Những phòng tập thể hình ở Đà Lạt

05:11, 21/11/2012

Với hàng chục phòng tập đang hoạt động nhộn nhịp hiện nay, thể hình là bộ môn thể thao quần chúng có số người tập rất đông, đông vào loại hàng đầu trong các môn thể thao đại chúng tại Đà Lạt.

Với hàng chục phòng tập đang hoạt động nhộn nhịp hiện nay, thể hình là bộ môn thể thao quần chúng có số người tập rất đông, đông vào loại hàng đầu trong các môn thể thao đại chúng tại Đà Lạt.

Tại một phòng tập trên đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt
Tại một phòng tập trên đường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt


Ngồi vào ghế, hơi ngả người về phía sau, chân đặt lên giá đỡ, tôi tay vươn kéo mạnh tạ. Tạ là thanh sắt với 2 tay nắm nối với dây dẫn vào dãy tạ phía trong máy. HLV của phòng tập trước đó đã cẩn thận rút bớt số ký lại, chỉ để “rất nhẹ” cho nhà báo kéo thử nhưng cũng chỉ vài bận là tay tôi hơi run run. Trong tiếng nhạc nhộn nhịp của phòng tập, trên vách tấm hình to tướng của một lực sĩ “vai u thịt bắp” cuồn cuộn như đang nheo mắt chế nhạo các bắp cơ phẳng lỳ của tôi. Cũng chiếc máy nâng tạ này, một người tập trước đó nhỏ con hơn tôi nhiều nhưng nhẹ nhàng kéo với số tạ hơn gấp đôi. Anh HLV cười lớn: “Phải tập lâu mới quen được”.

Từ một vài phòng tập ban đầu, nay thể hình có vẻ đang “ăn nên làm ra” tại Đà Lạt. Phòng tập mọc lên khắp các phường cho cả nam lẫn nữ. Có thể kể đến những phòng tập tiêu biểu như Anh Thư ở đường Bùi Thị Xuân, Kim Ngân ở đường Mai Hắc Đế, Khanh ở đường Phan Chu Trinh, CLB Ngô Quyền ở đường Ngô Quyền, CLB Trần Khánh Dư ở đường Trần Khánh Dư... Nhiều phòng tập nay còn có thêm cơ sở 2 như Ngân, như Anh Thư, như CLB Ngô Quyền. Thể hình đang phát triển khắp cả tỉnh, hầu như huyện nào cũng có nhưng hầu hết các huyện chỉ có từ 1 đến 3 phòng tập, kể cả Bảo Lộc cũng vậy thì Đà Lạt đã có đến khoảng 15 phòng tập. Cứ tính trung bình mỗi phòng tập chừng 100 người đến tập luyện hằng ngày thì số người tập thể hình sẽ không dưới 1.500 người, một con số rất đáng kể.

Một người tập thể hình là thành viên Đội tuyển Thể hình Lâm Đồng và nay thành HLV đã mở đến 2 phòng tập như vậy là HLV Trần Phước Toàn. Sinh năm 1979, người Đà Lạt, khi học đại học tại TP HCM, anh làm quen với thể hình và “đâm mê”. Năm 1999 anh cùng với các VĐV như K’Tèng (Bảo Lộc), Phù Tường Linh (Bảo Lộc), Phù Tường Hùng (Di Linh), Phan Hữu Lộc (Bảo Lộc) xin phép tỉnh dự giải quốc gia trong màu áo của thể hình Lâm Đồng và ngay trong lần đầu tiên đấu giải này anh đã đoạt được HCB giải trẻ quốc gia. Đây là những thành viên đầu tiên của Đội tuyển Thể hình Lâm Đồng. Tuy nhiên, phải đến 2002, Đội tuyển Thể hình tỉnh mới chính thức thành lập. VĐV Trần Phước Toàn vẫn tiếp tục thi đấu cho Lâm Đồng, giành hơn 20 huy chương quốc gia khác, trong đó có 3 vàng trước khi quyết định nghỉ thi đấu năm 2010. Lúc đầu anh mở 1 phòng tập tại nhà anh trên đường Ngô Quyền, phường 6 trong năm 2002 và sau đó trong năm 2005 anh tiếp tục thuê mặt bằng mở thêm một phòng tập mới trên đường Phù Đổng Thiên Vương. Ở phòng tập Ngô Quyền anh đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng mua dụng cụ, các máy tập luyện, còn với phòng tập trên đường Phù Đổng Thiên Vương anh đã bỏ ra gấp đôi, gần 600 triệu để mua các máy tập khá hiện đại. Với đối tượng khá đông là sinh viên, học sinh, phòng tập tại đây không chỉ dành cho phái nam mà còn có phòng tập riêng cho nữ.

Ưu thế để thể hình thu hút được nhiều người đến chơi là vì tập… lúc nào cũng được. Theo HLV Trần Phước Toàn, người chơi cứ thoải mái, thấy tiện và rảnh lúc nào thì ghé vào phòng tập. Để mọi người đến tập, các phòng tập mở cửa hầu như cả ngày, từ 5 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa rồi 2 giờ chiều đến 8 giờ tối. Tuỳ sức khoẻ mà tập, thông thường thì mỗi ngày mỗi người tập 1 đến 2 tiếng đồng hồ là đủ nhưng nếu có sức tập cả ngày cũng được. Đây là môn thể thao trong nhà, mỗi người tự tập cho mình khá phù hợp cho thời tiết mưa của Đà Lạt. Các phòng tập hầu như có đủ các loại dụng cụ để phát triển các nhóm cơ trên người: cơ ngực, cơ lưng, cơ vai, cơ đùi, cơ bụng… có máy tập đa năng cho nhiều nhóm cơ. Giới nữ có các máy tập làm thon gọn hoặc tập thể dục nhịp điệu theo tiếng nhạc với HLV hướng dẫn hằng ngày. Theo anh Toàn “Rất hiệu quả, chỉ cần chừng 3 tháng tập luyện sẽ thấy khác ngay. Không cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt gì đâu”.

Nhưng không phải lúc nào các phòng tập thể hình cũng đông khách. Đông nhất là dịp hè, khi học sinh, sinh viên được nghỉ, có thời gian rảnh; giới nữ, đặc biệt là giáo viên nữ đi tập thể dục nhịp điệu giữ dáng, khoẻ người. Còn mùa Tết, theo HLV Nguyễn Thành Long, phòng tập Anh Thư, thì vắng teo. “Gần 2 tháng tết rất ít người tập, mọi người đang lo đi kiếm tiền tiêu Tết mà, thôi thì làm ăn có mùa”. Lệ phí tập luyện cho mỗi người hiện nay từ 100 đến 120 nghìn đồng/tháng, mỗi phòng tập chừng 100 người tập thì thật ra mỗi tháng trừ tiền hao phí dụng cụ, tiền điện nước, tiền mặt bằng cũng còn chẳng bao nhiêu. “Chủ yếu là vì phong trào, lấy công làm lời chứ bỏ một số tiền lớn mua máy móc, dụng cụ tập luyện để kinh doanh thì chẳng lời bao nhiêu đâu” - HLV Trần Phước Toàn cho biết.

Là một môn thể thao phát triển không lâu tại Lâm Đồng nhưng thể hình là bộ môn nhiều năm liền mang rất nhiều huy chương về cho thể thao Lâm Đồng tại các giải quốc gia hằng năm. Thế mạnh của thể hình Lâm Đồng là các VĐV người dân tộc thiểu số ở các huyện với thể hình lý tưởng, chăm chỉ tập luyện. Lâm Đồng từng có VĐV là thành viên đội tuyển quốc gia, từng đoạt huy chương ở các giải quốc tế, tại giải châu Á. Gần đây, do nhiều nguyên nhân, thể hình Lâm Đồng đã phần nào chững lại, nhiều VĐV Lâm Đồng bỏ đi đầu quân cho tỉnh khác. Tuy nhiên, với một nền tảng xã hội hoá từ các phòng tập tư nhân tiêu biểu như Đà Lạt, đây vẫn là một bộ môn rất mạnh của Thể thao Lâm Đồng. Theo HLV Trần Phước Toàn, từ những phòng tập này, Đà Lạt có thể tổ chức cho mình các giải hằng năm, hỗ trợ các phòng tập, các CLB kinh phí dự giải tỉnh, thông qua đó phát hiện thêm những khuôn mặt mới cho Đội tuyển Thể hình Lâm Đồng.

VIẾT TRỌNG