Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 

AN NHIÊN 06:17, 16/05/2025

Từ đầu năm 2025 đến nay, trong nước đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố, điển hình như: vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả; thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.

Kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh
Kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh

THỰC PHẨM GIẢ DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân chính của việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả là: Việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mang lại lợi nhuận lớn, trong khi chi phí đầu tư thấp, khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi này. Lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng hiện nay do hệ thống pháp luật và công tác quản lý, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh; đăng ký bản công bố sản phẩm với đa số các thực phẩm hiện nay được tự công bố, chỉ có 3 nhóm sản phẩm phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Các công ty vi phạm dùng chiêu trò tinh vi để sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, qua mặt cơ quan chức năng và lừa người tiêu dùng như gắn mác sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng thực chất từ một nước khác hoặc sản xuất trong nước với chất lượng thấp (10 - 30% công bố); dùng tem nhãn, bao bì giả giống thương hiệu nổi tiếng cho sữa bột, thực phẩm chức năng, dầu ăn, gia vị; lập nhiều công ty tạo mạng lưới phân phối rộng; lợi dụng bác sĩ, người nổi tiếng, truyền thông để quảng cáo sai công dụng, đặc biệt thực phẩm chức năng, sữa bột; sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, khó kiểm soát do tính ẩn danh và quy mô lớn.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ và phân biệt rõ được thực phẩm, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe; dễ tin vào quảng cáo sai sự thật, mua hàng qua mạng mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG

Nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông trên địa bàn.

Toàn tỉnh có hơn 18.500 cơ sở thực phẩm đang hoạt động. Các cơ sở này đều được UBND tỉnh phân cấp quản lý cụ thể cho các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương và UBND cấp huyện, cấp xã... Trong đó, ngành Y tế quản lý 9.721 cơ sở, gồm 3 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Trung ương quản lý, 132 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, 9.586 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố do địa phương quản lý.

Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, ngành Y tế đã thành lập 457 đoàn kiểm tra, hậu kiểm tại 15.711 cơ sở. Qua đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 179 cơ sở có vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 834 triệu đồng.

Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, ngành Y tế toàn tỉnh đã triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành theo kế hoạch và chủ trì triển khai kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP...). Kết quả, tổ chức 153 đoàn kiểm tra 3.875 cơ sở, trong đó có 3.650 cơ sở đạt (chiếm 94,2%) và 225 cơ sở vi phạm (chiếm 5,8%). Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 25 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 125 triệu đồng.

Qua rà soát hồ sơ công bố sản phẩm và danh sách cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với 11 công ty theo danh sách của Cục ATTP về rà soát cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Chi cục ATTP tỉnh Lâm Đồng chưa tiếp nhận bất kỳ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cũng như bản công bố sản phẩm nào từ các công ty trên. Sở Y tế Lâm Đồng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, đến nay các đoàn không phát hiện hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh sữa và thực phẩm chức năng.

Về công tác giám sát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, trong năm 2024, ngành Y tế đã tiến hành giám sát 349 mẫu sản phẩm thực phẩm, trong đó có 27 mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe kiểm tra các chỉ tiêu chất cấm. Kết quả cho thấy có 328/349 mẫu đạt chất lượng (chiếm 94%), 27/27 mẫu âm tính với các chỉ tiêu chất cấm. Các mẫu giám sát có kết quả không đạt đều đã được xử lý theo đúng quy định.

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, hậu kiểm về  ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Các sản phẩm thực phẩm mặc dù được công bố, tự công bố sản phẩm theo quy định nhưng nguy cơ sản phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng luôn tiềm ẩn do chưa có quy định về xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, nguồn lực quản lý còn hạn chế. Công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, thời vụ, tự phát; chưa quản lý được hết hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng, đặc biệt tại các tài khoản cá nhân (zalo, facebook, tiktok...). Việc sử dụng phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép trong chế biến, bảo quản thực phẩm ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, phát hiện. Việc quản lý ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đặc thù của địa phương như mứt, nước cốt, bún, phở... gặp nhiều khó khăn...

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trong thời gian tới, Lâm Đồng kiến nghị Bộ Y tế tham mưu sửa đổi Luật ATTP, các văn bản dưới luật và các văn bản quy định, hướng dẫn về ATTP cho phù hợp với tình hình thực tế, khả thi và đồng bộ. Bổ sung thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát chất lượng thực phẩm. Hoàn thiện hệ thống quản trị ATTP tại Việt Nam để thuận lợi cho công tác quản lý về ATTP các tuyến. Phối hợp với Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định phù hợp nhằm quản lý đối với hình thức kinh doanh thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội...