cũng đang học Đại học TDTT tại TP HCM.
Với Đinh Nguyễn Huyền Trân (sinh 1993) người Thạnh Mỹ, Đơn Dương đó lại là một câu chuyện khác. Không phải con nhà nòi vì ở nhà cha mẹ đều là nông dân, các anh chị chả ai biết võ. Năm học lớp 5 Huyền Trân xin cha mẹ đi học võ cổ truyền Bình Định, trường phái Tân Khánh - Bà Trà tại Võ đường Việt Hùng gần nhà. Lý do đưa ra: tập cho khoẻ vì người vốn ốm yếu và cũng để phòng thân tự vệ vì là con gái.
Đinh Nguyễn Huyền Trân |
Nhưng càng học Huyền Trân càng thấy thích và bộc lộ năng khiếu võ thuật của mình. Năm 2007, Võ đường Việt Hùng đưa Huyền Trân dự giải tỉnh. Với bài quyền “Lão Mai”, Huyền Trân đã giành tấm HC Bạc cấp tỉnh đầu tiên. Được chọn đại diện tỉnh tham dự Giải khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2008, Huyền Trân đã mang về một lúc 2 tấm HC Vàng cho Lâm Đồng trong nội dung quyền thuật. Từ 2009 đến 2011, trong các giải trẻ quốc gia và giải quốc tế Võ Cổ truyền, Huyền Trân đã giành thêm 9 HC trong đó có 2 HC Vàng. Trong năm 2012 vừa qua, tại Giải vô địch Võ Cổ truyền quốc gia - giải đấu cao nhất nước đầy tính cạnh tranh, với 2 bài quyền “Lão Mai” (tay không) và “Thủ Chảo Xuyên Sơn”, Huyền Trân đã mang về 2 tấm HC Bạc cho Thể thao Lâm Đồng. Cũng nội dung này tại Giải quốc tế Võ Cổ truyền tại TP HCM trong tháng 7/2012 sau đó, Huyền Trân giành thêm 1 HC Vàng, 1 HC Bạc.
Theo Huyền Trân, bí quyết lớn nhất để giành huy chương tại các kỳ thi chính là… tập luyện. Chịu khó tập từng động tác, từng thế đứng tấn, cách ra đòn, cách di chuyển, cách phối hợp các động tác với nhau. Chịu khó học hỏi từ thầy, học từ người cùng thi với mình để làm sao bài biểu diễn của mình hay hơn, độc đáo hơn. Để được như thế người luyện võ cần có thể lực, sức bền và kỹ thuật đánh đúng ý mình muốn, đòn tung ra có đủ sức mạnh, tốc độ… Và trên hết theo Trân là phải hiểu và diễn đúng “thần” của bài quyền, đánh có hồn, kết hợp ánh mắt, vẻ mặt với từng động tác để tạo sức hút với mọi người chung quanh.
Khuôn mặt trẻ ưu tú còn lại mà chúng tôi muốn giới thiệu chính là Kơ Sá Ha Phi, thành viên người dân tộc thiểu số duy nhất của Đội tuyển Võ Cổ truyền Lâm Đồng hiện nay. Sinh năm 1991, người K’Ho thôn 2, xã Tà Nung, Đà Lạt, mê võ thuật từ nhỏ nhưng Ha Phi đến với võ cổ truyền khá muộn “vì ở Tà Nung chẳng ai dạy cả”. Mãi đến năm học lớp 12, Ha Phi mới được phép gia đình đi học võ ở Đà Lạt. Chiều chiều Ha Phi rủ thêm các bạn đi học cho vui, chạy xe máy từ nhà vượt đèo Tà Nung ra Đà Lạt, cả đi lẫn về chặng đường dài chừng 30 km, ngày nắng cũng như mưa. Trong khi các bạn dần rút lui vì ngại đường xa thì Ha Phi vẫn kiên trì với lòng yêu thích của mình.
Kơ Sá Ha Phi |
Năm 2010, khi được cử tham dự Giải võ cổ truyền tỉnh, Ha Phi đã giành HC Đồng trong nội dung đối kháng 45-48 kg. Được cử tham dự giải khu vực Tây Nguyên Ha Phi đã mang về tấm HC Bạc đối kháng hạng cân 48 kg. Năm sau đó, Ha Phi giành HC Vàng đối kháng hạng cân 48 kg giải vô địch tỉnh. Khi tham dự giải quốc gia nội dung này, Ha Phi đoạt HC Đồng. Trong năm 2012 vừa qua, Ha Phi chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc của mình tại sàn đấu quốc gia khi vào đến trận chung kết hạng cân 45 kg, giành HC Bạc. Sau đó anh còn giành thêm một HC Bạc đối kháng 45 kg giải vô địch quốc gia Kick Boxing, một môn võ khá gần với Võ Cổ truyền.
Theo ông Hồ Tuấn Linh, HLV trưởng Đội tuyển Võ Cổ truyền Lâm Đồng, Đội tuyển Võ Cổ truyền tỉnh hiện có 15 thành viên ở cả 3 tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển, trong đó 3 khuôn mặt trên là những thành viên ưu tú nhất của đội vì thành tích thi đấu rất ổn định trong giải quốc gia những năm gần đây. “Cả 3 VĐV vẫn còn rất trẻ, thời gian thi đấu giải quốc gia còn rất dài. Thu Nguyên, Huyền Trân có ưu thế về quyền thuật; Ha Phi rất mạnh trong đối kháng và những VĐV này nếu chịu khó tập luyện bài bản sẽ còn tiến rất xa”. Cùng với ngành TDTT Lâm Đồng, Võ Cổ truyền Lâm Đồng với nòng cốt là Huyền Trân, Ha Phi cùng một số thành viên khác đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Trong 3 khuôn mặt trên, đã có hai đến nay muốn gắn bó lâu dài với võ thuật dân tộc. Huyền Trân cho biết đang học thêm 1 nghề song song với nghiệp võ “Có thể mai này sẽ tham gia huấn luyện”. Còn Ha Phi đang mong muốn ngày nào mở một phòng tập giới thiệu Võ Cổ truyền cho lớp trẻ tại xã Tà Nung của mình. Riêng Thu Nguyên, gắn bó với võ, thích võ như thế nhưng cô bé lại hồn nhiên: “Võ chỉ để tự vệ, lớn lên cháu thích làm luật sư”.
VIẾT TRỌNG