Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm:
Nông nghiệp huyện phát huy “trụ đỡ” trong nền kinh tế

KHẢI NHIÊN 06:30, 09/12/2024

Kinh tế Bảo Lâm năm 2024 dự ước có mức tăng trưởng 7,28%, trong đó khu vực nông nghiệp huyện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, tăng 5,19% - vượt kế hoạch đề ra, mang lại giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất tăng 39 triệu đồng/ha.    

Thu nhập bình quân trên một diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2024 
của huyện Bảo Lâm đạt 191 triệu đồng/ha
Thu nhập bình quân trên một diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2024 của huyện Bảo Lâm đạt 191 triệu đồng/ha

Theo số liệu thống kê, năm 2024, huyện Bảo Lâm đã triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện với tổng diện tích gieo trồng đạt 57.348,5 ha, bằng 102,9% kế hoạch và đạt 100,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó,  diện tích cây hàng năm là 2.095,8 ha, bằng 102,6% so với cùng kỳ; diện tích cây lâu năm là 55.252,7 ha, bằng 100,75% so với cùng kỳ. Các loại cây trồng chủ lực bao gồm: Cây cà phê 37.148,7 ha, cây chè 5.753,2 ha, cây ăn quả 6.480,85 ha.

Điều đáng chú ý, tuy diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện tăng không đáng kể so với cùng kỳ, chỉ tăng 0,8%, song sản lượng thu hoạch ở hầu hết các mặt hàng nông sản lại tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Cây dâu thu hoạch 12.532 tấn lá, đạt 79,3% so với kế hoạch và bằng 101% so với cùng kỳ; sản lượng bơ thu hoạch 11.350 tấn, đạt 79,8% kế hoạch và bằng 111% so với cùng kỳ; sản lượng sầu riêng đạt 14.793 tấn, bằng 59,6% kế hoạch và bằng 104% so với cùng kỳ...

Đánh giá của UBND huyện Bảo Lâm cho hay, nền nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và không ngừng gia tăng diện tích canh tác trong năm 2024 để đến nay nâng tổng số diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 16.050 ha, chiếm 30,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bao gồm  2.500 ha chè, 200 ha rau, hoa, cây ăn quả áp dụng tưới tiết kiệm và ứng dụng sản xuất an toàn VietGAP 1.650 ha, 200 ha dâu tằm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất bình quân đạt trên 50%, lợi nhuận cao gấp 1,3 lần so với sản xuất truyền thống.

Bên cạnh đó, chăn nuôi được phát triển theo hướng trang trại tập trung quy mô công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo về môi trường; chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình giảm. Tổng đàn gia súc, gia cầm giảm còn khoảng 1.447.822 con, đạt 82,7% kế hoạch, bằng 86,52% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn huyện đạt 297,8 ha, tăng 1,53% so với cùng kỳ; sản lượng đánh bắt ước đạt trên 967 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ.

Đi đôi với việc gia tăng diện tích, sản lượng và chất lượng nông sản, huyện còn quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Từ đấy tập trung vào các sản phẩm đặc sản của huyện như bơ 034, măng cụt, sầu riêng và các mặt hàng nông sản chế biến chè Ô long, cà phê rang xay và hạt mắc ca sấy… Tính đến cuối năm 2024, Bảo Lâm đã  phát triển thêm 34 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, nâng số sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên đạt 64 sản phẩm, trong đó 56 phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 8 phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP tiếp tục được hỗ trợ tham gia đăng ký tài khoản bán hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử OCOP247.vn, chuyên trang bán hàng thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm OCOP...

Cũng trong năm 2024, UBND huyện phê duyệt hỗ trợ 1 dự án liên kết tiêu thụ và tiêu thụ sản phẩm chè của Công ty TNHH Đại Gia Việt; xây dựng thêm 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trái cây bơ giữa Công ty TNHH B’Laofood với các hộ dân trên địa bàn huyện. Lũy kế đến nay huyện có 20 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Cấp mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng trên địa bàn huyện được 1.167 ha, với 40.800 tấn quả sầu riêng tươi, trong đó có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với diện tích 783 ha/308 hộ với sản lượng 28.000 tấn quả tươi. Đồng thời, xây dựng 15 mã /150 ha áp dụng cho cây chè, cà phê để hướng tới xuất khẩu.

Để có được kết quả nêu trên, theo đánh giá của UBND huyện Bảo Lâm, trong năm 2024, huyện đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để ngành Nông nghiệp của huyện vươn lên mạnh mẽ bằng các biện pháp chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và từng bước ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển, phát huy vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế huyện với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp đạt 5,19% và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, từ sự tăng trưởng của nền Nông nghiệp huyện đã tạo thêm  giá trị tăng cao đối với sản xuất bình quân trên một đơn vị đất canh tác, đạt giá trị thu nhập lên tới 191 triệu đồng/ha/năm, tăng 39 triệu đồng so với năm 2023.

Được biết, dự ước năm 2024,  tổng giá trị sản xuất (GO theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn huyện Bảo Lâm tăng 7,28% so với kế hoạch đề ra là 7-7,5%, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 5,19% so với kế hoạch 5%-5,5%, đưa cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Bảo Lâm còn chiếm 30,48% trong nền kinh tế huyện.