
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ 2014 - 2018, toàn tỉnh Lâm Ðồng đã xảy ra 233 vụ cháy, 13 người chết, 18 người bị thương, ước thiệt hại khoảng hơn 61 tỷ đồng. Các vụ cháy đều xảy ra chủ yếu ở khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh và cháy rừng. Ðặc biệt, nhiều vụ cháy tại các cơ sở và nhà dân có xu hướng tăng, trung bình mỗi năm xảy ra 50 vụ cháy.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ 2014 - 2018, toàn tỉnh Lâm Ðồng đã xảy ra 233 vụ cháy, 13 người chết, 18 người bị thương, ước thiệt hại khoảng hơn 61 tỷ đồng. Các vụ cháy đều xảy ra chủ yếu ở khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh và cháy rừng. Ðặc biệt, nhiều vụ cháy tại các cơ sở và nhà dân có xu hướng tăng, trung bình mỗi năm xảy ra 50 vụ cháy.
 |
Đoàn Giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. |
Nguyên nhân các vụ cháy gây ra thiệt hại một phần do đặc điểm của Lâm Đồng mùa khô kéo dài, thời tiết nắng nóng, khô hạn làm tăng nguy cơ cháy và vật liệu cháy…; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô hoạt động. Nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, việc đầu tư cho phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC nên nguy cơ cháy nổ cao. Việc sử dụng nhiên liệu, năng lượng điện, các vật tư, hàng hóa là chất dễ cháy ngày càng phổ biến. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC còn thấp nên dễ phát sinh các vụ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thống kê cho thấy, Lâm Đồng hiện có 2 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp; hơn 14 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, hơn 4.435 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; cùng đó là 130 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên 450 khách sạn, 1.361 nhà nghỉ và gần 1.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng cần được quản lý về cháy nổ. Theo nhận định của Công an tỉnh, dự báo tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác PCCC và phòng chống cháy nổ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn. Đặc biệt, cần chú trọng ở các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung, chung cư cao tầng, các cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ. Bên cạnh nhiều kết quả nổi bật về PCCC của Công an tỉnh Lâm Đồng, như nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S: Trong giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác PCCC và đạt nhiều kết quả tích cực. Đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCCC được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được triển khai nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các vụ cháy nổ xảy ra cơ bản được điều tra làm rõ, lực lượng Công an PCCC toàn tỉnh đã được quan tâm; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nòng cốt làm công tác PCCC tại cơ sở, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC; Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng được quan tâm… Công tác phối hợp, hướng dẫn an toàn PCCC được duy trì và xử lý vi phạm trong PCCC được tăng cường, kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục những tồn tại, thiếu sót và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Ông Võ Trọng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội trong vai trò trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC tại Lâm Đồng mới đây đã ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lâm Đồng. Nhất là việc kiểm tra, đôn đốc và đầu tư lực lượng, phương tiện, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhằm hạn chế thấp nhất những vụ cháy nổ, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do các vụ cháy gây ra. Ý thức trách nhiệm của các cấp đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác PCCC rất hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh có một số nội dung tuyên truyền về công tác PCCC bằng sân khấu hóa, in ấn các hình ảnh, nội dung để tuyên truyền trực quan, tổ chức các cuộc thi, hội thi về công tác này... Tuy nhiên, ông Võ Trọng Việt cũng lưu ý, Lâm Đồng không được lơ là, chủ quan, bởi nguy cơ cháy nổ luôn thường trực nên cần khắc phục những hạn chế trong PCCC, qua đó phát hiện sớm các vụ cháy để xử lý tốt, nhanh, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Những tiềm ẩn phức tạp về PCCC được UBND tỉnh nêu lên, đó là tình hình cháy rừng còn diễn biến phức tạp vào mùa khô, vi phạm pháp luật về PCCC tại các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh còn khá phổ biến, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc có nơi chưa thực sự quyết liệt. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị, kỹ năng PCCC cho cán bộ, công nhân viên, người lao động; người dân còn thiếu kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy… Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là chủ rừng chưa thực hiện chế độ chi trả cho người tham gia chữa cháy theo quy định nên chưa huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều đơn vị, cơ sở có nguy cơ cao về cháy nhưng lại không thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định của pháp luật. Công tác xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ còn nhiều hạn chế...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được xác định một phần do địa hình của Lâm Đồng đa dạng, phức tạp, mùa khô kéo dài. Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của lực lượng cảnh sát PCCC phục vụ cho chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các khu nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cháy rừng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, chế tài xử phạt về vi phạm pháp luật trong PCCC còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, chưa có quy định cơ quan chức năng chủ trì tiếp nhận và xử lý hồ sơ đối với các công trình nhà ở chuyển đổi công năng. Qua đó, Phó Chủ tịch Phạm S cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung Luật PCCC cho phù hợp với tình hình mới, nâng chế tài xử phạt, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát PCCC, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.
NGUYỆT THU