Công trình khoa học kỹ thuật số "3 trong 1"

Ghi chép: VÕ TRẦN PHÚ 05:56, 17/04/2025

Trên chuyến xe ca xuôi về miền Trung, đưa đoàn những người có công với cách mạng ở TP Đà Lạt đi nghỉ dưỡng ở TP Quy Nhơn, tôi đã có dịp làm quen với cô y sĩ Hoàng Thị Phước đi theo chăm sóc sức khỏe của đoàn. 

Ông Văn Phú Lành đang kiểm tra van tưới
Ông Văn Phú Lành đang kiểm tra van tưới

Xe qua làng Thái Phiên (thuộc Phường 12), cô y sĩ giới thiệu: “Đây là làng của cháu, cháu sinh ra và lớn lên ở đây”. Tôi buột miệng trả lời: “Chú còn nợ nơi này đến nay vẫn chưa trả được!”. “Nợ gì hả chú? Chắc là… có tình ý gì với bà nào trong làng này”. “À! Chả là!... Chuyện nợ tình, nợ nghĩa mà thôi, chứ có vấn vương gì ai đâu”. Tôi đã đi nhiều nơi khắp thành phố, viết nhiều bài báo, có cả ký và truyện ngắn. Nhưng chưa lần nào viết về vùng đất và con người ở làng Thái Phiên này. “À ra thế! Cháu sẽ giới thiệu để chú viết về chàng trai say mê khoa học, luôn tìm ra cái mới trong sự sáng tạo nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng rau, hoa”. “Tốt quá! Hôm nào về, chú sẽ đến làng Thái Phiên để tìm hiểu và viết bài”.

***

Làng Thái Phiên ở hướng Đông Bắc TP Đà Lạt cùng với làng Sào Nam, làng Tây Hồ. Ba làng tạo thành một chuỗi liên hoàn trong phong trào đấu tranh cách mạng thời chống Mỹ. Viết tới đây, tôi chạnh lòng nhớ lại mấy câu thơ của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non

Cụ Ưng Bình, làm thơ viết về dòng lịch sử khi vua Duy Tân giả làm thường dân ra Phu Vân Lâu bên dòng sông Hương ngồi câu cá. Mục đích là bí mật hẹn gặp hai nhà yêu nước là Thái Phiên và Trần Cao Vân từ Quảng Nam ra Huế để bàn chuyện quốc sự, khởi nghĩa chống thực dân Pháp…

***

Nhớ lại những ngày đi chiến đấu về ấp Thái Phiên (ngày ấy gọi là ấp), chúng tôi từ chân núi Hòn Bồ băng qua những thửa rau bậc thang, men theo những luống hoa, đến đêm mới vào tiếp cận được với bà con cơ sở. Tôi không thể nào quên những gia đình, những con người, những tấm gương kiên trung nồng nàn yêu nước ở nơi đây. Thung lũng ấp Thái Phiên nằm dưới chân Trường Võ bị Quốc gia (nay là Học viện Lục quân) và Trung tâm Cảnh sát Dã Chiến. Ven ấp nhiều đồn bốt của bọn Bảo An, dân vệ đóng rải rác dưới chân núi Hòn Bồ. Nhưng bà con nơi đây vẫn cưu mang, giúp đỡ, tiếp tế cho cách mạng.

Từ trên điểm cao, phóng tầm mắt nhìn về Thái Phiên, hôm nay không còn những vườn rau bậc thang năm xưa, chỉ còn lại một màu trắng đục của nhà kính ni long bao trùm quanh làng. Đây là một trong những phương thức sản xuất gây tác hại môi trường. Khí hậu dần mất đi cái không khí lành lạnh của núi rừng cao nguyên và dần trở nên nóng bức. Mùa mưa nước không thoát kịp và đất không ngấm nước vì nhà lồng bao phủ, sinh ra cảnh ngập úng cục bộ.

Để hiểu sâu khi đi vào nhà kính, ta sẽ cảm nhận một không gian ngột ngạt, không khí khó thở. Nếu ai bị bệnh về đường hô hấp, vào đây rất nguy hiểm, vì nhà kính không khí không được thông thoáng. Người nông dân làm việc nơi đây, mặc dù họ đã trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ sức khỏe như găng tay, ủng, khẩu trang nhưng vẫn bị ảnh hưởng, dần dần biến chứng dẫn đến những bệnh nan y.

Chứng kiến công việc thường ngày của nông dân ở làng quê Thái Phiên, anh quân nhân Văn Phú Lành ở tổ Thái An 3, Phường 12, TP Đà Lạt, đã ngày đêm suy tư, tìm hiểu, trao đổi với bạn bè, tham khảo những công trình phục vụ nông nghiệp trên mạng internet và đã chế tạo thành công máy tưới phun “3 trong 1”. Thời gian trong quân ngũ, anh là lính trong Binh chủng Thông tin ở Học viện Lục quân, là quân nhân chuyên sửa máy thuộc lĩnh vực thông tin dân dụng. Khi ra quân, anh mở hiệu sửa chữa điện tử, lắp ráp âm li, tivi, radio. Ngày ấy chủ yếu là sửa tivi đen trắng, vì thời gian này chưa có tivi màu. Xã hội ngày càng phát triển, tivi màu thông minh ra đời, nghề sửa chữa điện tử cũng dần đi vào lãng quên. Trong khi đó, giá cả tiền thuê mặt bằng giao dịch ngày càng lên cao. Nên anh quyết định chuyển sang nghiên cứu và chế tạo lắp ráp bơm tưới phun trong nhà lồng. Một lần nữa cơn bão giá thị trường ập đến khiến thu nhập của anh trở nên lao đao. Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, giá cả lại thấp hơn mặt hàng anh làm ra. Một chiếc máy van tưới của Trung Quốc giá chỉ có 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, chiếc máy anh làm ra giá thành lên đến 2 triệu đồng. Người ta thường nói “tiền nào của ấy”. Hàng Trung Quốc giá tuy có rẻ hơn nhưng dùng rất mau hỏng. Nhờ có tay nghề vững chắc, sản phẩm làm ra chất lượng, uy tín nên bà con vẫn tìm đến anh để đặt hàng. Tuy thu nhập không cao nhưng đã đảm bảo cuộc sống và giúp anh có thêm tiền để đầu tư vào trang thiết bị làm việc. Sau thời gian nghiên cứu công trình khoa học “đưa kỹ thuật số vào phục vụ nông nghiệp”, đến nay đã cho ra đời một sản phẩm công nghệ số điều khiển bằng remote. Công trình làm được ba chức năng tưới phun, xịt thuốc và bón phân trên một phương tiện. Lợi ích thiết thực của máy giúp cho người nông dân không tiếp xúc với thuốc trừ sâu khi xịt thuốc (vì dùng remote điều khiển máy móc ở ngoài nhà lồng) nên sức khỏe người lao động không bị ảnh hưởng. Phun nhanh, chậm, máy tới lui sang trái, qua phải rất đều nên giảm được lượng vật tư khi sử dụng. Tất cả dung lượng và trọng lượng của hóa chất phun tưới, bón cho cây đã được cài đặt sẵn trên máy nên người sử dụng chỉ việc “ngồi uống cà phê” và điều khiển máy qua remote. Năng suất tăng gấp đôi ba lần, tiết kiệm được thời gian lao động. Để đưa được công trình kỹ thuật số "3 trong 1" vào công việc sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, anh đã đầu tư không ít công sức, chất xám, tiền bạc, thời gian. Ở lĩnh vực này, người sáng tạo phải có một số kiến thức nhất định. Do đó, anh phải tự học qua sách vở, học qua máy tính, trao đổi với bạn bè. Biết bao đêm thức trắng ngồi bên bảng vẽ để lập ra sơ đồ máy và cũng không ít lần khi đưa vào thực tế, mang ra trải nghiệm ngoài vùng rau bị thất bại nhưng với ý chí vượt khó, với tinh thần tự thắng của người lính và phương châm “vấp ngã ở đâu ta tự đứng lên ở đó" nên anh đã thành công.

Đến nay, đã có một vài chủ hộ ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt và một nông dân ở Bình Dương đã đặt hàng. Máy của anh chế tạo và tự tay anh lắp đặt tùy theo diện tích của nhà lồng, thích ứng với điều kiện địa hình và sự đồng tình của người sử dụng nên có giá thành khác nhau. Trong khi vận hành nếu có xảy ra sự cố về kỹ thuật, thì anh là người có trách nhiệm sửa chữa. Vì nếu người khác không nắm được thông tin quy trình hoạt động của loại máy này, không thể sửa chữa được. Nói một cách khác, đây là phương tiện độc quyền trong chế tạo.

Năm nay, Văn Phú Lành đã bước vào tuổi 60, sức khỏe còn rất tốt. Vì anh xuất thân là một võ sư võ cổ truyền Việt Nam. Anh tâm sự với tôi: “Cuộc sống của cháu chỉ có 2 niềm đam mê là kỹ thuật và võ thuật. Cuộc đời của cháu đã trải qua bao bước thăng trầm trong cuộc sống gia đình và sự nghiệp. Nhưng cháu vẫn vững niềm tin vượt qua mọi trở ngại bằng chính nghị lực trên đôi chân cứng rắn của mình. Cháu đã đứng vững và sẽ tiếp tục đi lên. Nhân đây, cháu xin bày tỏ lời cảm ơn tới bạn bè gần xa, những người bác, người anh nông dân là những đối tác, đồng thời là khách hàng đã cộng tác, trải nghiệm trong công việc đưa đến thành công như hôm nay”.