Năm thành công của võ thuật Lâm Đồng

04:01, 16/01/2013

Với 49 huy chương mang về từ các giải quốc gia trong đó có 10 Vàng, năm 2012 vừa qua có thể coi là một năm thành công của các bộ môn võ thuật Lâm Đồng.

Với 49 huy chương mang về từ các giải quốc gia trong đó có 10 Vàng, năm 2012 vừa qua có thể coi là một năm thành công của các bộ môn võ thuật Lâm Đồng.

Bên cạnh Võ cổ truyền, tại Lâm Đồng hiện nay đã có mặt hầu hết các môn võ đang lưu hành trong nước như Vovinam, Judo, Karatédo, Taekwondo, Aikido, Pencak Silak, Boxing và Kickboxing... Theo thống kê của Liên đoàn Võ thuật Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 92 võ đường, câu lạc bộ, 271 võ sư, huấn luyện viên, 7.200 võ sinh thường xuyên tập luyện ở những bộ môn trên. Con số này chỉ tính các thành viên trong Liên đoàn, chưa tính bộ môn Karatédo.

Taekwondo Lâm Đồng đang phát triển rất mạnh trong giới trẻ trường học
Taekwondo Lâm Đồng đang phát triển rất mạnh trong giới trẻ trường học


Mạnh nhất trong các bộ môn võ thuật trên là Võ cổ truyền. Trong vài năm trở lại đây khi nội bộ thống nhất, Võ cổ truyền Lâm Đồng đã có những khởi sắc rất đáng kể: phát triển đều, rộng khắp trong tất cả các huyện thành kể cả vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 36 võ đường với 36 võ sư, 19 chuẩn võ sư, 89 huấn luyện viên (HLV) quốc gia cùng gần 2.200 môn sinh đang tập luyện. Hầu hết các võ sư, chuẩn võ sư, HLV này đều đã vượt qua các kỳ kiểm tra nghiêm nhặt cấp quốc gia, được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cấp bằng. Các phòng tập trong tỉnh để hoạt động đều phải hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định. Hằng năm,Võ cổ truyền Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các kỳ kiểm tra nâng đai cho môn sinh, cử các VĐV giỏi dự giải khu vực và quốc gia. Trong tổng số 49 huy chương (HC) Võ thuật Lâm Đồng đạt được trong năm 2012 từ các giải quốc gia, Võ cổ truyền có 30 HC trong đó có 6 HC Vàng.

Một bộ môn khác phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây tại Lâm Đồng sau một thời gian im ắng khá lâu là Vovinam. Trước đây, Vovinam Lâm Đồng rất mạnh trong nước, từng giành nhiều HC từ các giải quốc gia hằng năm. Với việc Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép phát triển bộ môn này trong trường học gần đây, Vovinam Lâm Đồng hiện đang hướng đến học đường với nhiều phòng tập, CLB Vovinam được thành lập trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại Đà Lạt, Bảo Lộc, đặc biệt là ở trong các trường phổ thông. Điểm thuận lợi của môn võ này là có không ít các giáo viên dạy thể dục tại các trường học là môn sinh của Vovinam nên dạy chính khoá môn võ này, do đó lượng môn sinh tăng rất nhanh. Theo Vovinam Lâm Đồng toàn tỉnh hiện có 27 CLB hoạt động với 116 võ sư, HLV, hướng dẫn viên cùng trên 2.000 võ sinh thường xuyên tập luyện. Trong năm 2012 Vovinam Lâm Đồng giành được 2 HC Đồng tại Hội khoẻ Phù Đổng Quốc gia ở Cần Thơ.

Một bộ môn hoạt động ổn định lâu nay tại Lâm Đồng chính là Taekwondo. Không chỉ thống nhất về tổ chức và chuyên môn, Taekwondo Lâm Đồng phát triển rất mạnh trong học đường ở tất cả các huyện thành trong tỉnh, có thành tích tương đối ổn định tại các giải quốc gia, giải trẻ, giải sinh viên học sinh. Hiện này bộ môn này có 12 đơn vị thành viên tại các huyện thành, 20 CLB trực thuộc, 30 võ sư, HLV, khoảng 1.500 võ sinh và gần 1.200 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh tập luyện. Hằng năm, Taekwondo tổ chức rất nghiêm túc các cuộc thi nâng đai, nâng đẳng, cử các võ sư, HLV tham dự các đợt tập huấn quốc gia, cử người làm trọng tài các giải trong nước. Năm 2012, Taekwondo Lâm Đồng giành được 26 HC từ các giải quốc gia và khu vực, trong đó bội thu nhất khi giành được 13 tấm HC Vàng tại giải học sinh khu vực miền Trung.

Judo (Nhu đạo) cũng đang dần khẳng định mình trở lại. Từng một thời là trung tâm Nhu đạo mạnh của miền Nam, Judo Lâm Đồng hiện nay đang trên hành trình tìm lại vinh quang ngày xưa nhưng cái khó để có thể phát triển rộng là môn võ này cần phải có cơ sở vật chất đầy đủ với những trang bị đặc thù cho bộ môn. Hiện Judo Lâm Đồng chỉ có 3 phòng tập tại Đà Lạt với 24 võ sư, HLV trong đó có 4 trọng tài quốc gia cùng khoảng 160 võ sinh. Điều đáng mừng là liên tục những năm gần đây bộ môn này luôn giành được HC từ các giải trẻ quốc gia. Năm 2012 vừa qua, Judo Lâm Đồng có 1 HC Vàng, 1 Bạc và 5 Đồng từ giải trẻ - thiếu niên toàn quốc. Đội tuyển trẻ - năng khiếu Judo của tỉnh vẫn đang tập luyện rất tốt nhưng có lẽ đến lúc cần có một sự đầu tư dài hơi hơn cho bộ môn này nếu muốn giành được những tấm HC từ sàn đấu vô địch quốc gia cho lứa tuổi lớn hơn.

Bên cạnh Karatedo cũng phát triển tốt trong học đường còn có những bộ môn khá lặng lẽ như Aikido, Pencak Silak. Aikido lâu nay chỉ phát triển ở Đà Lạt với 3 phòng tập nhỏ, 11 võ sư, HLV cùng trên 70 môn sinh. Là môn võ độc đáo với chủ trương rèn luyện và phát triển nhân cách toàn diện cho võ sinh, Aikido đang cố gắng duy trì phong trào và góp tiếng nói của mình trong võ thuật Lâm Đồng. Tương tự Aikido, Pencak Silak, một môn võ gần với võ cổ truyền Việt Nam hiện cũng chỉ có khoảng 80 võ sinh tập luyện với 6 HLV ở 2 phòng tập tại Đà Lạt. Môn võ này đang cố gắng đào tạo thêm HLV, trọng tài, tuyển chọn VĐV tham dự các giải đấu quốc gia.

So với Boxing (Quyền Anh) thì Kick Boxing chỉ phát triển gần đây nhưng có lượng môn sinh nhiều hơn. Boxing đang được tập luyện tại 4 phòng tập trong tỉnh với 4 HLVvà gần 50 người học, trong khi đó Kick Boxing đã có trên 250 môn sinh trong cả tỉnh do bộ môn này khá gần với Võ cổ truyền Việt Nam. Tại giải toàn quốc năm 2012, Boxing Lâm Đồng giành được 2 HC Đồng còn Kick Boxing khi tham gia giải CLB toàn quốc trong tháng 3/2012 tại Quảng Ngãi cũng giành được 2 HC Bạc, 2 Đồng.

Có thể thấy sự nỗ lực và đóng góp rất lớn của các bộ môn võ thuật cho phong trào thể thao chung của tỉnh. Không chỉ phát triển phong trào, số lượng HC đạt được từ các giải quốc gia những năm gần đây đã tăng lên rất nhanh, trong đó có cả HC Vàng vô địch quốc gia. Cần lưu ý rằng hầu hết các võ sư, HLV trong các bộ môn hiện nay nói chung hoạt động theo hình thức xã hội hoá, bán chuyên nghiệp, bên cạnh võ thuật họ còn phải mưu sinh, làm việc nuôi sống gia đình. Rất nhiều võ sư, HLV dù rất muốn nhưng không đủ điều kiện về tài chính cũng như cơ sở vật chất để nâng cao hơn trình độ chuyên môn cho các VĐV thi đấu giải toàn quốc. Chính vì vậy, họ đang rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn của ngành chức năng các cấp, nhất là về kinh phí để họ có thể tập trung huấn luyện lâu hơn cho đội tuyển tỉnh khi được cử tham dự giải toàn quốc; được tạo điều kiện để họ tham gia các lớp huấn luyện quốc gia hằng năm (vì mỗi bộ môn hiện nay hằng năm chỉ được hỗ trợ có 2 người).

VIẾT TRỌNG