
Một trung tâm khoa học giáo dục vừa được xây dựng ngay tại TP Qui Nhơn với sự hiện diện của những nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Một trung tâm khoa học giáo dục vừa được xây dựng ngay tại TP Qui Nhơn với sự hiện diện của những nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Nằm kề trung tâm thành phố Qui Nhơn, tại phường Ghềnh Ráng, một bên là núi với Quốc lộ 1 chạy ngang, một bên là biển với bãi cát trải dài tuyệt đẹp, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (International Centre for Interdisciplinary Science and Education - ICISE) do Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” đứng đầu là Giáo sư - Tiến sỹ Trần Thanh Vân (một Việt kiều Pháp) đầu tư, vừa được khánh thành trong tháng 8/2013.
 |
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân (thứ nhất và thứ nhì bên phải) trong một lần trao học bổng cho học sinh, sinh viên tại Đà Lạt |
Với kinh phí xây dựng khoảng 50 tỷ đồng, trên diện tích 20ha; trong giai đoạn 1, trung tâm đã hoàn tất tòa nhà chính 3 tầng, với tổng diện tích sử dụng khoảng 4.000m2 gồm một phòng hội nghị chính có sức chứa 300 - 400 người, các phòng nhỏ hơn dành cho hội thảo, thảo luận và phòng làm việc cho các nhà khoa học; một cây cầu qua sông nối với tòa nhà, khuôn viên cây xanh. Giai đoạn 2 sắp đến, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng một khách sạn lớn phục vụ hội nghị, các dãy nhà biệt lập dùng cho các nhà khoa học quốc tế đến đây làm việc và nghỉ ngơi, nhà mô hình vũ trụ cho học sinh, sinh viên tham quan, bể bơi cùng hàng loạt các công trình cảnh quan khác.
Tỉnh Bình Định cũng góp phần không nhỏ để trung tâm này hình thành. Theo ông Nguyễn Tần - Phó Giám đốc Dự án của trung tâm, địa phương đã chi ra khoảng 40 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân trong vùng dự án, làm một con đường trải nhựa nối từ Quốc lộ 1 vào trung tâm, trồng cây xanh và lắp hệ thống chiếu sáng ven đường, xây dựng một trạm nước sạch cung cấp nước sinh hoạt.
Trung tâm được hình thành như là một tâm nguyện của nhà khoa học yêu nước Trần Thanh Vân sau rất nhiều năm ấp ủ. Ông muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam, không chỉ cho hôm nay mà còn cho những thế hệ mai sau. Là một nhà khoa học, ông muốn giúp khoa học, giáo dục Việt Nam bắt kịp với thế giới, coi đây là chìa khóa để phát triển đất nước. Trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn, không dễ để những người làm khoa học trong nước có thể ra nước ngoài gặp gỡ trao đổi với các đồng nghiệp lớn trên thế giới nên ông đã đứng ra thành lập Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” với mục tiêu đưa các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong đó có cả những người đoạt giải Nobel về khoa học đến Việt Nam trao đổi, giảng dạy. Những cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” này lâu nay vẫn thường xuyên được tổ chức tại Việt Nam. Khi có đủ nguồn lực tài chính, GS Trần Thanh Vân đã cho xây dựng hẳn một trung tâm tại Việt Nam.
Tiêu chí đặt ra ban đầu theo ông Nguyễn Tần, là trung tâm phải được xây dựng ở một địa phương gần biển, cụ thể là nằm trên bờ biển; phải thuận tiện giao thông; phải nằm trong thành phố và thành phố này phải có trường đại học. Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” đứng đầu là GS Vân đã đi khảo sát một loạt các tỉnh miền Trung. Và cuối cùng Qui Nhơn được đưa lên đầu danh sách.
GSTS Trần Thanh Vân người quê Quảng Bình, sang Pháp du học năm 16 tuổi, rất nổi tiếng vì thành tích học tập. Ông đứng đầu môn Toán trong kỳ thi tú tài tại Pháp, đỗ cử nhân Đại học Sorbonne năm 22 tuổi, đỗ Tiến sĩ quốc gia - học vị tiến sĩ cao nhất Pháp năm 27 tuổi.
Ông đã thành lập Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam tại Pháp để vận động tài chính xây dựng các làng SOS tại Việt Nam trong đó có làng SOS Đà Lạt, thành lập Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” để đưa các nhà khoa học lớn trên thế giới đến trao đổi , giảng dạy tại Việt Nam; thành lập Quỹ Học bổng Odon Vallet dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam và hiện nay cùng Hội đầu tư để hình thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) tại thành phố Qui Nhơn.
|
Qui Nhơn được chọn vì nơi đây dường như hội tụ tất cả những điều kiện đặt ra ban đầu. Thành phố thanh bình này nằm kề biển, có đường bờ biển cát vàng hình vòng cung trải dài tuyệt đẹp; là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên; giao thông cực kỳ thuận lợi với Quốc lộ 1 chạy qua, có sân bay; từ đây vào TP HCM cũng khoảng bằng đoạn đường ra Hà Nội. Qui Nhơn có một đại học lớn lâu đời là Đại học Qui Nhơn nay là một đại học đa ngành. Địa điểm xây dựng trung tâm nằm trên bờ biển, khá biệt lập, không xa khu trung tâm Qui Nhơn, bên biển bên núi với phong cảnh rất hữu tình.
Thêm một lý do để chọn Qui Nhơn nữa, theo ông Nguyễn Tần, chính là sự sốt sắng và nhiệt tình của tỉnh Bình Định. Tỉnh này đã làm mọi cách để hỗ trợ, tiến hành các thủ tục nhanh chóng đến mức có thể để mọi việc thuận lợi, làm sao để trung tâm sớm được xây dựng và đi vào hoạt động.
Vẫn còn hơi sớm để nói về phong cách độc đáo trong kiến trúc của trung tâm này, vì công trình mới chỉ hoàn thành giai đoạn đầu. Tuy nhiên, tòa nhà chính vừa xây đã có nét rất riêng: thô mộc bên ngoài, hiện đại bên trong. Quanh tòa nhà 3 tầng là những hàng trụ bê tông thanh mảnh từ đất vươn cao đến mái, những trụ bê tông này và cả trần mái quanh nhà đều được để nguyên, không tô vữa, sơn quét tương phản với tường nhà ốp đá sang trọng. Bên trong, các phòng với cửa sổ lắp nhiều kính để người ngồi trong có thể nhìn ra biển và phong cảnh bên ngoài. Thiết kế công trình độc đáo này là một kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp, Jean Francois Milou, với ý tưởng xây dựng một trung tâm hòa hợp với thiên nhiên, như một ngôi làng ven biển miền nhiệt đới với những hàng dừa vươn cao trên bầu trời xanh, núi cao và biển xanh ầm ào bên cạnh.
Từ lúc đưa vào hoạt động đến nay, ICISE và Qui Nhơn đã trở thành một điểm hẹn của nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới. Ngay sau lễ khánh thành năm ngoái, một hội nghị khoa học lớn có chủ đề “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” đã được tổ chức nơi đây với sự hiện diện của rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có cả những người đoạt giải Nobel vật lý. Trong năm nay, hàng loạt hội nghị, giao lưu khoa học về Vật lý trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” 2014 đã diễn ra tại ICISE cuối tháng 7 và trong tháng 8 như “Đi tìm sự sống ngoài hành tinh”, “Hương vị về hạt Quark”, “Hiện tượng năng lượng rất cao của vũ trụ”; “Vật lý tại máy va chạm Hadron lớn và xa hơn”, quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới cùng gần 120 người làm khoa học đến từ 22 quốc gia.
Như mong ước của GS Trần Thanh Vân, trung tâm này bước đầu đã phát huy vai trò tích cực của mình. Thông qua các hoạt động, trung tâm như một chiếc cầu nối tạo cơ hội để những người làm khoa học, các sinh viên trong nước, các nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là với những nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Rất nhiều triển vọng mới mở ra khi ICISE thành hình. Theo ông Nguyễn Tần, trung tâm đã có chương trình hợp tác với các đại học lớn trong nước như Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Qui Nhơn, với Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc mở các lớp bồi dưỡng và đào tạo sau đại học nơi đây cho các chuyên ngành sâu về vật lý. Riêng Qui Nhơn, với sự hiện diện của ICISE, địa phương đang lên ý tưởng xây dựng thành phố thành một điểm đến về khoa học - giáo dục. Một đề án “Khu Đô thị Khoa học và giáo dục Qui Hòa” đang được xúc tiến với nòng cốt là ICISE. Tại đây, trong tương lai gần, sẽ có nhiều hoạt động cho mọi lứa tuổi như vui chơi khoa học, khám phá biển, đảo, bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ… cùng sự hiện diện của các viện nghiên cứu, trường kỹ sư chất lượng cao… Với Đại học Qui Nhơn, thông qua cầu nối của ICISE, đã có nhiều nhà khoa học lớn đến trao đổi, hợp tác giảng dạy và sắp đến, theo ông Tần, Đại học Paris 7 của Pháp đang lên một chương trình hợp tác đầy hứa hẹn nhằm hình thành khoa Y tại đây, tiến đến đào tạo y khoa cho cả vùng.
VIẾT TRỌNG