Khi bị tố cáo, vu khống nhau trên mạng xã hội, xử lý ra sao?

06:07, 18/07/2019

Khi bị xúc phạm, vu khống giữa các bên trên mạng xã hội, nhất là Facebook, các cá nhân liên quan đã bảo vệ, ứng xử ra sao đối với những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng còn rối rắm, phức tạp về mặt pháp luật.

Khi bị xúc phạm, vu khống giữa các bên trên mạng xã hội, nhất là Facebook, các cá nhân liên quan đã bảo vệ, ứng xử ra sao đối với những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng còn rối rắm, phức tạp về mặt pháp luật.
 
Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, người sử dụng phải có văn hóa, kiến thức nhất định khi đăng tải thông tin
Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, người sử dụng phải có văn hóa, kiến thức nhất định khi đăng tải thông tin
 
Trên thực tế, có không ít vụ việc liên quan tới hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội bị đưa ra tòa xử lý khiến người sử dụng mạng xã hội không khỏi hoang mang và cân nhắc hơn khi chia sẻ thông tin. Tình trạng nói xấu, xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng trên phạm vi cả nước nói chung và ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng ngày càng gia tăng, khiến các nạn nhân luôn bức xúc, thậm chí hoảng loạn. Tuy nhiên, người bức xúc tố nhau trên mạng xã hội và người bị tố phản ứng lại đôi khi thiếu kiềm chế, rất dễ vi phạm các quy định của pháp luật.
 
Dạo một vòng trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… không khó để thấy những status có nội dung nói xấu, thóa mạ hay vu cáo nhau. Nặng nề hơn thì một số người nêu đích danh người bị chửi, nhẹ hơn thì nói bóng gió, cạnh khóe nhau với lời lẽ khó nghe. 
 
Thậm chí, có nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy mình thành người bị tố lừa đảo, vu cho là kẻ phạm tội, tham nhũng… kèm cả số điện thoại cá nhân khiến nạn nhân vô cùng hoảng loạn, bức xúc. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy nhất là trong khi sự việc chưa rõ đúng sai, mức độ chính xác tới đâu nhưng việc các bên đưa tin nói xấu, vu khống nhau trên mạng xã hội, trên các diễn đàn mạng được nhiều người không hề nắm vụ việc được “nhảy” vào bình luận, chửi bới đôi khi khiến sự việc ảnh hưởng nặng nề với những người liên quan.
 
Như mới đây, ngày 29 và 30/6, một nhóm bạn trẻ 7 người từ TP Hồ Chí Minh đặt phòng tại Khách sạn N.N.Đ (đường Lương Thế Vinh, Phường 3, TP Đà Lạt). Theo nhóm khách này thì chị quản lý khách sạn này nhiều lần có cách ứng xử rất thô lỗ, “chửi khách như con” khiến một số bạn trong nhóm rất bức xúc, đưa các thông tin trên lên mạng xã hội sau đó ít ngày. Một cá nhân trong nhóm đã viết bình luận dài hơn 1.000 chữ “tố” nhà nghỉ này trên Facebook cá nhân và tới thời điểm này đã rất nhiều người thể hiện bức xúc, chia sẻ về câu chuyện trên. 
 
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.T.H, quản lý khách sạn trên cho biết bà rất bất bình trước thông tin của nhóm khách trên phản ánh. “Tôi đã làm đơn tố cáo đích danh các cá nhân có hành vi cố tình làm loan truyền những điều sai sự thật, vu khống, lăng mạ, xúc phạm đến các cơ quan, ban ngành liên quan can thiệp và xử lý, nhằm lấy lại nhân phẩm cho cá nhân tôi và uy tín, dịch vụ của khách sạn” - bà H. cho biết. Hiện, bà H. đã chuyển đơn tố cáo, các clip, bằng chứng liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn đề nghị giải quyết sự việc. Được biết, theo đúng thẩm quyền, chức năng, Phòng Thanh tra, Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đơn tố cáo tới Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, đơn vị có chức năng xác minh thông tin trên.
 
Điều đáng lưu ý ở đây là như nhiều vụ việc “tố cáo” nhau trên mạng xã hội, trong khi câu chuyện đúng sai đang đợi cơ quan chức năng xác minh, giải quyết thì thông tin ban đầu một phía đã lan truyền rất nhanh trên một số trang mạng khác và nhiều người không nắm được vụ việc cũng tham gia bình luận như người trong cuộc. Nhiều người đọc chú ý với các thông tin trái chiều, rất khó để thay đổi định kiến kể cả khi thông tin đó chưa có chứng cớ, không được kiểm tra xác thực và đối tượng bị tung tin hoàn toàn chưa có tiếng nói phản hồi.
 
Theo Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, để bảo vệ uy tín, nhân phẩm cá nhân, trước hết người bị xúc phạm trên mạng xã hội cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status hoặc bình luận. Trường hợp có địa chỉ của người bêu xấu, người bị xúc phạm có thể gửi thư hoặc văn bản yêu cầu gỡ ngay các status hoặc bình luận không đúng sự thật. Nếu người bêu xấu không được thực hiện yêu cầu, người bị xúc phạm nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Theo quy định hiện nay, trong thời hạn 20 ngày hoặc chậm nhất là 2 tháng, cơ quan công an phải có văn bản trả lời người viết đơn tố cáo. 
 
Trong khi đó, những người bức xúc về tổ chức, cá nhân làm sai, vu khống, lừa đảo…cũng hoàn toàn có quyền báo tin, gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng để được thụ lý, giải quyết thay vì xúc phạm, chửi bới nhau trên mạng xã hội, nơi nhiều người rất khó đo lường được tính chính xác của thông tin được đưa ra. Hiện Luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016), Luật Giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành từ 1/3/2006), Bộ luật Dân sự (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017)… đều quy định khá chi tiết về tội vu khống, xúc phạm nhau trên mạng xã hội. Chính vì vậy, nếu không hiểu biết pháp luật, mỗi công dân mạng hoàn toàn có thể vô ý gây ra những sai phạm mà rất khó lường được hậu quả.
 
C.THÀNH