
Cùng với việc hình thành thương cảng Hội An, các làng nghề mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà trước kia đã góp phần làm nên một đô thị Hội An sầm uất - đến nay vẫn còn lưu giữ được nét nghệ thuật đặc sắc trong kiến trúc, ẩm thực, sinh hoạt của người Hội An…
Cùng với việc hình thành thương cảng Hội An, các làng nghề mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà trước kia đã góp phần làm nên một đô thị Hội An sầm uất - đến nay vẫn còn lưu giữ được nét nghệ thuật đặc sắc trong kiến trúc, ẩm thực, sinh hoạt của người Hội An… Điều đáng nói hơn là các làng nghề hôm nay không chỉ sản xuất hàng hóa mà còn hoạt động du lịch phục vụ hàng chục ngàn du khách trải nghiệm với công việc của làng nghề mỗi năm và tăng thu nhập cho mình.
 |
Bà Được hướng dẫn khách du lịch làm gốm |
Du lịch làng nghề ở Hội An
* Bà Nguyễn Thị Được (Làng gốm Thanh Hà): Tôi ra nghề từ năm 13 tuổi, nay 92 tuổi, hồi trước làm nồi, làm chậu, làm hũ muối dưa, làm cả máng cho heo ăn…, giờ nhôm nhựa thông dụng quá, nên đồ gốm không bán được, tôi nghỉ một thời gian. Du lịch phát triển, tôi làm những thứ này đây (hàng lưu niệm). Không dư giả gì, chủ yếu là giữ lại những cái tinh túy giới thiệu đến khách du lịch. Làm gốm - không biết thì khó, nhưng biết rồi thì không khó nữa, nhưng muốn học phải mất 3 năm. Nhà tôi tới 4 đời làm nghề gốm rồi, từ bà cố, bà nội, bà mẹ rồi đến tôi. Giờ có con, cháu đều làm được gốm - nếu giữ được thì nay là đời thứ 6.
* Anh Võ Văn Luật - hướng dẫn viên Công ty Du ngoạn Việt: Tham quan làng nghề mang lại sự thích thú cho du khách quốc tế hơn là khách Việt Nam. Du khách nước ngoài đến đây để trải nghiệm những hoạt động mà ở nước họ chỉ có cách đây cả trăm năm và nay hầu như không còn. Việc chuyển hướng hoạt động làng nghề sang phục vụ du lịch ở Hội An chủ yếu là khai thác yếu tố trải nghiệm chứ không phải mua sắm, nên cho dù mẫu mã sản phẩm không được đánh giá cao về công dụng, chất lượng, hoặc độ tinh xảo, tính thẩm mỹ, hoặc không mang theo được… nhưng vẫn thu hút khách.
* Ông Huỳnh Sướng - nguyên Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và du lịch Kim Bồng: Làng mộc Kim Bồng là làng nghề đầu tiên của Hội An được hưởng lợi từ một dự án du lịch cộng đồng thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo của LHQ từ năm 2004, cùng với chương trình hỗ trợ khác, đã được đầu tư khôi phục, phát triển nhiều hạng mục hạ tầng làng nghề như nhà xưởng sản xuất, trung tâm đón tiếp, khu vực trưng bày - giới thiệu sản phẩm và các chương trình tour tuyến phục vụ khách tham quan… Làng nghề mộc Kim Bồng chú trọng xây dựng chính sách 4P trong quảng bá là sản phẩm (Product), giá cả (Price), phân phối (Place), xúc tiến (Promotion) và thí điểm tổ chức dịch vụ lưu trú homestay ở một số nhà dân…
|
Từ tháng 4/2015, Bảo tàng Gốm đất nung Thanh Hà chính thức đi vào hoạt động trong khuôn viên rộng 6.000m2. Đây là công trình bảo tàng tư nhân do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên - 42 tuổi, người Hội An, hiện là Giám đốc Công ty Nhà Việt Corp thực hiện. Bảo tàng Gốm Thanh Hà khiến người xem thích thú bởi là công viên thu nhỏ các công trình kiến trúc nổi tiếng bằng đất nung trưng bày ngoài trời. Chỉ cần 5 phút, du khách được đi vòng quanh thế giới chiêm ngưỡng kim tự tháp Ai Cập, tháp Eiffel, tháp nghiêng Pisa, nhà hát Opera Sydney, đền Manhattan… và Việt Nam: Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Chùa Cầu Hội An, Kinh đô Huế, tháp rùa Hà Nội… Bảo tàng Gốm Thanh Hà còn có khu vực trưng bày các sản phẩm gốm mỹ nghệ, các bức phù điêu gốm và hình ảnh mô tả lại lịch sử nghề gốm ở Hội An. Và thế giới gốm thu nhỏ trưng bày các sản phẩm đất nung của các làng nghề gốm khác ở Việt Nam đến khu vực sản xuất, chế tác, mua sắm… Dù chưa hoàn thiện toàn bộ công trình, nhưng Bảo tàng Gốm Thanh Hà tạo nên nét tươi mới của nghệ thuật gốm truyền thống trong không gian yên bình nhưng chỉ cách phố cổ Hội An chưa đầy 2km… Phía sau Bảo tàng Gốm, bên bờ sông Thu Bồn là làng nghề gốm Thanh Hà có từ thế kỷ 16, hiện còn trên 20 hộ dân làm gốm với khoảng 100 lao động, hàng năm, sản xuất khoảng 400 ngàn sản phẩm, chủ yếu là gạch ngói và hàng lưu niệm như tượng gốm, tranh gốm, chặn giấy, lọ đựng bút, tò he…
Làng nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15 do những người Việt đầu tiên di cư từ đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ mang theo nghề mộc truyền thống của làng xã. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Qua quá trình giao thương, những người thợ mộc Kim Bồng học hỏi được nghệ thuật điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành (Chàm), Trung Hoa, Nhật Bản… Hiện nay, vẫn còn 27 cơ sở sản xuất có quy mô từ 5-50 thợ làm nghề với các mặt hàng chủ yếu là mộc gia dụng, mộc xây dựng, mộc mỹ nghệ, đóng ghe thuyền… Đặc biệt, họ vẫn giữ được nghề chạm khắc gỗ và nhận đóng thuyền đi biển trọng tải 10-20 tấn cho khách hàng từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Bình Thuận; và đang tích cực góp phần bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích Đô thị cổ Hội An và tham gia hoạt động du lịch làng nghề.
Làng rau Trà Quế ở xã Cẩm Hà - tuổi đời trên 400 năm, nổi tiếng vì có tới 25 chủng rau gia vị, rau ăn kèm, với đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát, như: ngò, xà lách, tần ô, diếp cá, mồng tơi, húng, quế, hành, ngổ, răm, tía tô… thường có mặt trong các món ăn đặc sản Quảng Nam như cao lầu, mì quảng, tôm hữu, thịt heo cuốn bánh tráng, bánh xèo, bê thui, gỏi sứa, hến trộn, canh chua… Khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, làng rau cũng phát triển. Hiện làng có trên 200 hộ dân làm nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40ha. Ngoài việc trồng rau để phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn và các chợ đầu mối trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, người dân Trà Quế cũng tham gia vào các hoạt động du lịch. Du khách đến đây “hóa thân” vào trang phục quần áo nông dân, đi dép lê, đội nón lá và được bày cách cuốc đất, trồng cây, tưới nước và chăm bón rau. Thưởng thức nước pha chế từ các loại rau trong vườn, tham quan hoặc trải nghiệm trồng rau, ngâm chân bằng thảo dược và các loại cây lá, học cách chế biến các món đặc sản làng rau…
 |
Gia đình du khách Nga thích thú chế biến món ăn ở làng rau Trà Quế |
Tìm giải pháp cho Lâm Đồng
Câu chuyện về lịch sử và hiện trạng làng nghề được các thuyết minh viên của làng nghề Hội An trình bày cặn kẽ và liên tục cộng với những giai thoại theo mỗi bước chân du khách, khiến quãng đường như ngắn lại và khoảng thời gian như trôi nhanh hơn… Điều minh chứng cho sự thành công của hoạt động du lịch làng nghề Hội An chính là lượng khách đến mỗi ngày và mỗi năm cộng lại đều trên 20 ngàn lượt. Cùng với hoạt động của làng nghề hôm nay, là sự vẹn nguyên của di sản Hội An và các dấu tích làng nghề còn đậm nét trong kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, ẩm thực… đang thu hút dòng du khách tấp nập cả trong và ngoài nước đến Hội An không ngừng nghỉ…
Lâm Đồng có rất nhiều làng nghề truyền thống, từ làng nghề trồng rau - hoa với hàng ngàn chủng loại; đến các làng nghề thủ công như làm gốm, đan gùi, rèn sắt, dệt vải, làm rượu cần, đan len, làm nhẫn… Các làng nghề ở Lâm Đồng có từ thành phố đến các thôn bản nông thôn xa xôi. Nhiều năm trước, hầu như làng nghề nào cũng được lập đề án khôi phục, bảo vệ, phát triển và làm du lịch phần nào giúp hoạt động làng nghề có nhiều khởi sắc. Chúng tôi từ vùng chuyên canh rau Lâm Đồng - nơi có làng nghề gốm Krăng Gọ về làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng để tham quan vì có phần tò mò và muốn tìm hiểu cách thức tổ chức hoạt động làng nghề làm du lịch.
Điều dễ nhận thấy là Lâm Đồng có điều kiện tốt hơn để phát triển du lịch làng nghề bởi có diện tích rau hoa chuyên canh rộng lớn, các nghề truyền thống vẫn hiện hữu và được truyền dạy, sản phẩm làng nghề mang tính ứng dụng cao… Nhưng, cái mà Lâm Đồng chưa có chính là nhân lực cho hoạt động du lịch làng nghề, là không gian và các công việc du khách có thể làm để được trải nghiệm đời sống của làng nghề, là văn hóa ẩm thực của làng nghề - yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc hấp dẫn du khách… Ngoài ra, còn là nguồn hỗ trợ cầm chừng và sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng làng nghề, hãng lữ hành, công ty du lịch… Đó có lẽ là những lý do khiến hoạt động du lịch làng nghề ở Lâm Đồng chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp hoặc không hiệu quả như Hội An.
LÊ HOA