Mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn” của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Đức Trọng là điển hình trong các hoạt động của Hội CTĐ tỉnh.
![]() |
Hội CTĐ tỉnh phối hợp với nhà tài trợ trao tặng máy lọc nước cho người dân ở Đức Trọng |
Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, Hội CTĐ huyện Đức Trọng hiện nay có 24 tổ chức cơ sở với 8.864 hội viên, 675 tình nguyện viên, 9.210 thanh, thiếu niên CTĐ. Thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc quan trọng nhất là trao “cần câu”, tạo cho người dân nguồn sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo một cách bền vững và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân. Trong nhiều năm qua, Hội CTĐ huyện Đức Trọng đã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả mô hình sinh kế để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện. Các mô hình sinh kế này đã và đang hoạt động rất hiệu quả, được các cấp lãnh đạo ghi nhận, đánh giá cao và bà con Nhân dân nhiệt tỉnh ủng hộ.
Khi đã có ý tưởng và quyết tâm thực hiện mô hình, Hội CTĐ huyện Đức Trọng luôn trăn trở muốn thực hiện được nhiệm vụ này thì phải có nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ gia đình. Nguồn vốn vận động từ các doanh nghiệp, các nhà tài trợ không đủ để thực hiện và nếu chỉ sử dụng nguồn vốn này để hỗ trợ thì công tác quản lý việc sử dụng vốn lại không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, Hội CTĐ huyện đã mạnh dạn xin chủ trương của Huyện ủy cho phép tổ chức nuôi heo đất trong hội viên, tình nguyện viên và người dân để có nguồn vốn thực hiện mô hình. Khi ý kiến này đưa ra đã được các cấp lãnh đạo từ huyện, xã đến chi hội CTĐ thôn đồng tình ủng hộ tổ chức thực hiện.
Bà Phạm Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết: Qua quá trình triển khai thực hiện, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, tấm lòng tương thân tương ái của hội viên, tình nguyện viên và người dân, mô hình sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn huyện Đức Trọng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm đầu tiên triển khai thực hiện, đồng loạt cán bộ, tình nguyện viên CTĐ ra quân vận động, tuyên truyền về ý nghĩa mô hình, kết quả từ nguồn vốn huy động được là 250 triệu đồng, Hội CTĐ huyện đã tổ chức cho 25 hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn vay số tiền 10 triệu đồng/hộ để mua 1 con bò giống. Những hộ dân được vay vốn hỗ trợ này đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, sau 2 năm, các hộ đã phát triển mô hình, có bò thuộc về mình và trả được vốn vay ban đầu. Mô hình đầu tiên là những chú bò vàng, nhận thấy thành công của mô hình, Hội CTĐ huyện tiếp tục nhân rộng ra hỗ trợ bò sữa, heo đen. Đến nay, toàn huyện đang duy trì mô hình với 42 con bò vàng, 13 con bò sữa, 60 cặp heo đen. Các con số này sẽ không ngừng tăng thêm theo thời gian tới.
Từ thực tế quá trình triển khai thực hiện, Hội CTĐ huyện Đức Trọng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm để thực hiện mô hình một cách hiệu quả như: Mô hình lấy lực lượng nòng cốt là các cán bộ, tình nguyện viên CTĐ được trang bị về kiến thức, kỹ năng để tuyên truyền cho bà con hiểu được ý nghĩa của chương trình hỗ trợ sinh kế, giúp bà con thay đổi được nhận thức, ý thức, cần cù, chịu khó, biết cách làm ăn và có ý chí vươn lên. Phải thực hiện việc ký cam kết đối với những hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình, từ đó có sự ràng buộc giữa chủ thể giúp đỡ, hỗ trợ và người được hỗ trợ; đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, cẩn thận từng khâu. Thường xuyên động viên, theo sát giúp đỡ các hộ dân được hỗ trợ mô hình bằng cách phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, các hợp tác xã chăn nuôi để giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm giúp việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của các nhà tài trợ, cần duy trì tốt hoạt động nuôi heo đất, đây là nguồn quỹ hỗ trợ bà con vay vốn thực hiện mô hình sinh kế. Thường xuyên tổ chức “Ngày hội khui heo đất” nhằm tạo không khí phấn khởi cho mỗi hội viên tham gia nuôi heo đất cũng như công khai, minh bạch nguồn quỹ heo đất thu được. Bên cạnh đó, tổ chức Hội có thể đứng ra bảo lãnh để vay vốn tại các quỹ tín dụng nhân dân tại các xã đầu tư vào mục đích phát triển sản xuất, mở mang thêm ngành nghề, dịch vụ mà người dân không phải thế chấp tài sản, mức vay tối đa là 20 triệu đồng. Tùy vào điều kiện tự nhiên của từng địa phương để hỗ trợ mô hình sinh kế cho phù hợp, như vậy quá trình thực hiện sẽ mang lại hiệu quả cao.
Để trong thời gian tới mô hình tiếp tục hoạt động và phát triển sâu rộng hơn, từng bước góp phần ổn định kinh tế cho các gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội CTĐ huyện Đức Trọng mong muốn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế để có thể phát triển, mở rộng hơn nữa về quy mô, lĩnh vực, không chỉ dừng lại ở mô hình chăn nuôi mà cả trồng trọt, ngành nghề thủ công…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin