
Trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Ðầu tư công, Luật Doanh nghiệp,…
Trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng (PCTN) như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Ðầu tư công, Luật Doanh nghiệp… Các đạo luật này đã đưa ra nhiều quy định có liên quan như các quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đấu thầu...
Việc sửa đổi Luật PCTN để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng. Tại kết luận Hội Nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về PCTN như việc nâng cao các biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu… Vừa qua, Luật PCTN năm 2018 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2019 gồm 10 chương, 96 điều. Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN.
Thực hiện Quyết định số 101 ngày 21/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành Kế hoạch số 1200 ngày 7/3/2019 về việc thi hành Luật PCTN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với yêu cầu đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện và cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật PCTN. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 3469 ngày 10/6/2019 về việc thực hiện chương trình công tác năm 2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tiếp tục thực hiện quán triệt nghiêm túc, đồng bộ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 (khóa XII) và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Việc ban hành kế hoạch thực hiện PCTN với yêu cầu xem phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Trong PCTN, Lâm Đồng xác định, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền bất kể ai.
Phát biểu tại buổi triển khai thực hiện Luật PCTN mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên khẳng định: Công tác triển khai thực hiện Luật PCTN phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những biện pháp thích hợp, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phải gắn PCTN với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCTN. Cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng để kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật, ngăn chặn các hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.
Để thực hiện tốt công tác PCTN, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tăng cường triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng và tính bức thiết của việc thực hiện Luật PCTN. Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, việc mua bán chuyển nhượng tài sản công, việc cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT… Công tác kiểm tra, thanh tra phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, hình thức, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở, doanh nghiệp.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được khởi tố, điều tra; chú trọng phát hiện xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, nhất là tập trung xác minh điều tra làm rõ yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản trong các vụ án, vụ việc… Nhanh chóng khắc phục những vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản, thiệt hại trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế… Đặc biệt, cần tập trung ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
NGUYỆT THU