
Không chỉ làm say lòng người bởi vẻ đẹp tự nhiên, nên thơ của các thắng cảnh, Đà Lạt còn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với du khách bởi những di sản văn hóa độc đáo đang được bảo tồn và lưu giữ ngay trong lòng thành phố.
Không chỉ làm say lòng người bởi vẻ đẹp tự nhiên, nên thơ của các thắng cảnh, Đà Lạt còn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với du khách bởi những di sản văn hóa độc đáo đang được bảo tồn và lưu giữ ngay trong lòng thành phố.
 |
Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt. Ảnh: PHAN NHÂN |
Đà Lạt từng được mệnh danh là một “Paris thu nhỏ” với nhiều công trình kiến trúc công cộng và dân dụng mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Nơi đây ngoài một số công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng như Trường Trung học Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), Ga Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, Nhà thờ Domaine, Nha địa dư… còn có các dinh thự làm việc và nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp và triều Nguyễn - Việt Nam. Ở đây, mỗi ngôi nhà và khuôn viên bao quanh đều mang dáng dấp văn hóa, kiến trúc độc đáo riêng biệt cũng như sở thích của mỗi chủ nhân đến từ nhiều vùng, miền của nước Pháp. Khi đến đây, du khách đều bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã của phong cách kiến trúc Âu châu, cũng như sự đa dạng về hình dáng của các biệt thự. Ngoài di sản kiến trúc, Đà Lạt còn ẩn chứa những kho tàng di sản văn hóa dân tộc vô giá khác mà không dễ gì bắt gặp bất cứ nơi đâu. Đó là kho mộc bản triều Nguyễn, Bảo tàng Lâm Đồng, Bảo tàng sinh học Tây Nguyên và thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng qua những đêm giao lưu văn nghệ cùng các nghệ nhân dân tộc bản địa vùng Nam Tây Nguyên qua các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc.
Đến với tour du lịch di sản, bạn sẽ được khám phá những di sản văn hóa độc đáo có một không hai này.
Kho mộc bản triều Nguyễn
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những cuốn sách, tài liệu quý được khắc trên ván gỗ dưới triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam với số lượng lên tới 34.618 tấm. Chúng được khắc rất tinh xảo và sắc nét trên gỗ thị và gỗ cây nha đồng. Mộc bản được lưu giữ ở đây bao gồm những bản thảo sách, tài liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và khắc in từ những năm 20 của thế kỉ XIX và cả những bản thu ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đưa vào Huế từ những năm 40 của thế kỉ XIX theo Dụ của vua Minh Mạng. Đến năm 1960, kho mộc bản vô giá này được chuyển từ Huế vào cao nguyên và giao lại cho chi nhánh Văn khố Đà Lạt cất giữ. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới (ngày 31/7/2009).
Bảo tàng Lâm Đồng - Số 4 Hùng Vương - Đà Lạt
Đến Bảo tàng Lâm Đồng bạn không những được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng cũng như phong tục tập quán, sinh hoạt của các dân tộc bản địa đã từng sinh sống lâu đời trên mảnh đất này cùng lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn được chiêm ngưỡng những di sản văn hóa vô giá khác. Đặc biệt như:
Sưu tập mảnh vàng được khắc miết hoặc dập nổi các hình nam thần, nữ thần cùng các linh vật hoặc văn tự được viết theo lối chữ Phạn cổ (Ấn Độ cổ)
Sưu tập Linga-Yoni (vật thờ chính trong các đền tháp) với nhiều chất liệu khác nhau như: vàng, bạc, đồng, đá thạch anh và đá xám… Trong đó có một bộ Linga-Yoni đã từng được đưa vào kỷ lục guiness Việt Nam (ngày 26-12-2004). Đây là bộ Linga-Yoni lớn nhất Việt Nam và có thể là cả Đông Nam Á chúng được phát hiện từ Khu thánh địa Cát Tiên huyền bí được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm, mà cho đến nay sự tồn tại và biến mất của chủ nhân khu thánh địa vẫn còn là điều bí ẩn chưa được giải mã.
Đến Bảo tàng Lâm Đồng du khách còn được chiêm ngưỡng “những cây thạch cầm xưa nhất thế giới” mà ngày nay người ta vẫn quen gọi là đàn đá. Chúng được phát hiện ngay trong lòng đất Nam Tây Nguyên. Các sưu tập đàn đá này có niên đại cách ngày nay khoảng từ 2.500 - 3.000 năm.
Bảo tàng Sinh Học (thuộc Viện nghiên cứu khoa học Tây nguyên)
Bảo tàng Sinh Học là nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn mẫu động, thực vật và nguồn gen quí hiếm của tài nguyên rừng Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Khi đến đây du khách sẽ rất thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng những tiêu bản động vật quí hiếm của núi rừng Tây Nguyên như: báo hoa mai, gấu ngựa, gấu chó, sói lửa, cầy giông sọc,… đặc biệt là những bộ xương, cây hóa thạch và cả những chú voi ngộ nghĩnh cũng có mặt nơi đây.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt trước đây là Trường Lycée Yersin (Trung học Yersin)
Đây là một kiệt tác của kiến trúc sư tài hoa Moncet thiết kế và được xây dựng trong thời gian từ 1925 đến 1935. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Lycée Yersin) là kiểu kiến trúc trường học hiếm thấy ở nước ta. “Đó là một tuyệt tác mỹ thuật với một dãy trường uốn cong không giống bất cứ một trường học lớn, nhỏ nào trên thế giới. Ở đây một bức ảnh là một bức họa”. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một công trình được đánh giá cao về các mặt mỹ thuật, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 28/12/2001.
Ga Đà Lạt - nhà ga cổ kính và “cao nhất” Việt Nam
Nhà ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính và “cao nhất” Việt Nam vì nó nằm ở độ cao 1.500m so với mặt biển. Ga Đà Lạt được xây dựng hoàn tất vào năm 1933 theo đồ án của các kiến trúc sư người Pháp là Revéron và Moncet với lối kiến trúc độc đáo. Ga Đà Lạt được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương và cả nước Pháp thời bấy giờ. Hiện nay cùng với nhà Ga Hải Phòng, Ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam. Nhà ga Đà Lạt đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2001. Đến đây du khách còn được lên tàu hỏa để đến vãn cảnh chùa Linh Phước - một ngôi chùa được cẩn khắc, trang trí tượng rồng bằng các mảnh gốm, sứ, thủy tinh theo lối cẩn khắc của người xưa tại lăng Khải Định (Huế) và sẽ được thưởng lãm nhiều món cổ vật độc đáo do chính sư trụ trì sưu tầm và trưng bày ở đây.
Nhà thờ Chánh tòa (Nhà thờ Con Gà)
Nhà thờ Chánh tòa còn có tên dân gian là Nhà thờ Con Gà vì ngay trên thánh giá đỉnh tháp chuông có gắn biểu tượng con gà. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu do người Pháp để lại tại Đà Lạt. Nhà thờ được linh mục Cesleste Nicolas thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ công giáo châu Âu tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman, được khởi công xây dựng từ 1931 và kéo dài tới 11 năm mới hoàn tất.
Dinh Bảo Đại - Biệt điện nhà vua
Dinh Bảo Đại còn được gọi tắt là Dinh III, trước đây người dân Đà Lạt vẫn thường quen gọi là “Biệt điện nhà vua”. Đây là một trong những dinh thự đẹp nhất của thành phố Đà Lạt. Sự ra đời, tồn tại của nó gắn liền với một giai đoạn lịch sử và một nhân vật trong lịch sử Việt Nam; đó là Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn ở Việt Nam. Khu biệt điện được khởi công xây dựng vào năm 1939 và hoàn tất vào năm 1943. Theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người đã từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một kiến trúc sư cung đình làm việc ở Bộ công của triều đình Huế. Ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật và cách bài trí bên trong của chủ nhân dinh thự.
Giao lưu văn hóa cồng chiêng với dân tộc bản địa tại chân núi Langbian
Đến đây, du khách sẽ có một đêm hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; cùng giao lưu và có những trải nghiệm tuyệt vời với đồng bào dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên.
Khi đến Đà Lạt, ngoài việc thưởng lãm muôn sắc hoa trong dịp Festival, với tour du lịch di sản chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách thích tìm hiểu khám phá những di sản văn hóa độc đáo trên mảnh đất này.
ĐOÀN BÍCH NGỌ