Cả ba đều là những CLB xã hội hoá mạnh của địa phương mình, cùng chung cách thức hoạt động, cùng có những thuận lợi và khó khăn như nhau.
Cả ba đều là những CLB xã hội hoá mạnh của địa phương mình, cùng chung cách thức hoạt động, cùng có những thuận lợi và khó khăn như nhau.
Đó là các CLB Bình Minh, Dã Quỳ tại Đà Lạt và CLB Minh Quân tại Bảo Lộc, 2 địa phương có phong trào cầu lông phát triển của tỉnh. Theo Liên đoàn Cầu lông Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện nay chính thức có 13 CLB đang hoạt động, trong đó Bảo Lộc có 3 CLB, Đức Trọng có 2 CLB, còn lại là của Đà Lạt. (Nhiều địa phương trong tỉnh có phong trào cầu lông mạnh, nhiều nhóm cầu lông hoạt động nhưng chưa đăng ký thành lập với Liên đoàn). Mạnh nhất tại Đà Lạt và cả tỉnh hiện nay là CLB Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng, nhưng đây là CLB của một Cty có tiềm lực tài chính mạnh, quy tụ được những tay vợt mạnh trong và ngoài tỉnh về thi đấu trong màu áo mình nhằm quảng bá hình ảnh của Cty. Các CLB còn lại là những CLB theo mô hình xã hội hoá, mọi người ai thích cứ đến đăng ký làm thành viên, hằng tháng hằng quý nộp hội phí theo quy định (thường là số tiền không lớn, chừng vài mươi nghìn đồng), cùng góp tiền để mua cầu chơi chung, trả tiền thuê sân bãi...
Các thành viên CLB Bình Minh Đà Lạt tham dự giải cầu lông mở rộng tỉnh trong tháng 12/2012 |
Trong 3 CLB trên, đông hội viên nhất là CLB Bình Minh với gần 50 hội viên; 2 CLB Dã Quỳ và Minh Quân còn lại chừng trên 30 hội viên. Cả ba đều được thành lập trong khoảng 3 năm nay sau khi Liên đoàn Cầu Lông tỉnh hình thành, nhưng trước đó, đây là những nhóm chơi thể thao hình thành từ rất lâu. Chẳng hạn như CLB Bình Minh của Đà Lạt, rất nhiều thành viên của CLB đã cùng tập luyện thi đấu với nhau trong vòng 15 năm, cứ mỗi ngày từ 5 đến 7 giờ sáng họ lại tập trung tại một điểm nào đó để cùng chơi. Khi thành lập CLB, các thành viên đã lấy ngay cái tên Bình Minh (buổi sáng) cho tiện gọi. Tương tự, các thành viên của CLB Minh Quân tiền thân là CLB Cầu lông Bảo Lộc sau đã tách thành các CLB mới theo sân, theo địa bàn.
Điểm thuận lợi của các CLB này như ông Hoàng Huy Liệu, CLB Dã Quỳ nhận xét, là mọi người tự đến với nhau. Hội viên ban đầu hầu hết là những người muốn rèn luyện nâng cao sức khoẻ, chọn cầu lông vì dễ chơi, một môn thể thao bình dân, không kén người chơi, chơi ngoài sân hay trong nhà cũng được. Đặc biệt, Lâm Đồng mưa quanh năm, trời lạnh nên chọn môn chơi trong nhà như cầu lông cho tiện. Cầu lông cần có bạn cùng chơi, thi đấu có thắng có thua mới vui. “Chơi lâu dẫn đến mê, ngày nào không đi thấy thiêu thiếu” - ông Liệu cười vui. Đến với nhau vì muốn nâng cao sức khoẻ, niềm vui, trên tinh thần tự nguyện nên các CLB có không khí rất hoà đồng, dù bất kể hội viên ở thứ bậc nào trong xã hội, từ nông dân làm vườn, người lao động đến cán bộ, công chức, người về hưu, học sinh sinh viên… Đông nhất tại các CLB hiện nay vẫn là lớp tuổi từ 30 trở lên, đặc biệt là những người về hưu vì có thời gian.
Chơi lâu với nhau nên các CLB hoạt động rất nề nếp. Lịch tập luyện hằng ngày được các hội viên thống nhất. Hằng năm, các CLB có giải đấu nội bộ với nhau, cử các thành viên tham gia giải địa phương, giải tỉnh, tổ chức các chuyến giao lưu với các CLB khác trong và ngoài tỉnh. Ông Võ Đình Tuấn, Chủ nhiệm CLB Bình Minh cho biết: “Chúng tôi hằng năm trong tháng 5 đều có giải nội bộ CLB, chủ yếu là để mọi người thi đấu với nhau. Trong hè mọi người cùng đóng góp để tổ chức các chuyến giao lưu thi đấu với các CLB trong tỉnh như Bảo Lộc, Đức Trọng, đi ra các tỉnh ngoài thi đấu với các CLB tại Nha Trang, Ban Mê Thuộc, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM… Các chuyến đi hằng năm đều lên lịch trước để vận động mọi người nên các thành viên hưởng ứng rất nhiệt tình, cùng đóng tiền, thuê xe chung để đi. Có người dù bận rộn mua bán kinh doanh nhưng vẫn cố gắng thu xếp công việc để cùng đi, khi đi còn đăng ký cho cả gia đình đi cùng”. Còn theo bà Nguyến Thị Kim Huệ, Chủ nhiệm CLB Cầu lông Minh Quân: “Là một CLB xã hội hoá nên chúng tôi phải tự xoay xở cho mọi hoạt động và chúng tôi có rất nhiều hoạt động trong năm. Khi có giải cấp tỉnh ở Đà Lạt chẳng hạn, các hội viên phải tự đóng góp vào chia nhau tiền xe, tiền ăn ở. Chúng tôi cũng cố gắng đi vận động các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ nhưng được không nhiều, trước nhất tự mình phải lo cho mình”.
Điều khó khăn nhất hiện nay cho các CLB xã hội hoá này là sân bãi tập luyện. CLB Bình Minh đang thuê hội trường Trường Cao đẳng Sư phạm làm sân tập hằng ngày cho mình; CLB Dã Quỳ thuê hội trường Trường Hermann Gmeiner Đà Lạt còn CLB Minh Quân thuê sân của Phòng Tài chính TP Bảo Lộc. “Rất bị động vì phải phụ thuộc vào lịch hoạt động của đơn vị chủ quản, nếu họ cần hội trường là chúng tôi phải nghỉ” - ông Liệu cho biết. Đó là chưa kể cảnh các hội viên phải thi đấu trong ánh sáng nhập nhoạng vì “đèn hội trường đâu đủ sáng để dành cho thi đấu thể thao”. Nhưng dù sao các thành viên CLB Dã Quỳ và Bình Minh còn an ủi vì thuê được chỗ rộng, hội trường có thể phân thành 4 sân cho mọi người cùng chơi, giá thuê không đắt lắm (80 nghìn đồng/giờ) trong khi CLB Minh Quân Bảo Lộc chỉ thuê được đúng một sân, hội viên đông nên phải cắt giờ ra trong ngày mà chơi. “Chúng tôi rất cần có sân của ngành thể thao, sân đúng chuẩn cầu lông, có ánh sáng đầy đủ. Chúng tôi sẽ thuê lại và bảo quản tốt khi sử dụng” - ông Tuấn mong mỏi. Nhưng điều mong ước này có vẻ xa vời vì cho đến nay ngành thể thao Lâm Đồng vẫn chẳng có riêng cơ sở vật chất cho riêng mình tại Đà Lạt, vẫn phải chờ đợi dài cổ, chuyện xây dựng cơ sở, sân bãi cho thi đấu hiện nay vẫn phải thuê mướn.
Một đề nghị khác rất đáng quan tâm là các CLB cần sự hỗ trợ của ngành Thể thao địa phương nhiều hơn cho các hoạt động của mình. Cụ thể, đó là giúp về mặt chuyên môn để nâng cao trình độ thi đấu cho các hội viên, nhất là cho các tay vợt được cử tham dự giải tỉnh. “Lâu nay chúng tôi có rất nhiều VĐV giành được huy chương các giải tỉnh hằng năm nhưng thật tình mà nói có gì đấu nấy. Với những giải lớn của tỉnh như giải mở rộng chẳng hạn khi thi đấu với rất nhiều tỉnh, chúng tôi rất cần một HLV có kinh nghiệm đến hướng dẫn các tay vợt dự giải để cải thiện trình độ cho cầu lông địa phương mình” - bà Huệ đề nghị.
VIẾT TRỌNG