
Đó là nhận định của ngành Tư pháp về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua.
Đó là nhận định của ngành Tư pháp về hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua.
 |
Bản thân người khuyết tật luôn ý thức tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống |
Theo số liệu của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 14.687 người khuyết tật đang hưởng chế độ trợ cấp. Trong đó, có 2.936 người khuyết tật đặc biệt nặng và 11.751 người khuyết tật nặng; có 579 người khuyết tật dưới 16 tuổi, 893 người khuyết tật có tuổi đời từ 16 đến dưới 60 và 2.833 người khuyết tật từ đủ 60 tuổi trở lên. Toàn tỉnh có 6 cơ sở nuôi dưỡng người khuyết tật, trong đó có 1 đơn vị công lập và 5 đơn vị ngoài công lập. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 9 Hội Người khuyết tật, trong đó có 1 Hội cấp tỉnh, 7 Hội cấp huyện và 1 Hội cấp xã. Mặc dù số lượng người khuyết tật khá lớn nhưng tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu TGPL chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào chính sách, chế độ bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2019, toàn tỉnh thực hiện được 169 vụ việc cho 169 người khuyết tật; trong đó, chủ yếu là tư vấn pháp luật 167 vụ việc, tham gia tố tụng 1 vụ việc và đại diện ngoài tố tụng 1 vụ việc.
Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lâm Đồng cũng đã có chương trình hoạt động, nhưng công tác TGPL cho người khuyết tật chưa được thường xuyên, chủ yếu là lồng ghép, số vụ việc TGPL cho người khuyết tật còn ít so với số người khuyết tật của địa phương. |
Ông Đoàn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Mặc dù công tác TGPL cho người khuyết tật luôn được Sở Tư pháp quan tâm, hàng năm chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng xây dựng chương trình, kế hoạch TGPL cho người khuyết tật; chủ động liên hệ với các Hội, trung tâm, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi có người khuyết tật sinh sống, làm việc và học tập để tổ chức các đợt TGPL lưu động. Qua đó, hướng dẫn, phổ biến chính sách TGPL cho người khuyết tật, tăng cường công tác TGPL cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật hiểu hơn về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với mình. Đồng thời, đẩy mạnh việc cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tư vấn, bảo vệ cho người khuyết tật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ… Tuy nhiên, người khuyết tật là đối tượng đặc thù nên việc thực hiện TGPL khi triển khai trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà số lượng vụ việc cũng như số người khuyết tật có nhu cầu hoặc yêu cầu TGPL còn rất ít. Theo ông Đoàn Xuân Sơn, thực tế cho thấy, việc triển khai TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn. Người khuyết tật chủ yếu thường xuyên sinh sống cùng với gia đình, ở vùng sâu, vùng xa; số tham gia sinh hoạt, học tập, làm việc ở các Hội, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội ít; các dạng tật về nghe và nói, dạng tật về tâm thần, dạng tật về vận động chiếm tỷ lệ cao… Số đối tượng này đi lại, nghe, nhìn gặp rất nhiều khó khăn, nên việc thực hiện TGPL cho các đối tượng này còn hạn chế, vì phải thông qua thông dịch, nên nội dung TGPL ít, dẫn đến kết quả chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện TGPL cho các đối tượng ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…
Cũng theo ông Đoàn Xuân Sơn, người khuyết tật hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn cuộc sống, để triển khai thực hiện Đề án trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 đạt hiệu quả thì cần chú trọng nâng cao nhận thức về người khuyết tật, chính sách về người khuyết tật; xác định việc hỗ trợ, TGPL cho người khuyết tật là nhiệm vụ của Nhà nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức được giao thực hiện. Bên cạnh đó, phải huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội kể cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần vào việc bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật; thu hút mạnh mẽ sự ủng hộ, tham gia hỗ trợ của cộng đồng cho công tác trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt Luật Người khuyết tật, các văn bản liên quan đến chế độ của người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật ngày càng được trợ giúp nhiều hơn về vật chất, tinh thần. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung phù hợp, cụ thể và tổ chức thực hiện TGPL bằng hình thức lưu động. Đặc biệt là việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật.
TỨ KIÊN