Trong 3 năm gần đây trung bình mỗi năm Trung tâm TDTT Đức Trọng đã huy động gần 200 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các giải thể thao phong trào trong huyện.
Trong 3 năm gần đây trung bình mỗi năm Trung tâm TDTT Đức Trọng đã huy động gần 200 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các giải thể thao phong trào trong huyện.
Một trong những cái khó cho hầu hết các Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp huyện, thành trong tỉnh lâu nay là thiếu kinh phí hoạt động. Hằng năm, căn cứ vào tỷ lệ dân cư, nhà nước sẽ cấp một khoản kinh phí cho các trung tâm tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, TDTT trên địa bàn. Căn cứ vào nguồn kinh phí này các trung tâm sẽ lên lịch hoạt động cho mình trong năm. Nguồn tiền cấp như thế thường không lớn nếu không nói là rất hạn hẹp nhưng nhiệm vụ được giao cho Trung tâm lại không nhỏ chút nào: phải làm sao tổ chức được các giải thể thao định kỳ tại địa phương, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết; phải cử đại diện tham gia các giải thi đấu cấp tỉnh, đồng thời khi cần còn có thêm nhiệm vụ hỗ trợ cho các hoạt động phong trào ở cấp xã, phường.
Cầu lông là bộ môn tiên phong tại Đức Trọng trong việc tổ chức giải bằng kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa |
Thiếu tiền nên trong thực tế không ít các huyện trong tỉnh đầu năm dồn sức hoạt động, giữa năm giảm dần đến cuối năm thì chả thấy động tĩnh gì. Khi được hỏi nhiều trung tâm lắc đầu mỉm cười: “hết tiền, có muốn cũng không làm gì được”. Tương tự ở các giải tỉnh, mỗi huyện đều cố “liệu cơm gắp mắm” cử một số đoàn dịp đầu năm ở những môn mình mạnh, các môn khác không đủ lực không cử đi, còn cuối năm khi trung tâm các huyện hết tiền, các giải tỉnh cứ vắng hoe. Thậm chí có đơn vị đã đăng ký nhưng đến giờ chót báo lên… không đi được, buộc Ban tổ chức phải hoãn hoặc dời giải lại. Tuy nhiên, đã có những đơn vị dần giải được bài toán khó này. Một trong những đơn vị như vậy chính là Trung tâm Văn hóa Thể thao (VH TT) Đức Trọng.
Theo Trung tâm VH TT Đức Trọng, tổng kinh phí hằng năm được cấp cho các hoạt động thể thao tại địa phương là 400 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 60% số tiền này (khoảng 240 triệu đồng) phải dành để chi lương và các khoản đóng góp theo qui định cho cán bộ người lao động của mình, tiết kiệm thêm 10% để chi cho các hoạt động thường xuyên, chỉ còn khoảng 30% con số này (khoảng 100 triệu đồng) để chi cho các hoạt động thể thao và sân bãi. Số tiền này theo ông Phan Hồng Thu, Giám đốc Trung tâm VHTT Đức Trọng, chỉ tổ chức khoảng 5 giải thi đấu trên tinh thần tiết kiệm triệt để và nếu được sẽ chia ra để chi thêm cho một vài đoàn VĐV tham dự giải tỉnh mà thôi. Trong khi đó, Đức Trọng là địa phương có phong trào TDTT khá mạnh với rất nhiều môn phát triển như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… với các giải thi đấu hằng năm. Trong số các giải này có những giải có quy mô khá lớn, đông VĐV tham dự như giải bóng đá huyện, giải cầu lông… “Để tổ chức được các giải thi đấu thể thao đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân với nguồn ngân sách hạn hẹp như thế buộc chúng tôi phải tìm cách xoay xở bằng cách vận động thêm các nguồn lực từ xã hội” - ông Thu cho biết.
Để vận động được các cá nhân, tổ chức, các Mạnh Thường Quân có năng lực duy trì được việc hỗ trợ và trở thành người đồng hành với các giải đấu thể thao của địa phương, theo ông Thu, việc đầu tiên Trung tâm phải làm là tổ chức thật tốt mọi hoạt động của giải, đặc biệt chú trọng vào chất lượng giải để tạo uy tín và giá trị cho từng bộ môn. Từng bước trong nhiều năm nay trung tâm đã dần xây dựng được niềm tin cho các nhà tài trợ bằng chất lượng hoạt động của mình nên qua từng năm số tiền tài trợ này đã dần tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong năm 2010, Trung tâm đã vận động được 114 triệu đồng; năm 2011 vận động được gần 120 triệu trong đó đã có những giải lớn hoàn toàn tổ chức bằng kinh phí xã hội hóa. Năm 2012 này, Trung tâm vận động được 260 triệu đồng. Số tiền này cộng với kinh phí nhà nước, Trung tâm trong năm qua đã tổ chức tại huyện 11 giải cấp huyện, trong đó có những giải rất lớn như giải bóng đá nam 11 người với 21 đội tham dự, giải cầu lông huyện mở rộng với 120 VĐV, giải bóng chuyền 12 đội tham gia. Đức Trọng trong năm 2012 cũng đăng cai và tổ chức thành công 3 giải cấp tỉnh tại địa phương, cử các đoàn vận động viên của mình tham dự 21 giải cấp tỉnh.
Theo Trung tâm VHTT Đức Trọng, khi các Mạnh Thường Quân đồng ý tài trợ cần có hợp đồng ký kết cụ thể trong đó nêu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Trong quá trình tổ chức giải cần thống nhất giữa Ban tổ chức giải và nhà tài trợ về cách thức tiến hành giải, minh bạch mọi chi phí tổ chức để hai bên đều biết, có báo cáo quyết toán tài chính công khai trong đó nêu rõ kinh phí vận động đã được dùng vào mục đích gì. Để thể hiện sự tôn trọng nhà tài trợ khi khai mạc cũng như bế mạc cần dành thời gian cho nhà tài trợ phát biểu, mời cùng tham gia trao giải thưởng, tặng cúp lưu niệm, tặng hoa, giấy khen của UBND huyện cho nhà tài trợ. Đặc biệt, công tác quảng bá thương hiệu của đơn vị tài trợ phải được chú ý đúng mức, trang trí phù hợp, bắt mắt nhằm mang lại hiệu quả trong tuyên truyền. Sau mỗi giải cần có thư cảm ơn của Ban tổ chức, Trung tâm VHTT đối với các nhà tài trợ. “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải thể hiện sự tôn trọng đúng mức các nhà tài trợ dù họ tài trợ nhiều hay ít cũng vậy. Chúng tôi không chỉ làm tốt công tác tổ chức giải thi đấu trong mỗi lần có giải mà còn phải duy trì mối quan hệ này hướng đến lâu dài, vì lợi ích hai bên. Trong các dịp lễ, tết các sự kiện của các đơn vị tài trợ cần kịp thời quan tâm, tặng quà lẫn nhau thể hiện tình cảm của đơn vị mình với nhà tài trợ để họ cùng đồng hành với chúng tôi trong những lần tổ chức tiếp theo” - ông Thu cho biết.
Nhờ làm tốt những bước trên, không ít giải đấu hiện nay tại Đức Trọng đã có những nhà tài trợ chính trong nhiều năm liền, điển hình như giải cầu lông toàn huyện trong 3 năm qua với 2 nhà tài trợ chính cùng 4 nhà đồng tài trợ. Sau mỗi mùa giải các nhà tài trợ này đã cam kết hỗ trợ tiếp cho năm đến với một khoản kinh phí nhất định, tối thiểu cũng bằng mức tài trợ mùa giải cũ. Không chỉ ở môn cầu lông, hiện nay Trung tâm VH TT Đức Trọng đang tính đến xã hội hóa các môn khác như bóng chuyền, bóng đá, quần vợt và Billiards.
Cũng nói thêm một chút, từ xã hội hóa thể thao, Trung tâm VHTT Đức Trọng hiện nay còn vận động xã hội hóa cho công tác văn hóa nghệ thuật và tuyên truyền. Cụ thể, trong năm 2012 vừa qua, Trung tâm đã vận động được 60 triệu từ các nhà tài trợ để tổ chức liên hoan các CLB Văn hóa toàn huyện ở 3 cụm xã; vận động được Viettel Lâm Đồng hỗ trợ 96 triệu đồng cho công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
VIẾT TRỌNG