Từ ngày 1/6/2025, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 70) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý thuế và hóa đơn điện tử, mở rộng đáng kể phạm vi áp dụng hóa đơn điện tử và thay đổi cách tiếp cận quản lý thuế theo hướng công nghệ hóa. Đây không chỉ là yêu cầu tuân thủ mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình kinh doanh trong bối cảnh số hóa toàn diện.
![]() |
Trung tâm Điều hành triển khai hóa đơn điện tử tại Lâm Đồng |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực quản lý thuế, đồng thời phòng ngừa gian lận nhờ ứng dụng công nghệ và đơn giản hóa thủ tục. Với nhiều sửa đổi đáng chú ý từ Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, Nghị định 70 mở rộng đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền - bao gồm hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, ăn uống, vận tải, khách sạn. Việc bắt buộc sử dụng máy tính tiền kết nối dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế là bước tiến lớn trong quản lý thuế theo hướng công nghệ hóa.
Dữ liệu hóa đơn cập nhật trực tuyến không chỉ giúp ngăn chặn thất thu thuế, mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý đưa ra chính sách điều tiết phù hợp, dựa trên dòng chảy kinh doanh thực tế. Quan trọng hơn, quy định mới về thời điểm lập hóa đơn theo từng ngành nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như dầu khí, xổ số, casino cũng thể hiện nỗ lực về chính sách thuế, thay vì cách tiếp cận đồng loạt như trước. Đây được đánh giá là bước đi hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế phi chính thức còn lớn.
Kể từ 1/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Hiện nay, ngoài sự vào cuộc của cơ quan thuế các cấp trong việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đã đưa ra các giải pháp phần mềm hỗ trợ vấn đề này.
Việc bãi bỏ quy định hủy hóa đơn khi có sai sót và thay bằng cơ chế thay thế hoặc điều chỉnh là thay đổi mang tính chất “gỡ rối” cho doanh nghiệp. Không ít trường hợp trước đây chỉ vì sai tên, sai mã số thuế mà phải hủy bỏ toàn bộ hóa đơn, làm phát sinh rủi ro về thời hạn nộp và chi phí hành chính. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa định dạng XML cho hóa đơn điện tử và tích hợp chữ ký số, mã cơ quan thuế sẽ tạo nền tảng cho các giải pháp phân tích dữ liệu lớn (Big Data), AI trong quản lý thuế những năm tới. Từ chỗ “giám sát sau”, ngành Thuế đang hướng tới “giám sát ngay” trên từng giao dịch.
Theo thông tin ghi nhận từ Hội nghị tập huấn toàn ngành Thuế vào tháng 4 vừa qua, Phó Chi cục Thuế khực XIII Trần Phương khẳng định: Đây là bước tiến mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số ngành thuế, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý hiện đại, hiệu quả và minh bạch hơn. Cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời khẳng định vai trò đồng hành trong quá trình chuyển đổi số. Nghị định 70 không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế mà còn phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi gian lận ngày càng tinh vi. Trên cơ sở này, Cục Thuế đã ban hành Công văn số 348/CT-CS ngày 28/3/2025 giới thiệu chi tiết các nội dung mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và các đơn vị triển khai.
Về mặt kỹ thuật, quy trình quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử theo Nghị định 70 sẽ thay thế hai quy trình trước đây đang được thực hiện theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT và 1391/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế. Quy trình mới được thiết kế nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, đặc biệt là hóa đơn có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền - một trong những hình thức đang được triển khai rộng trong lĩnh vực bán lẻ, ăn uống, dịch vụ.
Hiện ngành Thuế cũng đang khẩn trương nâng cấp hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 70, đảm bảo kết nối dữ liệu thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tra cứu, lập, gửi, nhận hóa đơn nhanh chóng và chính xác.
Cùng với đó, cơ quan thuế cũng đang hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, chứng từ, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Các Chi cục Thuế khu vực được đề nghị tích cực tham gia góp ý để ban hành kịp thời khi Nghị định 70 có hiệu lực.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, Nghị định 70 không chỉ là “bài toán tuân thủ” mà còn là cơ hội để tái cấu trúc quy trình quản trị, đặc biệt ở khâu kế toán, bán hàng và quản lý dòng tiền. Việc phát hành hóa đơn điện tử tức thời buộc doanh nghiệp phải chuẩn hóa dữ liệu nội bộ, loại bỏ tình trạng cập nhật thủ công.
Song song đó, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trong quá trình triển khai. Với những hộ kinh doanh nhỏ chưa có nền tảng công nghệ, việc triển khai máy tính tiền và hóa đơn điện tử sẽ cần thời gian làm quen và đầu tư hạ tầng.
Hiện nay, qua quá trình kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện tình trạng doanh nghiệp, tổ chức cung cấp hàng hoá, dịch vụ không đúng với ngành nghề kinh doanh/ngành nghề kinh doanh chính đã đăng ký. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý thuế nói chung và công tác xác định đối tượng áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nói riêng.
Mới đây, Chi cục Thuế khu vực XIII đã yêu cầu rà soát điều chỉnh ngành nghề kinh doanh đã đăng ký thuế của các doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh. Việc rà soát lại và tiến hành đăng ký hoặc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tự mình xác định và chuẩn bị các yếu tố cần thiết bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, tránh xảy ra sai phạm và tránh các rủi ro pháp lý hệ thống trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin