Máy bay siêu nhẹ cần được quản lý chặt chẽ

05:08, 15/08/2019

Máy bay siêu nhẹ, không người lái (flycam) đang đem lại nhiều tiện ích và tính năng vượt trội cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng nhìn nhận, việc quản lý flycam chưa chặt chẽ hiện đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Máy bay siêu nhẹ, không người lái (flycam) đang đem lại nhiều tiện ích và tính năng vượt trội cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng nhìn nhận, việc quản lý flycam chưa chặt chẽ hiện đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
 
Một máy bay siêu nhẹ (flycam) sử dụng không có giấy phép tại khu vực Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt tháng 6/2019.
Một máy bay siêu nhẹ (flycam) sử dụng không có giấy phép tại khu vực Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt tháng 6/2019.
 
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải làm thủ tục xin phép bay theo đúng các quy định tại Nghị định số 79/2011/NĐ-CP ngày 5/9/2011 sửa đổi, bổ sung từ Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, ngày 28/3/2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phưong tiện bay siêu nhẹ.
 
Lý do UBND tỉnh liên tục có các văn bản hối thúc các đơn vị, địa phương chú trọng tăng cường công tác quản lý phương tiện bay siêu nhẹ do thời gian gần đây, tình hình hoạt động của các phương tiện bay không người lái có những diễn biến phức tạp. Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS), Công an tỉnh ghi nhận nhiều tàu bay không người lái hoạt động tự phát, không xin phép của cơ quan có thẩm quyền, bay vào các khu vực cấm bay, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không và trật tự an toàn xã hội.
 
Đơn cử như tháng 11/2018, Đài Kiểm soát không lưu Sân bay Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) phát hiện 5 lần vật thể bay phát sáng xuất hiện trên trục tiếp cận chóp đường cất hạ cánh số 9. Vật thể bay phát sáng xuất hiện liên tục, có lần xuất hiện cách thềm đường cất hạ cánh 13 km về hướng Tây Nam và kéo dài có lần gần 30 phút. Sự xuất hiện của vật thể bay phát sáng đã ảnh hưởng hoạt động bay, làm một chuyến bay từ Sân bay Liên Khương đi Sân bay Nội Bài của Hãng Hàng không Vietjet phải chờ ở đường cất hạ cánh nhiều phút. Qua kiểm tra chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng phát hiện ít nhất 9 máy bay siêu nhẹ đã bay trong bán kính 30 km tính từ Sân bay Liên Khương.
 
Theo Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, mặc dù quy định đối với người sử dụng máy bay siêu nhẹ là buộc phải có giấy phép bay của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cấp, nhưng từ đầu năm tới nay, đơn vị ghi nhận chỉ có 1 trường hợp một cơ quan truyền thông ngoài Hà Nội bay có giấy phép. Như vậy, đồng nghĩa với việc tất cả các phương tiện bay siêu nhẹ sử dụng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm tới nay các tổ chức, cá nhân đều chưa có giấy phép bay theo quy định. Việc này khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các khu vực có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi tại Lâm Đồng. Trên thực tế, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhiều lần phát hiện người sử dụng flycam. 
 
Bộ CSHS tỉnh cho biết, theo quy định của Nghị định số 79/2011/NĐ-CP ngày 5/9/2011, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là nơi tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép cho phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không người lái. Việc cấp phép dựa trên một lần sử dụng tại một thời gian địa điểm nhất định, đồng thời giấy phép sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ không được tái sử dụng nhiều lần và thời gian cấp phép của cơ quan chức năng thông thường là 5-7 ngày. 
 
Các tổ chức, cá nhân sau khi có giấy phép bay cần cung cấp thông tin tới Bộ CHQS tỉnh. Sau đó, Bộ CHQS sẽ phối hợp, gửi thông tin tới các đơn vị Công an tỉnh, huyện, nơi người sử dụng các phương tiện bay siêu nhẹ đăng ký các thông tin với Cục Tác chiến như khu vực, độ cao, thời gian bay… để cơ quan chức năng địa phương quản lý, giám sát.
 
Trong khi đó, nhiều người sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh cũng cho rằng quy định của Chính phủ còn bộc lộ nhiều hạn chế gây khó khăn cho cả người sử dụng lẫn cơ quan chức năng trong việc quản lý. Theo quy định, những người sử dụng các phương tiện bay mỗi lần cất cánh phải có giấy phép của Cục Tác chiến lâu nay gây khó khăn, tốn kém cho người sử dụng. Cần có quy định phân cấp quản lý các phương tiện nói trên như đối với các hoạt động bay lớn tại các lễ hội, bay ở độ cao lớn thì nên xin giấy phép Cục Tác chiến. Còn đối với các hoạt động bay nhỏ lẻ, tầm bay thấp theo quy mô sinh hoạt CLB hàng tuần hoặc bay phục vụ dịch vụ làm truyền thông, cưới hỏi, làm phim… chỉ nên phân cấp cho Bộ CHQS tỉnh cấp phép. Và trong quá trình bay, người được cấp giấy phép khi sử dụng phải chấp hành thông báo thời gian, địa điểm, lịch trình bay đúng theo quy định của Nghị định số 79/2011/NĐ-CP.
 
C.PHONG